Tán sỏi thận thành công cho bé trai 27 tháng tuổi
Bệnh viện E đã sử dụng phương pháp tán sỏi thận nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ để xử trí thành công cho một bé trai 27 tháng.
Ngày 20/4, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E đã sử dụng phương pháp tán sỏi thận nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (dưới 3 mm) để xử trí thành công cho một bé trai (27 tháng tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Kỹ thuật này giúp trẻ ít mất máu, ít đau hơn sau phẫu thuật, vết sẹo nhỏ. Ngoài ra, thời gian nằm điều trị ngắn và tỷ lệ thành công cao.
BSCKI Mai Văn Lực - Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học cho biết, bé N.H.Đ.H nhập viện trong tình trạng thường xuyên quấy khóc kèm tiểu hồng. Các bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng và chụp CT thấy hình ảnh sỏi thận trái có kích thước tương đối lớn so với thận với kích thước 10x8mm, không có dị dạng hệ tiết niệu.
Bố cháu bé cho biết, gia đình đã phát hiện trẻ bị căn bệnh nguy hiểm này trong một lần đi siêu âm ổ bụng lúc cháu mới 6 tháng tuổi. Lúc đó, gia đình đã đưa con đi khám nhiều bệnh viện tại thành phố Đà Nẵng. Hầu hết các bác sĩ đều đưa ra phương án mổ mở để lấy sỏi thận cho con.
Qua tìm hiểu về các cơ sở điều trị sỏi uy tín trên toàn quốc, mẹ cháu đã tìm cách liên hệ với TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E để lựa chọn phương án điều trị tốt nhất cho con.
Nhân một chuyến ra Hà Nội du lịch trước đợt nghỉ lễ, bé được đưa đến viện Bệnh viện E. Các y bác sĩ đã tiếp đón, thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm cho trẻ. Sau đó, khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học đã hội chẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch, khoa Gây mê hồi sức, khoa Chẩn đoán hình ảnh… để đưa ra phương án phẫu thuật cho bệnh nhi. Phương án là tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học – người phẫu thuật trực tiếp cho trẻ, chia sẻ: "Do người bệnh quá nhỏ nên các dụng cụ phải chuyên biệt và có sử dụng một số dụng cụ thay thế. So với ca phẫu thuật ở người lớn tuổi sử dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ (18Fr tương đương 6mm) hoặc đường hầm chuẩn thức (24 Fr tương đương 8 – 10 mm) thì đối với bệnh nhân nhi này, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da đường siêu hầm nhỏ (dưới 3mm) vào thận trái, tán vụ sỏi bằng laser, bơm rửa lấy hết các mảnh sỏi".
Trong mổ, khi kiểm tra lại các nhóm đài thận bằng máy soi và siêu âm cho thấy, không còn mảnh sỏi. Thời gian phẫu thuật kéo dài 45 phút, vết mổ được khâu lại và chỉ dài khoảng 4 - 5 mm.
Tuy nhiên, để thực hiện ca bệnh này, các bác sĩ phải giỏi chuyên môn, thao tác chính xác và tỉ mỉ nhằm hạn chế sang chấn nhu mô thận. Đồng thời, giảm nguy cơ chảy máu, bảo tồn tốt đa chức năng thận, cũng như các nguy cơ tai biến trong và sau phẫu thuật khác có thể xảy ra.
Sau mổ 12 giờ, trẻ đã vận động và ăn uống trở lại. Trên phim chụp sau mổ đánh giá là sạch sỏi so với phim cũ. Thông thường tán sỏi qua da ở người lớn thì ra viện sau mổ ổn định khoảng 3 - 4 ngày. Do cháu bé nhà ở xa, để đảm bảo an toàn, trẻ cũng được cho ra viện sau 5 ngày. Song, theo dự kiến, trẻ có thể ra viện sau tán sỏi 2 ngày bởi can thiệp ít xâm lấn.
TS.BS Nguyễn Đình Liên cho biết, sỏi thận là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý đường tiết niệu. Tuy vậy, sỏi thận ở trẻ em lại ít được quan tâm đúng mực. Bởi, tỷ lệ gặp sỏi thận ở trẻ em thấp hơn người lớn. Trong khi đó, tỷ lệ mắc sỏi thận ở trẻ em có xu hướng tăng.
Ở trẻ em, sỏi thận có liên quan đến các nguyên nhân di truyền, chuyển hóa, giải phẫu. Bỏ qua yếu tố di truyền thì hiện nay số trẻ em mắc căn bệnh này là do chế độ ăn uống và lối sống. Trong đó, bao gồm: ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động. Đó là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những bé có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... Đó cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Ở trẻ nhỏ thì dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng khóc, la hét mỗi lần đi tiểu.
Phương tiện chẩn đoán căn bệnh này là siêu âm hệ tiết niệu và X quang bụng. Tuy nhiên, vấn đề dự phòng nguy cơ mắc căn bệnh trên cần được quan tâm, đặc biệt về dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa canxi thường gặp trong sử dụng thuốc, sữa công thức…
Theo khuyến cáo của Hiệp hội thận tiết niệu Hoa Kỳ và châu Âu, những trường hợp mắc sỏi thận ở trẻ em thi nên làm phân tích thành phần sỏi và tầm soát rối loại chuyển hóa có nguy cơ gây tái phát sỏi. Vì thế, ở bệnh nhi này, các bác sĩ khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E đã phối hợp với Viện Hóa học – Viện hàm lâm khoa học Việt Nam phân tích thành phần sỏi. Khi có kết quả, các bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tránh nguy cơ tái phát sỏi cho cháu trong tương lai.
Trong trường hợp nếu trẻ mắc bệnh sỏi thận có biểu hiện nhiễm trùng nguy hiểm, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về thận tiết niệu. Từ đó, các bác sĩ có phương án điều trị tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (dưới 3mm).