Tâm sự của người phụ nữ mất 6 năm, 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi mới tìm thấy con và lời khuyên của BS để tránh mất tiền, công sức oan uổng

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Tìm thấy "bé chuột" sau 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi, vợ chồng chị Tâm hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình. Suốt quãng thời gian 6 năm tìm con, anh chị đã trải qua những tháng ngày tự dằn vặt, đau khổ không biết tỏ cùng ai...

Hành trình long đong tìm con trong 6 năm của cặp đôi với 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi

Chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) chia sẻ, vậy là đã tròn 2 năm kể từ ngày chuyển phôi, em bé của chị hiện đã là một bé "chuột" vô cùng đáng yêu. Đó là thành quả sau 6 năm chinh chiến với 3 lần chọc trứng và 5 lần chuyển phôi của người phụ nữ này.

Nhớ lại hành trình những ngày đầu tìm con đến khi có trái ngọt như hiện tại, chị Tâm kể, mình lấy chồng vào tháng 10/2013. Đến tháng 12/2013 khi đi khám sức khỏe sinh sản thì phát hiện chồng mắc chứng vô tinh. Nhận được kết quả trên tay, anh chị vẫn đinh ninh có lẽ "do máy lỗi, hôm đó lại muộn nên không gặp được bác sĩ, thế là 2 vợ chồng ung dung dắt nhau về mà chả nghĩ ngợi gì".

Tâm sự của người phụ nữ tìm thấy con sau 6 năm với tổng cộng 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi - Ảnh 1.

"Thả" được một tháng không thấy kết quả, vợ chồng chị Tâm đi khám lại. Lúc này cả hai mới tá hỏa vì kết quả y chang lần trước. "Lúc ấy, mình cảm thấy choáng váng và suy sụp. Không còn tâm trí nào làm việc, mình cứ khóc mãi, trong giờ làm cũng ngồi khóc", chị Tâm nhớ lại.

Chị bạn làm cùng thấy vậy hỏi thăm và mách đến khám chỗ một bác sĩ nổi tiếng. Mỗi lần đến đây, anh chị phải trực chờ 10 tiếng đồng hồ tại phòng khám. Xem hồ sơ xong, chuyên gia khẳng định chồng chị có tinh trùng chỉ là bị tắc thôi, sau đó chỉ định làm IVF luôn, tỷ lệ thành công là 80%.

"Bản thân mình thấy mọi vấn đề giường chiếu của chồng cũng bình thường, các chỉ số khám cũng trong giới hạn bình thường nên rất tin tưởng kết luận này. Phần nghĩ chọc kiểm tra nhiều lại tổn thương nên 2 vợ chồng quyết định làm IVF luôn", chị Tâm kể.

2 vợ chồng giấu tất cả mọi người, chỉ dám nói với mẹ đẻ và mẹ chồng để được hỗ trợ kinh phí. Tháng 2/2014, cặp đôi bắt đầu hành trình trực chờ ở viện để nhanh chóng được làm IVF. Thế nhưng mọi chuyện sụp đổ khi chồng chị Tâm được gây mê để Pesa lấy tinh trùng thì nhận tin sét đánh ngang tai "không có tinh trùng".

Tâm sự của người phụ nữ tìm thấy con sau 6 năm với tổng cộng 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi - Ảnh 2.

"Đúng là tiền mất tật mang, buồn quá mình còn chẳng nhớ chuyện phải uống nhiều nước theo lời bác sĩ dặn nên sau đó mấy ngày còn bị quá kích phải nhập viện một tuần. Sau đó chữa trị thuốc thang đủ kiểu... nhưng vẫn không có kết quả gì", chị Tâm kể.

Được chị làm cùng cơ quan mách, theo khám và điều trị một bác sĩ là giáo sư nổi tiếng trong một năm, chị cũng hái được trái ngọt là một bé trai kháu khỉnh, chị Tâm lại bắt đầu nhen nhóm hi vọng mới. Vợ chồng chị uống thuốc 3 tháng, tiêm rồi đi khám lại, chọc mào tinh để kiểm tra cũng không có gì. Họ cho tiếp thuốc 3 tháng nữa cũng không thấy khả quan.

"Mình thấy nản vì họ không biết bệnh mà ai cũng thuốc giống nhau nhưng nghĩ giờ đâu còn cách nào khác. Nhà chị làm cùng mình theo tận một năm nên mình cũng cố gắng theo. Đến đợt uống thuốc lần 3, chỉ số vẫn là con số 0. 9 tháng trời không có chút tiến triển nào".

Đến lúc này, bác sĩ cũng khuyên anh chị đi xin tinh trùng, xin con nuôi chứ không có tinh trùng thì không thể có con được. Vợ chồng chị Tâm vô cùng bế tắc nhưng vẫn không tin đó là lựa chọn cuối cùng của mình. 2 vợ chồng gia nhập nhóm hiếm muộn của một bác sĩ chuyên điều trị các trường hợp khó.

Tháng 8/2016, đặt lịch khám, bác sĩ chẩn đoán chồng chị Tâm bị giãn tĩnh mạch tinh và chỉ định mổ, kết quả sinh thiết chồng chị Tâm cũng có vài chục con tinh trùng nên chị cảm thấy yên tâm rằng ít nhất mình cũng có thể mổ để thụ tinh.

