Tại sao mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người tham gia thử thách 'Tháng Một không bia bọt'?

Đông Hà,
Chia sẻ

Theo nghiên cứu, những người kiêng rượu trong tháng Một sẽ uống ít rượu hơn trong những tháng còn lại của năm. Sức khỏe của họ cũng được cải thiện rõ rệt.

Nguồn gốc của tháng Một khô”

“Tháng Một khô” (Dry January), hay “tháng Một không bia rượu” là một chiến dịch sức khỏe cộng đồng do tổ chức từ thiện ở Anh có tên là Alcohol Change UK khởi xướng vào năm 2013. Chiến dịch này kêu gọi mọi người hạn chế uống rượu trong tháng Một.

Nhưng ý tưởng kiêng “bia bọt” đầu năm ra đã ra đời từ năm 1942, khi chính phủ Phần Lan phát động chiến dịch mang tên “tháng Một tỉnh táo” như một phần để thúc đẩy các chiến dịch trong quân đội.

Vào năm 2014, Alcohol Change UK đã “đăng ký bản quyền” thuật ngữ “tháng Một khô”. Vì thế mà từ này ngày càng phổ biến.

Tại sao mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người tham gia thử thách 'Tháng Một không bia bọt'? - Ảnh 1.

Tháng Một là tháng đầu năm, rất nhiều người tổ chức tiệc tùng, ăn uống, gặp gỡ bạn bè và thả mình vào những bữa tiệc thâu đêm. Và dường như rượu là thức uống không thể thiếu trong những cuộc gặp mặt. Lý do nhiều chọn đăng ký tham gia thử thách là để cải thiện sức khỏe, và trên hết là tiết kiệm tiền. Alcohol Change UK đăng tải rất nhiều tài liệu về tháng kiêng kỵ bia rượu trên website, bạn có thể đọc và tự đánh giá xem mình có thể gia nhập chiến dịch hằng năm của họ không.

Thử thách dần phổ biến

Hàng năm, hàng chục nghìn người bắt đầu năm mới bằng cách tham gia trào lưu “tháng Một khô”. Năm 2018, 100.000 người đã tham gia thử thách, năm 2021 thì có đến 130.000 người trên toàn cầu. Đối với những người trước giờ nghiện bia rượu nặng, sự kiện được xem như một thử thách ý chí thực sự. Sau tháng Một, mọi người vẫn được quyền uống rượu bia như bình thường. Nhưng theo nghiên cứu, thói quen này sẽ giảm xuống đáng kể.

Nhịn rượu, tránh bia, giữ tỉnh táo trong một tháng, nghe có vẻ khó, nhưng không đến mức bất khả thi. Một tháng là đủ lâu để cơ thể hình thành thói quen mới. Việc bỏ rượu cũng đem lại lợi ích sức khỏe tức thời, chẳng hạn giảm cân, ngủ ngon hơn, tâm trạng cải thiện, năng lượng được duy trì.

Tại sao mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người tham gia thử thách 'Tháng Một không bia bọt'? - Ảnh 2.

Thực tế, những người tham gia thử thách thường nhận được những lợi ích lâu dài. Họ bắt đầu uống ít hơn, thực hành những thói quen có lợi cho sức khỏe. Richard de Visser, nhà tâm lý học tại Trường Y Brighton và Sussex ở Anh, đã tập trung nghiên cứu những người tham gia thử thách. Anh nhận ra những người nhịn 1 tháng thì các tháng sau sẽ uống rượu ít hẳn.

Lợi ích bất ngờ từ việc thực hành một thử thách nhỏ

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Open, một nhóm các nhà nghiên cứu ở London và Hoa Kỳ đã quan sát biểu hiện của 94 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh sau khi bỏ rượu trong một tháng. Họ so sánh nhóm này với một nhóm gồm 47 người vẫn tiếp tục uống rượu.

Cả hai nhóm đều có những người nghiện rượu mức độ khác nhau, từ nghiện vừa đến nghiện nặng. Họ có khả năng “thanh toán” khoảng 2,5 ly rượu mỗi ngày.

