Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: "Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh"

Phương Thúy,
Chia sẻ

"Xin hãy nhớ lấy nỗi sợ siết chặt lấy cơ thể khi có ai đó bên cạnh bạn ho, hay khi bạn nhận được cuộc gọi từ một người thân yêu nói rằng họ bị sốt", y tá Mendoza nhắn nhủ.

Theo Worldometers, tính đến ngày 19/04/2020, trên thế giới đã có 2.371.666 người nhiễm Covid-19, 163.085 người tử vong. Trong đó tính riêng ở Mỹ đã có 741.230 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 39.103 trường hợp tử vong. Trong tình thế bệnh tật và chết chóc nhiều không thể tưởng tượng, đội ngũ y tế ở khắp mọi nơi đều được tung hô là những người hùng.

Tuy nhiên hãy cùng lắng nghe chia sẻ đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng từ một trong số những "người hùng" như thế ở Mỹ - anh KP Mendoza - y tá phòng hồi sức cấp cứu tại bệnh viện The Mount Sinai Hospital, New York - nơi đang là tâm dịch của Mỹ.

Tôi không phải là anh hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh.

Tôi không phải là anh hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh.

Hôm qua, tôi đã cân nhắc tới việc viết di chúc.

Tôi 24 tuổi, là một y tá hồi sức cấp cứu (ICU) ở New York. Tôi đang rất khỏe, vì vậy chẳng có lý gì lại đi viết di chúc vào lúc này. Nhưng ngày hôm qua, tôi buộc phải đối mặt với thực tế rằng, có lẽ tôi sẽ ra đi sớm hơn mình tưởng.

Tốt nghiệp Khoa điều dưỡng vào năm 2018, tôi chưa bao giờ nghĩ đây sẽ là tương lai của mình với vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm. Tôi nghĩ mình đã được chuẩn bị để chứng kiến những cái chết, tôi đã thấy quá đủ chỉ trong một năm đầu tiên làm việc ở ICU.

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 3.

Y tá KP Mendoza. Ảnh: FB

Thế mà, trong hai tuần vừa qua, tôi đã nhìn thấy nhiều người chết hơn số người chết mà người ta có thể nhìn thấy trong cả cuộc đời. Đến giờ, tôi chẳng còn chắc là liệu rằng có thật mình đã sẵn sàng nhìn thấy người chết nữa hay không.

Sự chết chóc, bây giờ đã khác trước. Nó có thể chọn tôi.

Tuần trước có một cô gái gọi điện tới để hỏi về tình hình của mẹ. Cô nghĩ tình trạng của mẹ mình vẫn ổn định. Tôi chợt nhận ra không ai cập nhật cho cô về tình hình, bây giờ người nhà cũng chẳng được vào bệnh viện nữa.

Vậy nên, tôi miễn cưỡng, nhưng thật nhẹ nhàng, nói với cô rằng nếu như tôi ngừng dây truyền IV bây giờ, mẹ cô sẽ ngừng thở. Tôi đã phải thành thật, tại sao phải nói dối hoặc tô vẽ cho những gì đang diễn ra? Đúng như dự đoán của tôi, cô khóc òa.

Tôi đã được nghe âm thanh của một trái tim đang chết dần. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng trái tim một con người đang lịm đi, qua điện thoại.

Và tôi đứng đó, lúng túng, vơ lấy mọi thứ tôi cần trước khi vào phòng, hy vọng mình đừng quên bất cứ điều gì trong khi cô gái nức nở trong điện thoại: thuốc men, dây truyền, ống thuốc, kim tiêm… Tâm trí tôi lướt qua những gì mình cần làm trong khi cố gắng lắng nghe phòng khi đầu dây bên kia cất tiếng.

Tôi đang ở chiến tuyến cuối cùng

Mỗi lần vào phòng bệnh nhân Covid là một lần đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Nên tôi tự nhắc nhở bản thân rằng:"Bất cứ thứ gì anh để quên, khiến anh phải quay trở lại phòng bệnh chính là thứ có thể giết chết anh".

