Tâm sự hãi hùng của F0 vượt qua cửa tử: Đau khủng khiếp, tối tăm mặt mũi vì không thở được và từng nghĩ đến bỏ cuộc...

TH,
Chia sẻ

"Hãy biết sợ Covid và giữ cho bản thân mình an toàn" là lời nhắn nhủ ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa của Lê Tùng khi trải qua chuỗi ngày chiến đấu với căn bệnh quái quỷ này.

Trong những ngày này, khi dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở TP.HCM, khi mỗi ngày nơi đây vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Các bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế đang phải làm việc gấp 3, gấp 6 lần bình thường để cứu chữa bệnh nhân Covid-19 thoát khỏi "cửa tử".

Khi qua cơn hiểm nguy ấy, có lẽ bệnh nhân Covid-19 nào cũng không khỏi vui mừng, hạnh phúc. Anh Lê Văn Thanh Tùng (TP.HCM) mới đây đã chia sẻ lại chuỗi ngày trở thành F0 của mình để mọi người có thêm kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn tâm lý cùng nhiều vấn đề khác nếu chẳng may nhiễm bệnh.

Là F0 tự điều trị tại nhà trong 8 ngày đầu tiên

Anh Lê Tùng chia sẻ, vào ngày đầu tiên, anh bị sốt và rất khó hạ sốt. Anh mua các bộ test nhanh để kiểm tra và xác định mình dương tính. "Sau khi có kết quả mình liên hệ ngay với số điện thoại của HCDC nhưng không có người đến hỗ trợ, có vẻ số lượng ca dương tính đã qua nhiều và khu vực của mình không được hỗ trợ".

Nhận được lời khuyên từ các anh em trong ngành y "hãy tự cách ly tại nhà, dùng thuốc điều trị triệu chứng, chuẩn bị thuốc hạ sốt, vitamin C và các lọai thuốc tăng cường đề kháng khác", anh Lê Tùng yên tâm cách ly tại nhà.

Tâm sự hãi hùng của F0 vượt qua cửa tử: Đau khủng khiếp, tối tăm mặt mũi vì không thở được và từng nghĩ đến bỏ cuộc... - Ảnh 1.

Anh Lê Tùng chia sẻ, vào ngày đầu tiên, anh bị sốt và rất khó hạ sốt. (Ảnh: NVCC)

"3 ngày đầu mình sốt nhiều, nhưng cứ sốt thì hạ sốt, uống nhiều nước, tranh thủ xông mũi họng, súc nước muối cổ họng... đến ngày thứ 7 thì các triệu chứng bắt đầu giảm nhiều, nhưng mình lại bị mất hết vị giác và khứu giác, mình hơi lo nhưng vẫn cố gắng theo dõi đều", anh Tùng nói.

Sang đến ngày thứ 8, lúc này, bố mẹ anh Tùng bắt đầu có biểu hiện khó thở, mệt mỏi, anh tìm mua máy thở tại nhà nhưng không thể mua được máy thở, những nơi đăng bán đều đã hết hàng. Họ báo đặt hàng 5-7 ngày là có, nhưng theo cảm nhận của anh thì bố mẹ mình đang cần ngay lập tức.

"Mình mất nữa ngày lục sục, nhờ anh em quen thân làm trong ngành Y ở quận 2… tìm giúp, cuối cùng mình được hỗ trợ bởi một anh lần đầu tiên tiếp xúc, ảnh bảo ảnh có 2 máy đang dùng, mình cứ qua lấy về cho ông bà, chứ ảnh không bán, mình năn nỉ nhiều và anh vẫn quyết không bán, chỉ cho mình mượn dùng và không cần đặt cọc gì hết. Khi mình chuẩn bị đi lấy thì anh báo người quen anh còn 1 máy như cái anh đang dùng, và báo mình xem xét mua đi, và mình đã mua, chiều tối ngày thứ 8 mình đã có máy thở cho ba mẹ ở nhà, nhưng tình hình đã ngày càng nặng hơn".