Tâm sự của người phụ nữ tìm thấy con sau 6 năm với tổng cộng 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi - Ảnh 4.

Sau 4 tháng mổ, chồng chị Tâm vào khám lại, kết quả rất khả quan, chồng chị đã xuất được có tinh trùng có mật độ tận 2 triệu/ml, nhưng sau đó lại chỉ được 1,2 con trên 1 vi trường. Lần nào cũng vậy nên 2 vợ chồng qua bệnh viện làm IVF nhưng không có kết quả.

Lần thứ hai, chị Tâm chọc được 20 trứng nhưng cả 2 lần chuyển đều không có beta, phôi cũng hết. Lại nghe trong bệnh viện này có bác sĩ kia liên kết mổ và nhiều trường hợp như mình thành công, 2 vợ chồng chị lại "tất tưởi" vào đó làm.

Trước khi làm, anh chị cũng đề nghị khám kỹ tìm nguyên nhân cho mình xem có sao không thì nhận kết quả đều bình thường. Lần này, chị chọc được 23 trứng, bác sĩ chỉ định làm microtese cho chồng chị để lấy tinh trùng với lý do tinh trùng ở trong khỏe hơn, ít lỗi hơn. Thế nhưng chuyển 2 phôi ngày 6 cũng không được, chị Tâm hoang mang tột độ.

Đôi tay run rẩy, chị lại lên mạng tìm hiểu nguyên nhân. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng anh chị quyết định sang bệnh viện Vinmec. Tại đây, khi tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết, chị Tâm thiếu miễn dịch niêm mạc (dù xét nghiệm tế bào NK cao tận 3800).

Tâm sự của người phụ nữ tìm thấy con sau 6 năm với tổng cộng 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi - Ảnh 5.

"Mình lóc cóc vào chuyển phôi từ Bình Dương ra Vinmec, chuyển phôi đến lần thứ 2 chính là phôi duy nhất ngày 5, mình đã có được bé chuột đáng yêu, khỏe mạnh trong hiện tại. Trộm vía lần đầu tiên sau 5 lần chuyển phôi, mình mới có beta nhưng đã cán đích thành công ở 39 tuần 6 ngày và đẻ thường", chị nói với ánh mắt cười rạng rỡ.

Vô sinh hiếm muộn - Đừng biến mình đang ở "nhóm dễ thành khó"!

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec), trong thụ tinh ống nghiệm, phôi loại 1 được đánh giá có khả năng thành công cao hơn phôi loại 2, loại 3. Phân độ này được thực hiện sau khi soi dưới kính hiển vi và cũng chỉ mang hình thức tương đối. "Điều này phụ thuộc vào người đánh giá và chỉ mang tính tương đối, phôi loại 1 thì có khả năng cao hơn nhưng không có nghĩa là đảm bảo thụ tinh nhân tạo thành công", BS Chiến cho hay.

Trong thụ tinh ống nghiệm, khả năng làm tổ của phôi ngày 5, ngày 6 tốt hơn so với ngày 1, ngày 2. Loại phôi này tốt hơn bởi trải qua thời gian sẽ loại bỏ được phôi bất thường. Tỷ lệ thành công với chuyển phôi ngày 5 và 6, theo BS Chiến, chiếm 50%.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, người bệnh phải biết mình thực sự cần thụ tinh ống nghiệm hay chưa. Chuyên gia nhận định, buổi khám đầu tiên rất quan trọng, cần được khám rất kỹ và quan trọng hơn nữa, bạn cần tìm đến đúng bác sĩ có tâm, có chuyên môn. Chỉ có như vậy mới nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và từ đó tìm hướng điều trị, giúp cặp đôi sớm có được trái ngọt.

Tâm sự của người phụ nữ tìm thấy con sau 6 năm với tổng cộng 3 lần chọc trứng, 5 lần chuyển phôi - Ảnh 6.

Theo BS Chiến, vô sinh hiếm muộn là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định có 2 nhóm khi nói về vô sinh hiếm muộn, một là nhóm "khó thực sự", hai là nhóm "dễ thành khó". "Khó thực sự" thì có thể là những bệnh nhân nữ ở độ tuổi trung niên 40-50 tuổi đến khám chữa bệnh. Nhưng nhóm "dễ thành khó" mới là vấn nạn hiện nay, vì không có nguyên nhân, vì quá đỗi stress trên hành trình mong con cái, nhóm này hầu hết chưa được tư vấn đúng dẫn đến việc khám chữa chưa thực sự hợp lý, nhiều cơ sở lợi dụng tâm lý của vợ chồng cho làm thụ tinh ống nghiệm ngay... vừa không đem lại kết quả lại vô cùng tốn kém...

"Nhóm này xuất hiện nhiều trong cuộc sống ngày nay, giải pháp là phải được tư vấn đúng. Muốn vậy, bạn cần tìm đến đúng những cơ sở uy tín, tìm đúng bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm và thực sự có tâm để hạn chế tối đa nhất những điều không mong muốn", BS Chiến cho hay.

Chia sẻ