Tôi cố gắng sống đúng với đạo đức khi đứng đây, giữa hành lang, không biết phải đáp lời ra sao, chiếc khẩu trang đeo xộc xệch còn mồ hôi thì đọng dưới hàng lớp PPE.

Làm thế nào để nói ra lời xin lỗi vì chưa làm đủ?

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 5.

Mọi người nói rằng, tôi đang đứng ở tiền tuyến. Nhưng sự thật là tôi đang ở chiến tuyến cuối cùng. Tôi là một trong số ít những người mà người ta muốn gặp, bởi bước qua tuyến của chúng tôi, là cái chết.

Khi không có dịch, tỉ lệ ở phòng hồi sức cấp cứu chúng tôi tối đa là 2 bệnh nhân - 1 y tá. Vậy mà giờ tỉ lệ là 3 bệnh nhân - 1 y tá. Ở trong các phòng ICU khác và ở những bệnh viện khác, tỉ lệ thậm chí còn cao hơn. Tôi cảm thấy may mắn khi có những ngày chỉ phải chăm sóc 3 bệnh nhân.

Những ngày này đang phá hủy tôi.

Đội ngũ y tá của khoa hồi sức cấp cứu được đào tạo để làm mọi thứ chính xác: pha thuốc, đo lường, gây mê, đặt nội khí quản. Chúng tôi tắm rửa cho bệnh nhân, thay quần áo, cho ăn, và khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái. Chúng tôi ra vào phòng bệnh nhiều hơn bất kì ai.

Mọi người ca ngợi tôi là anh hùng, có người gọi là siêu anh hùng, thậm chí có người gọi tôi là thiên thần, rằng tôi thật dũng cảm, rằng người ta (bệnh nhân tôi) thật may mắn khi gặp được tôi. Hầu hết mọi ngày, tôi thấy những lời khen ấy thật xa xôi. Ngay lúc này đây, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình yếu đuối và kém cỏi.

Nếu may mắn có thời gian, tôi sẽ bôi lên đôi môi nứt nẻ của bệnh nhân mình chút thuốc mỡ lúc người ta vẫn còn hôn mê trước khi gọi Facetime về cho gia đình họ, để người thân có thể nhìn thấy họ lần đầu kể từ khi vào viện. Ống thở vẫn ở trong miệng, ống dẫn thức ăn vẫn truyền qua mũi, nước dãi chảy và có thể đâu đó, còn chút máu mà tôi chưa kịp lau.

Tôi là ai lại đánh cắp đi khoảnh khắc thiêng liêng giữa bệnh nhân và gia đình? Tôi là ai mà lại tham gia vào khoảnh khắc riêng của gia đình người ta trong những giây phút hội ngộ cuối cùng? Tôi như kẻ có tội. Tôi thấy xấu hổ về điều đó.

Nhưng, tôi vẫn đứng đó, bị mắc kẹt với sự xấu hổ và bất lực, bởi tôi là người duy nhất có thể kết nối bệnh nhân và người nhà họ lúc này.

Có những lúc, tôi bận rộn đến nỗi, bệnh nhân phải nằm trên giường bệnh trong tình trạng tồi tệ quá lâu. Nhưng tôi lấy đâu ra thời gian vệ sinh cho họ khi ở ngay phòng bên cạnh, một bệnh nhân khác, nhịp tim vừa chạm số 0.

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 6.

Ngay cả khi tôi rời bệnh viện, tôi cũng không thể thoát khỏi bệnh dịch này.

Virus theo chân tôi về nhà, theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Nó có thể nằm ở đế giày, trên bộ quần áo tôi vừa cởi, trên bàn tay đôi khi tôi đã cố kì cọ đến chảy máu trong nỗ lực gột bỏ sự bẩn thỉu và bệnh tật.