Sang ngày thứ 9, F0 bắt đầu chuyển biến nặng, phụ thuộc máy thở 24/24

Trong khi bố mẹ bắt đầu có triệu chứng nặng, anh Tùng cũng không hề có triệu chứng dễ chịu hơn. "Tối ngày thứ 9 mình bắt đầu bị nặng, mình bắt đầu suy hô hấp, mình không thở bình thường được, cảm giác vẫn hít thở, vẫn thấy không khí vào, nhưng có cảm giác phổi đã không còn nhận được oxy, mình thở gấp, như cá trên cạn, há hốc hết cả miệng để lấy không khí vào, nhưng ngộp, cực kỳ ngộp", anh nhớ lại.

Lúc này, cả nhà quyết định phải nhập viện cấp cứu, gia đình gọi khắp các xe cấp cứu nhưng rất ít xe nghe máy. Cuối cùng có xe của bệnh viện quận 7 nhận bệnh, khi xe đến ngay cả bác sĩ theo xe cũng khuyên gia đình nên ở nhà tự cách ly nếu thấy ổn nhưng anh Tùng cảm thấy không chịu được.

"Mình nhớ chỉ số oxy cơ thể mình chỉ còn tầm 80%, trong khi nếu dưới 93% đã phải can thiệp y tế cho thở oxy. Mình gần như rất đuối, mất ý thức và không chịu nỗi thêm nữa, lên xe và để cho người ta chở đi đâu thì chở", anh Tùng kể.

Xe đi đến Bệnh viện Q7, anh được test nhanh Covid, chụp hình phổi, làm xét nghiệm PCR và cho nhập viện điều trị, chuỗi ngày đau đớn nhất giờ mới bắt đầu.

"Hai ngày đầu tiên khi nhập viện, mình không di chuyển được, phổi mình có cảm giác bị virus tấn công hoàn toàn, mình chỉ có thể nằm ngửa, thở rất gắt và chỉ nằm như vậy thôi, bất kỳ sự di chuyển nào dù là nhỏ nhất, như việc xoay người, ngồi dậy tại chổ đều là cực hình khủng khiếp, chỉ cần xoay nhẹ người là mất hơi, thở khan ngay, thiếu oxy ngay lập tức, miệng đớp không khí ngay lập tức, phần lưng đau buốt, không thể di chuyển dù là nhỏ nhất, mình cứ mê man lúc tỉnh lúc ngủ chập chờn với xung quanh là rất nhiều bệnh nhân khác, đầy tiếng ồn và sự nóng nực".

Chưa kể, hàng đêm, anh đều không tự thở được, không thể xoay trở cơ thể, đau nhức toàn bộ cơ thể. Anh không thể đi vệ sinh. "Sự khủng khiếp của việc đi vệ sinh chỉ những ai từng bị mới biết, phòng mình ở không có nhà vệ sinh trong phòng, nvs nằm ở cuối hành lang, mỗi ngày mình chỉ dám đi 1 lần, mỗi lần đều cực kỳ khổ sở, mình không đủ oxy cho việc đi xa, khi cần đi vs mình phải chuẩn bị rất lâu, từ việc đôi dép để sẵn cho tới số bước chân mình đi, khi quyết đi là ngồi ngay dậy, đi thật nhanh đến nvs và trên đường đều cầu sao cho không kẹt nhà vệ sinh, sau khi tiểu xong thì ngay lập tức quay về lại giường, mà đa phần sẽ gục ngã, thiếu oxy và ngồi thở ngay giữa đường, lòng ngực thắt lại đau buốt, không khí không vô được, thở khan giữa đường một chốc rồi mới tiếp về giường được, về đến giường là tiếp tục nằm thờ dốc 10-15 phút tuỳ lúc, rồi mới thở bình thường lại được", anh nhớ lại.

