Tại sao Thiên Hoàng Nhật Bản là biểu tượng của lòng dân?

BÙI HÙNG,
Chia sẻ

Thiên Hoàng và Hoàng Hậu luôn tham gia vào những hoạt động nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khích lệ nhân dân phấn đấu vì sự phát triển của đất nước.

Sau ngày đăng quang vào năm 1989, mở ra thời đại Heisei (Bình Thành), Thiên Hoàng Akihito và Hoàng Hậu luôn đóng vai trò quan trọng là biểu tượng của Nhật Bản trong những sự kiện của đất nước. Với tư cách đó Thiên Hoàng và Hoàng Hậu luôn tham gia vào những hoạt động nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc và khích lệ nhân dân phấn đấu vì sự phát triển của đất nước.

Tưởng niệm các liệt sỹ

Một trong những sự kiện quan trọng đó là 15/8 hàng năm là sự kiện kỷ niệm kết thúc chiến tranh và tỏ lòng biết ơn những liệt sỹ đã hy sinh vì dân tộc Nhật Bản.

Tại sao Thiên Hoàng Nhật Bản là biểu tượng của lòng dân? - Ảnh 1.

Thiên Hoàng và Hoàng Hậu trong buổi tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Tokyo. Ảnh: Kyodo.

Ở Nhật Bản có 4 sự kiện quan trọng liên quan tới chiến tranh mà người dân Nhật Bản không bao giờ quên, đó là ngày 23/6 kỷ niệm chấm dứt trận chiến Okinawa – một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II, ngày 6/8 và 9/8 là ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Tất cả những ngày này, sự tham dự của Nhà Vua và Hoàng Hậu là vô cùng quan trọng, bởi nó nhắc nhở những thế hệ sau về quá khứ của dân tộc, quá khứ chiến tranh và bày tỏ sự biết ơn đối với thế hệ đi trước.

Đến nay, Nhà Vua và Hoàng Hậu đã có 11 lần tới Okinawa và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ nơi đây. Theo Thống đốc Okinawa thì đây là những lần viếng thăm gợi lại lịch sử của Okinawa đã vượt qua những chặng đường khó khăn để phát triển, đồng thời với ý nghĩa truyền tới người dân những tình cảm ấm áp với một tinh thần mạnh mẽ.

Thăm các đảo xa xôi và vùng thiên tai

Thăm các đảo xa và những nơi xa xôi là mục đích của Nhà Vua và Hoàng Hậu trong 30 năm qua. Những chuyến đi này đã trở thành hoạt động tiêu biểu của Thiên Hoàng.

Tại sao Thiên Hoàng Nhật Bản là biểu tượng của lòng dân? - Ảnh 2.

Thiên Hoàng thăm một hòn đảo tại Okinawa.

Đến nay, Nhà Vua và Hoàng Hậu đã đặt chân tới 55 hòn đảo nơi xa xôi trên 21 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Bởi Thiên Hoàng cho rằng việc tận mắt chứng kiến sinh hoạt người dân những khu vực này là một nhiệm vụ quan trọng của một Nhà Vua.

Chuyến thăm đảo Irizaki thuộc tỉnh Okinawa vào tháng 3/2018 là chuyến thăm đảo cuối cùng của Thiên Hoàng tới Okinawa. Tại đây, Thiên Hoàng đã thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật truyền thống của địa phương, giao lưu và nói chuyện thân mật với những ngư dân nơi đây. Chuyến thăm đảo cuối cùng là tới đảo thuộc thành phố Sapporo của Hokkaido.

Năm 2018 là năm Nhật Bản liên tục hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai khiến nhiều người bị thương vong và mất nhà cửa. Nhà Vua và Hoàng Hậu đã trực tiếp thăm viếng các gia đình nạn nhân và người dân tại khu vực Miền Tây, Hokkaido, chia sẻ những mất mát và khó khăn với nhân dân.

Tại sao Thiên Hoàng Nhật Bản là biểu tượng của lòng dân? - Ảnh 3.

Nhật Hoàng thăm hỏi nhân dân vùng Hokkaido bị thiệt hại do động đất năm 2018. Ảnh: Kyodo.

Trận mưa lũ lịch sử vào tháng 9/2018 tại các tỉnh Okayama, Hiroshima, Ehime… đã khiến hàng trăm người dân thiệt mạng. Mặc dù thời tiết xấu, Thiên Hoàng vẫn không thay đổi lịch trình đã đến tận nơi động viên các cháu nhỏ, cụ già vượt qua khó khăn. Chính sự gần gũi này đã động viên nhân dân vùng thiên tai rất lớn, gây tiếng vang cho toàn Nhật Bản.

Công việc bận rộn

Trong năm 2018, Thiên Hoàng đã phải tham gia vào Lễ nhậm chức của Chánh án Tòa án tối cao Nhật Bản, chứng kiến Lễ nhậm chức của 98 vị Bộ trưởng trong Nội các, 40 buổi trình Quốc thư của các Đại sứ nước ngoài tại Nhật Bản, hàng loạt các buổi lễ trao Huân, Huy chương liên quan.

Ngoài ra, năm 2018 Thiên Hoàng còn phải phê chuẩn 940 văn bản các loại được đưa đến từ Nội các Nhật Bản. Tính trong vòng 30 năm qua từ năm 1989, Thiên Hoàng đã phải phê chuẩn tới hơn 30.000 văn bản các loại. Đây là một cốt cách tượng trưng cho sự gắn kết giữa Thiên Hoàng với đất nước và người dân.

Tất cả những công việc trên tuy không được qui định trong Hiến pháp Nhật Bản nhưng được phân loại là hoạt động công vụ. Và những chuyến đi đến khắp 47 tỉnh thành, khu vực của Nhật Bản, gặp gỡ những Quốc khách đã tăng cường hình ảnh của một vị Vua đến với công chúng, đến với người dân.

Tháng 7/2018, Nhật Hoàng nhập viện do bệnh thiếu máu não và phải tạm ngừng một thời gian không làm việc. Thời gian này Hoàng Thái tử Naruhito đã phải thay cha làm một số việc liên quan đến quốc gia.

Thiên Hoàng và Hoàng Hậu từ ngày 1/5 sẽ trở thành Thượng Hoàng và Hoàng Thái hậu, vui sống với cuộc sống vợ chồng đầy yêu thương. Có thể Hoàng Thái hậu sẽ dành nhiều thời gian cho việc viết sách, thưởng thức âm nhạc, nhưng những đóng góp với tư cách biểu tượng của Nhật Bản, cả Thiên Hoàng Akihito và Hoàng Hậu vẫn mãi trong lòng dân với sự tôn kính đặc biệt.

Chia sẻ