Nó len lỏi trong những tiếng còi xe cấp cứu tôi đang nghe bên ngoài, tự hỏi đó có phải là bệnh nhân tiếp theo chết vì nó. Tôi nghe thấy tiếng nó trong những tiếng chuông tin nhắn từ một đồng nghiệp vừa thông báo rằng bố của đồng nghiệp chúng tôi vừa mất vì Covid-19. Và nó ở trong tiếng máy thở cứ vang lên trong giấc mơ tôi.

Chẳng bao giờ tôi thấy đủ

Vào những ngày nghỉ, tôi dành hàng giờ đọc các bài báo, những nghiên cứu mới được công bố về tác dụng phụ của một loại thuốc dùng để điều trị, những lợi ích của một loại thuốc mới, và hàng tá những thông tin chưa được kiểm chứng nhiều đến choáng ngợp khác.

Nhưng mỗi ngày tới bệnh viện, tôi vẫn cảm thấy như mình chưa biết đủ về căn bệnh này, và mỗi ngày, tôi rời bệnh viện với cảm giác thất bại, rằng tôi có thể làm được nhiều hơn thế. Chẳng bao giờ tôi thấy đủ, kể cả là gần đủ thôi cũng chưa bao giờ.

Đó là lý do tại sao tôi xin mọi người đừng gọi tôi là anh hùng. Đối với tôi, đó như một lời nói dối. Tôi cảm thấy rất nhục nhã.

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 8.

Tôi bọc lấy mình bằng cảm giác tội lỗi như người ta bọc người chết bằng tấm áo liệm.

Tôi phải chạy khoảng 12 tiếng một ngày, đôi khi nhiều hơn. Tôi thấy mình may mắn nếu như vẫn có thời gian để ăn, may mắn nếu như tôi có thể đi vệ sinh nhiều hơn một lần trong ca trực. Tôi không rõ mình nên biết ơn điều gì nữa, vì tôi còn được ăn một bữa trưa dù vội vã hay vì tôi không phải là người nằm trên chiếc giường ICU kia.

Tôi muốn mọi người biết rằng điều này quá khó khăn. Đây không phải là thứ mà tôi muốn đối mặt, không ai trong số các bác sĩ, y tá chúng tôi muốn thế. Tôi học để chăm sóc cho những người ốm và sắp chết, và ừ thì tôi biết rằng điều này có thể ảnh hưởng tới chính sức khỏe của tôi.

Nhưng xin đừng đánh đồng sự lựa chọn nghề nghiệp của chúng tôi với sự hy sinh bản thân mình, tôi không chọn để chết. Tôi muốn cả nước biết rằng nếu như tôi phải nằm trên chiếc giường ICU kia thì đó là vì tôi đã không được phát cho một bộ đồ hazmat hoặc là không có đủ đồ bảo hộ PPE để bảo vệ lấy mình.

Chúng ta coi mình là tốt nhất, là tự do nhất, là giàu nhất trên thế giới, rằng không có quốc gia nào có thể so sánh được. Vậy thì, tại sao sau khi tan ca, tôi phải lột một chiếc khẩu trang duy nhất mà tôi đã đeo liền một mạch 12 tiếng?

Tôi phải hít thở cả ngày trong một bầu không khí ngột ngạt đầy chết chóc, và rồi sau mười hai tiếng đó, tôi kì cọ vùng cổ không được bảo vệ với thứ hóa chất tẩy mạnh, hy vọng rằng lớp "bảo hộ" mỏng tang màu vàng kia có thể ngăn được virus chạm được vào tới da tôi.

Cho tới khi có cách chữa hoặc điều trị, mọi người sẽ còn tiếp tục phải chết vì căn bệnh này. Thậm chí sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, con người vẫn gặp nguy hiểm. Thậm chí sau những "đỉnh dịch", ngay cả khi chúng ta san phẳng đường cong trên biểu đồ, vẫn sẽ là những đoạn "xuống dốc", tức là vẫn sẽ còn người phải chết.