Tâm sự hãi hùng của F0 vượt qua cửa tử: Đau khủng khiếp, tối tăm mặt mũi vì không thở được và từng nghĩ đến bỏ cuộc... - Ảnh 3.

Một người trẻ khỏe như anh Tùng phải thở máy 24/24 giờ khi nhập viện. (Ảnh: NVCC)

Đến ngày thứ 3, anh Tùng được các bác sĩ cho thở oxy thông qua bình oxy, nhưng những bình này dung tích khá nhỏ, đa phần thở được tầm 2-3 tiếng là hết, có đêm anh phải phiền gọi bác sĩ thay bình 3-4 lần vì hết oxy. Thậm chí có cả đêm khi anh gọi, bác sĩ báo là oxy đã tạm hết, cố gắng để đầu cao, thở và chờ đến sáng sẽ có thêm oxy, "khủng khiếp".

"Có những đêm mình đã nghĩ "thôi mình bỏ cuộc, khủng khiếp quá, đau quá, thở rát hết cả người, cơ thể thì đau nhức, mình bỏ cuộc, mình chịu không nỗi nữa". Khi mà việc thở nó đơn giản hằng ngày, thì giờ nó trở nên cùng cực về nỗi đau thì mình không nghĩ rằng tại sao mình lại bị như vầy", anh nhớ lại trải nghiệm kinh hoàng.

Đến ngày thứ 4, anh báo gia đình xin bệnh viện cho mình mang máy thở mình đã tự mua vào hỗ trợ mình thở, và bác sĩ cũng đồng ý, từ đêm thứ 4 anh bắt đầu có đủ oxy hơn để thở, nhưng tình hình vẫn không khả quan. "Mình thở với sự hỗ trợ của máy thở 24/24, liên tục, nằm dài bất động trên giường và không thể di chuyển cơ thể dù là nhỏ nhất, mọi sự di chuyển dù nhỏ nhất sẽ đều phải trả giá bằng những cơn hụt oxi tối tăm mặt mày và thở dốc vài chục phút".

Tâm sự hãi hùng của F0 vượt qua cửa tử: Đau khủng khiếp, tối tăm mặt mũi vì không thở được và từng nghĩ đến bỏ cuộc... - Ảnh 4.

"Có những đêm mình đã nghĩ "thôi mình bỏ cuộc, khủng khiếp quá, đau quá, thở rát hết cả người, cơ thể thì đau nhức, mình bỏ cuộc, mình chịu không nỗi nữa". (Ảnh: NVCC)

Tiếp đó là 6-7 ngày liên tục mình phụ thuộc vào máy thở, máy hỗ trợ mình 24/24, lúc nằm bất động, lúc ngủ buổi trưa và tối, chỉ cần lơi máy thở ra là cơn thở dồn gấp tới, là không đủ oxy cho việc thở, là tối tăm mặt mũi, anh đã từng nghĩ rằng cuộc sống mình rồi sẽ phải gắn bó vĩnh viễn với máy thở, vì có vẻ phổi đã hư hết rồi, mình không thể làm gì nếu thiếu máy thở.

"Tuy nhiên như các bác sĩ chữa trị cho mình đã từng nói, cứ để cho phổi tự phục hồi, tự phổi sẽ tự tái tạo lại, đến ngày thứ 9 thì mình bắt đầu cảm thấy có sự thay đổi, thi thoảng mình đã tự ngắt máy và tự thở khi thấy mình có thể, dù thời gian rất ngắn. Thời gian tiếp theo mình đã tự xoay trở cơ thể, đã có thể đi xa hơn vài bước chân (mặc dù sau đó vẫn phải thật nhanh quay về với máy thở) nhưng mình vẫn thi thoảng tự kiểm tra tình hình bản thân, đôi lúc mình ra khỏi phòng tự đi lấy nước uống, tự mừng rỡ vì đã có thể quay về giường mà không thở gấp, điều đó có nghĩa phổi mình đang tự làm lành ổn định", anh chia sẻ.