Kết quả, những người bỏ rượu trong một tháng có cải thiện đáng kể về trao đổi chất, mặc dù thói quen ăn uống, hút thuốc hoặc tập thể dục của họ không thay đổi. Trung bình, họ giảm được khoảng 4,5 pound (khoảng 2kg), huyết áp giảm và giảm cả nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2, ung thư.

Các nhà nghiên cứu không dừng lại ở tháng đầu tiên mà vẫn tiếp tục theo dõi nhóm người trong 6-8 tháng tiếp theo. Nhóm kiêng rượu về sau đã giảm đáng kể thói quen uống rượu, còn nhóm thứ hai thì không.

De Visser cũng đã tiến hành một thí nghiệm tương tự, nhưng trên quy mô rộng hơn là hàng nghìn người. Trung bình, số ngày họ uống rượu giảm từ 4,3 ngày/tuần xuống còn 3,3 ngày/tuần trong nửa năm sau đó.

Hầu hết những người tham gia thử thách vẫn tiếp tục uống rượu sau đó, nhưng họ tiết kiệm được nhiều tiền, ngủ ngon hơn và có nhiều năng lượng hơn.

Richard Piper, Giám đốc điều hành của Alcohol Change UK cho biết: “Mục tiêu của ‘tháng Một khô’ không phải là sự tỉnh táo lâu dài, mà là sự kiểm soát lâu dài”.

Làm sao để nhịn bia rượu thành công?

Trong các nghiên cứu của mình, de Visser phát hiện khoảng 11% người tham gia thử thách không thay đổi được thói quen, thậm chí có xu hướng uống nhiều rượu gấp vài lần trong những tháng tiếp theo.

Tại sao mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người tham gia thử thách 'Tháng Một không bia bọt'? - Ảnh 3.

Xu hướng này xuất hiện ở những người nghiện rượu rất nặng. Vì thế, mọi người cần lưu ý rằng không phải cứ nhịn uống rượu một tháng là “phép màu sẽ đến”, thậm chí có trở thành liều thuốc độc làm bạn lao xuống dốc không kiểm soát.

De Visser cảnh báo: “Nếu bạn đang gặp vấn đề, bạn nên nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để không có trải nghiệm tiêu cực”. Dưới đây là một số lời khuyên giúp đẩy mạnh tỷ lệ thành công của bạn:

- Rủ bạn bè tham gia cùng: Mọi người có khả năng thành công hơn nếu nhận được sự hỗ trợ xã hội hoặc có cộng đồng cùng thực hiện với họ. Hãy tham gia cùng bạn bè, hoặc ít nhất là nói cho bạn bè biết mình đang thực hiện thử thách nhịn rượu bia, họ có thể không ép bạn phải uống rượu bia nữa.

- Tìm một thức uống mới: Thay đồ uống có cồn bằng đồ uống không cồn, như nước có ga với chanh hoặc nước ép.

- Tránh những tình huống, môi trường mà rượu “bao quanh”: Thay vì hẹn gặp bạn tại một quán bar hay một quán nhậu - một môi trường mà nhân viên chủ yếu phục vụ đồ có cồn, hãy rủ bạn đi xem phim, đi dạo, đi ăn tối.

- Theo dõi số tiền bạn tiết kiệm được. Hãy thử tính toán số tiền bạn có thể tiết kiệm được nếu không chi cho đồ uống, nhờ đó bạn sẽ có động lực hơn để nhịn bia rượu.

- Không cần “tuyệt thực” bia rượu hoàn toàn: Nếu trước đây bạn rất hay uống bia rượu, rồi bạn đột ngột phải ngưng hết trong vòng một tháng, hẳn bạn sẽ có cảm giác khó chịu thời gian đầu. Vì thế hãy nghĩ đến việc hạn chế chứ không giảm hẳn, ví dụ đặt mục tiêu không uống rượu vào các ngày trong tuần, cắt giảm một nửa lượng rượu tiêu thụ hằng tuần.

Tại sao mỗi dịp đầu năm, hàng trăm nghìn người tham gia thử thách 'Tháng Một không bia bọt'? - Ảnh 4.

Chia sẻ