Tâm thư ngọt ngào chồng gửi vợ: "Với anh gầm chạn là thiên đường", khiến hội chị em tan chảy

Daisy,
Chia sẻ

Người ta hay nói đểu những anh chàng ở nhờ nhà vợ, nhưng anh biết, sẽ chẳng có ngôi nhà nào ấm áp hơn ở đây. Khi bố vợ là đồng minh còn mẹ vợ là quân sư tình yêu.

Thuyền theo lái, gái theo chồng. Con gái lấy chồng đương nhiên phải làm dâu, dù được ở riêng hay ở cùng bố mẹ chồng, thì cái áp lực đè lên nàng dâu mới cũng ghê gớm lắm.

Thế nhưng, hoàn cảnh của những chàng rể ở nhà bố mẹ vợ còn bi đát hơn. Bởi cái nhìn soi mói của thiên hạ. Vậy nên, trên đời này có bao nhiêu đàn ông chấp nhận ở rể, vì nghèo, vì  chưa có nhà riêng, làm ăn thất bại? Có bao nhiêu đàn ông đang tự do bỗng dưng phải về ở cùng vì vợ ốm nghén, vì con cần gửi ông bà trông? Hàng trăm lý do để kiếm được số ít ỏi chàng rể chấp nhận hy sinh hình ảnh của bản thân.

Và những cô vợ may mắn nhất trên đời, dễ khiến chị em xuýt xoa ngưỡng mộ bởi lấy chồng mà được ở cùng với mẹ. Thật hiếm có khó tìm!

Đàn ông chịu bao nhiêu áp lực cảnh gầm chạn. Dù anh ta có sự nghiệp thành đạt thế nào, ở rể là mất hết cái sĩ diện tối thiểu. Vậy nên, khi đọc tâm thư của anh chồng quốc dân này gửi vợ, khối chị em sẽ phải ghen tỵ với cô ấy. Thứ cô ấy có không chỉ là một người chồng tuyệt vời, mà hơn thế nữa là một chỗ dựa tinh thần cho bố mẹ lúc tuổi già.

"Gửi vợ yêu, đã 3 năm anh quyết định theo em từ bỏ ngôi nhà riêng đầy tự do giữa trung tâm thành phố về quê ở cùng bố mẹ vợ. Ôi thật sự bạn bè anh dè bỉu ghê lắm. Người thì hỏi han xem có khổ không? Kẻ thì phỏng vấn đầy soi mói xem bố mẹ vợ thế nào? Thực ra anh chỉ biết cười chứ nào dám nói gì.

Tâm thư chồng gửi vợ: Với anh gầm chạn là thiên đường quá ngọt ngào khiến hội chị em tan chảy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mình cưới nhau 2 năm em mới có bầu. Mà bầu đúng kiểu tiểu thư, ốm nghén, chẳng ăn được gì ngoài mấy món tủ của mẹ nấu từ khi còn bé. Thật khó chiều ghê gớm. Nhìn cảnh mẹ bắt xe bus hàng ngày 20km mang đồ ăn lên cho em, xong tối lại tất tưởi về vì không yên tâm bố ở nhà, anh cũng thấy xót xa. Thôi thì, miễn làm em vui là anh thấy vui rồi. Có chịu đựng sự bất tiện vì đi làm xa hơn, tập làm quen với hai người già khó tính, cũng chẳng sao hết em nhỉ.

Ấy vậy mà giờ anh thấy mình may mắn quá. Hai vợ chồng ở được một năm bố đã khỏe lên trông thấy. Không biết do công của em sinh được thằng bé con đáng yêu hết cỡ, hay do anh giỏi chơi cờ, đàm đạo trà mạn mỗi ngày. Bố đòi anh tìm video hướng dẫn tập dưỡng sinh, rồi hai bố con cùng tập. Bố khỏe lên mà trai trẻ như anh tranh thủ tập thể dục cùng cũng khỏe lên.

Về quê, đi làm xa phải dậy sớm. Anh được ngắm bình minh sớm. Được ăn thức ăn sạch mẹ vợ trồng, gà ngon mẹ vợ nuôi. Thằng trai thành phố lần đầu tiên được sống cuộc sống ngoại ô, tập rào lại vườn rau, tập tưới cây cảnh cùng bố vợ, tập câu cá, rồi còn được xắn quần tát ao mùa cạn. Toàn những trải nghiệm mới.

Con chúng ta có ông bà bế bồng, em đỡ vất vả, yên tâm đi làm, không phải thấp thỏm người lạ. Anh cũng yên tâm làm việc và thăng tiến. 

Tâm thư chồng gửi vợ: Với anh gầm chạn là thiên đường quá ngọt ngào khiến hội chị em tan chảy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Khi lỡ làm vợ giận, bố vợ ngay lập tức là đồng minh, bênh con rể bằng rất nhiều lý do. Nếu vẫn không xong, mẹ vợ sẽ là quân sư xúi anh làm những trò cho vợ vui mà tha thứ. Nếu không ở cùng, khéo anh chẳng biết làm sao để nịnh vợ.

Hôm nay em gọi điện cho anh, giọng đầy hờn dỗi vì em đi công tác cả tuần không ai hỏi thăm. Thế mà anh đi công tác 3 ngày bố mẹ vợ đã ra vào ngóng cửa sốt ruột. Bố vợ kêu thiếu người đánh cờ. Mẹ vợ bảo không có con rể khen món canh cua bà nấu. Chà! Anh thấy gầm chạn đúng là thiên đường rồi đấy".

Lời tâm sự của anh chồng này thật đáng để chị em nhấn like rào rào đúng không? Tất nhiên không phải bỗng dưng mà người ta cảm nhận được cảnh sống nhờ nhà bố mẹ vợ mà hạnh phúc như thế. Bởi chàng rể không lấy tâm thế làm khách, gượng ép về ở. Bố mẹ vợ không đối đãi kiểu anh là người xa lạ.

Những chị em nào may mắn được ở với mẹ, nhưng lại nghĩ việc chồng ở cùng là tất nhiên, đọc xong tâm thư này có chột dạ. Liệu mình, chồng và bố mẹ đã tạo cho nhau cảm giác gần gũi yêu thương như một gia đình thế này chưa? Liệu xung quanh có lời hỏi thăm vô duyên về việc ở rể của chồng, các chị em có bảo vệ hình ảnh cho anh ấy không? Khi bố mẹ không hài lòng chuyện gì, có đụng chạm con rể không?

Quan trọng nhất, hai thế hệ tuy xa mà gần, cư xử với nhau bằng tình yêu thương và sự chân thành thì ở đâu cũng là thiên đường.

Chia sẻ