Đến một tối, anh quyết định sẽ ngủ mà không cần máy thở, anh Tùng để máy sáng bên, vẫn mở máy phòng trường hợp khi cần, và anh đã ngủ cả đêm mà không cần máy thở hỗ trợ, và đó là tối hôm qua, có vẻ phổi đã ổn định lại rồi.

Tâm sự hãi hùng của F0 vượt qua cửa tử: Đau khủng khiếp, tối tăm mặt mũi vì không thở được và từng nghĩ đến bỏ cuộc... - Ảnh 5.

Đến một tối, anh Tùng quyết định sẽ ngủ mà không cần máy thở, anh Tùng để máy sáng bên, vẫn mở máy phòng trường hợp khi cần. (Ảnh: NVCC)

"Các bạn hãy giữ cho mình không nhiễm Covid, theo thống kê 80% ca F0 sẽ tựu khỏi, nhưng không ai nghĩ rằng rồi mình sẽ nằm trong 20% trở nặng còn lại, hãy biết sợ (như mình) và cố gắng giữ 5K, đeo khẩu trang và làm tốt mọi biện pháp để không phải mắc Covid, khả năng trở nặng của dòng Delta là cực kỳ cao và nhanh", anh nhắn nhủ mọi người.

F0 cách ly tại nhà cần chú ý những điều gì?

Theo BS Trương Hữu Khanh (trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), đối với F0 cách ly tại nhà, có 2 điều cần chú ý.

Một là, bảo đảm an toàn, không lây cho cộng đồng. Đây là nhóm những người trẻ, không béo phì, không bệnh nền để đảm bảo gần như không có triệu chứng nặng khi nhiễm Covid-19.

Hai là, qua nghiên cứu cho thấy người nhiễm COVID-19 nếu trở nặng thì sẽ diễn biến trong 8 ngày đầu, sau đó thuyên giảm. Nhiều người không có triệu chứng trở nặng thì sau 8 ngày có thể bắt đầu hồi phục. Lúc đó tiến hành xét nghiệm để chứng minh nồng độ virus trong họng giảm xuống và cho họ về cách ly tại nhà đến khi đủ thời gian theo dõi.

Nếu hướng dẫn đầy đủ và họ tuân thủ tuyệt đối: Không ra khỏi nhà, không tiếp xúc bên ngoài thì không thể lây nhiễm cho người khác. Không có chuyện con virus bay từ nhà này qua nhà khác. Tiếp xúc trực tiếp mới có nguy cơ lây nhiễm. Hoặc là hai người ở chung một không gian hẹp, nhất là trong môi trường điều hòa thì có nguy cơ lây nhiễm.

Do vậy nếu F0 cách ly, điều trị tại nhà, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn cách ly thì họ không lây cho ai ngoài cộng đồng. Ngay cả người thân sống chung nhà cũng không lây nhiễm nếu chúng ta hướng dẫn cho họ làm sao để giữ an toàn cho người nhà. Người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà chỉ lây cho người nhà khi sinh hoạt, ăn ngủ chung phòng. Nếu F0 ở phòng riêng hoặc luôn giữ khoảng cách 2m, có đeo khẩu trang hoặc mang tấm chắn giọt bắn, không dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn… thì gần như không lây nhiễm.

Không cần thuốc đặc trị, người cách ly tại nhà chủ động bổ sung dinh dưỡng, trái cây tươi, uống nhiều nước, hoặc bổ sung vitamin C. Nếu diễn tiến có triệu chứng thì thường sốt, ho, sổ mũi. Những triệu chứng này có thể dùng các loại hạ sốt mà chúng ta vẫn dự phòng tại nhà. Ngay cả trong khu cách ly điều trị, với F0 không có triệu chứng cũng không cần dùng thuốc đặc trị gì cả. Chủ yếu là theo dõi sức khoẻ, giữ gìn để họ không lây bệnh ra cộng đồng.

Chia sẻ