Trong một khoảng thời gian dài thật dài, những phòng hồi sức vẫn sẽ còn bị quá tải và các khoa cấp cứu sẽ vẫn phải hoạt động quá sức mình. Chúng tôi đã không chuẩn bị, New York là một ví dụ đau đớn.

Tôi tin rằng đại dịch này đã chỉ ra rất sâu sắc và đau đớn những vấn đề trong hệ thống của chúng tôi.

Khi còn học đại học, tôi thường tự nhủ rằng mình quá bận để gọi cho bố mẹ. Nhiều nhất, tôi gọi cho bố mẹ một lần một tuần, có khi một lần một tháng nếu như tôi đang phải thi giữa hoặc cuối kì. Bố mẹ tôi là những người nhập cư từ Philippines tới Mỹ và vẫn đang làm y tá ở Chicago.

Tôi đã thường đổ lỗi cho sự bận rộn của mình và lịch trình của bố mẹ khi không gọi điện cho bố mẹ thường xuyên. Nhưng thật kì lạ khi lo lắng lúc này giằng xé lấy tôi.

Tôi đọc được những câu chuyện của bố mẹ trong lịch sử y tế mỗi báo cáo buổi sáng. Tôi nhìn thấy bố mẹ trong những bệnh nhân đang hấp hối của mình – nghe được những tiếng cầu khẩn điên cuồng của con cái xin được cập nhật tình hình, cầu nguyện cho những tin tốt.

Có phải tôi đã nghe thấy tiếng của những đứa con ấy, hay đó chính là tiếng của tôi qua điện thoại? Liệu bố mẹ đã biết tại sao tôi điên cuồng gọi cho họ gần như mỗi đêm hay chưa?

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 10.

Tôi vẫn còn quá trẻ. Tôi có ước mơ, và hy vọng được có một cuộc sống trọn vẹn phía trước. Tôi muốn về nhà với bố mẹ và nấu một bữa ăn. Tôi muốn trông thấy đứa cháu trai mới bốn tuổi của mình đang lớn lên.

Tôi muốn kết hôn với một người mà tôi có thể cùng nhau già đi. Tôi muốn có những đứa con và tôi muốn bố mẹ tôi có thể chiều chuộng đến hư cũng được những đứa con tôi như họ đã làm với tôi.

Vậy nên tôi mong mọi người đừng thương hại tôi, cũng đừng gọi tôi là anh hùng. Tôi không muốn trở thành một người tử vì đạo. Tất cả những gì tôi cầu xin chỉ là, sau khi tất cả mọi chuyện đã qua đi, các bạn "đừng bao giờ" quên cảm giác bị giam trong nhà trong thời gian cách ly.

Tôi xin các bạn đừng bao giờ quên những chiếc xe tải đông lạnh chở xác, những dãy hàng giấy vệ sinh trống trơn và những cuộc giành giật khẩu trang. Tôi xin các bạn hãy nhớ lấy nỗi sợ siết chặt lấy cơ thể khi có ai đó bên cạnh bạn đang ho, hay khi bạn nhận được cuộc gọi từ một người thân yêu nói rằng họ đang bị sốt.

Tâm sự nặng lòng của y tá Mỹ ở tuyến cuối chống COVID-19: Tôi không phải người hùng. Tôi chưa sẵn sàng hi sinh. - Ảnh 11.

Hãy cứ vỗ tay cho chúng tôi vào lúc 7 giờ nếu như đó là điều khiến cho đại dịch này đỡ căng thẳng hơn. Đúng là sự cổ vũ của các bạn khiến chúng tôi tiếp tục. Nhưng cũng xin biết rằng sự động viên ấy không làm cho kết quả khác đi. Tôi xin được cầu xin một cách nhiệt thành – rằng chúng ta hãy thay đổi những gì chúng ta có thể thay đổi sau khi tất cả điều này qua đi.

Điều này, đừng bao giờ nên đến một lần nữa.

Chia sẻ