Tai hại vì bố mẹ nghi ngờ con chậm phát triển

Gia Linh,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Thấy con chậm nói, cha mẹ vội vàng kết luận con chậm phát triển và tỏ ra chán nản khiến trẻ ngày càng thu mình lại.

Con phát triển toàn diện và thông minh là điều mà bậc cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, cũng vì quá hy vọng mà nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng những phương pháp hoặc “chẩn đoán” tính cách cũng như sự thông minh của con một cách sai lầm.

Chị Hương (Khương Trung – Hà Nội) gần đây thấy con trai mình hay ngồi trước cửa sổ rất lâu mà không làm gì cả. Ban đầu chị chỉ cho rằng con đang giết thời gian mà thôi. Vậy nhưng thấy con trai lặp lại hành động này rất nhiều lần, chị đâm nghi ngờ và cho rằng con có vấn đề tâm lý, sự phát triển của con có vấn đề, con chậm phát triển.

Thấy con như vậy, thay vì ngồi cùng và trò chuyện với con thì chị Hương lại quát tháo và cảm thấy bực bội. Chị liên tục nói với hàng xóm rằng con có vấn đề về tâm lý. Bé Lâm biết được điều này và rất buồn. Từ hôm nghe thấy câu chuyện của mẹ, bé ngày càng ít nói và thu mình lại.

Đưa con tới trung tâm tư vấn tâm lý, chị Hương nhận được những câu hỏi đại loại như gần đây có hay nói những lời làm con tổn thương hay phê bình trẻ trước mặt nhiều người khiến trẻ xẩu hổ hay hay không? Lúc này chị mới nghĩ ra là rất có thể con nghe được câu chuyện của mình và hàng xóm nên mới trở thành như vậy.

Thực tế, lòng tự ái của trẻ con rất cao và trẻ dễ bị tổn thương khi nghe bố hoặc mẹ nói những lời không hay về mình cho người khác nghe. Đôi khi trẻ tỏ ra ít nói và sống nội tâm hơn cũng là một cách kiểm nghiệm và suy nghĩ về những điều trong cuộc sống.

Nếu hành động này lặp lại với tần suất không quá nhiều thì đó hoàn toàn là chuyện bình thường. Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, những khoảng lặng trong cuộc sống của trẻ vô cùng quan trọng vì đó là thời gian não phân tích và xử lý một số loại thông tin. Khi thấy con như vậy, các bậc cha mẹ nên hiểu tính cách con mình và tìm cho con một môi trường phù hợp giúp con phát triển tốt nhất những ưu điểm của mình.

Tai hại vì bố mẹ nghi ngờ con chậm phát triển 1
Ảnh minh họa.


Kiểm tra trí thông minh của con một cách thiếu khoa học

Mặc dù đã gần 3 tuổi nhưng bé Bông con chị Loan ở Hải Phòng vẫn chưa thể nói thành thạo nhiều từ và gặp vấn đề trong giao tiếp. Nghi ngờ con có vấn đề về trí tuệ, con chậm phát triển, chị Loan đã mua vài cuốn sách kiểm tra trí thông minh và hỗ trợ phát triển trí tuệ dành cho con.

Kết quả cho thấy, chỉ số của con rất thấp và chị Loan cảm thấy không bằng lòng với điều này. Từ hôm đó, chị ít kỳ vọng vào con hơn và thỉnh thoảng hay dùng như câu nói kiểu như “Con người ta thì thế kia mà con nhà mình thì lại thế này…”. Chị tưởng rằng bé Bông còn quá nhỏ để hiểu lời của mình. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình không như chị nghĩ.

Các chuyên gia tâm lý cho biết các bài kiểm tra trí thông minh chỉ có thể kiểm tra được một số khía cạnh nhất định của trẻ em chứ không thể là thước đo trí tuệ của trẻ nhỏ được. Không nên vì kết quả đó mà vội vàng đánh giá rằng con mình ngốc nghếch.

Hầu hết các bậc cha mẹ khi nhận thấy chỉ số đó thì dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý mà không chú ý tới những vấn đề khác. Về vấn đề này, Tiến sĩ Mel tốt nghiệp tại trưởng Đại Học Y Khoa Harvard (Mỹ) sau 30 năm nghiên cứu và đã đưa ra những kết quả lâm sàng rằng: Để đánh giá một đứa trẻ có bị chậm phát triển hay không cần quan sát chế độ học tập, sự chú ý, ngôn ngữ, trí nhớ, không gian, thời gian sắp xếp, các hoạt động thể thao để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của trẻ. Nếu trên tất cả các phương diện mà trẻ đều thua kém hoặc có biểu hiện tụt xa bạn bè đồng lứa thì khi đó trẻ mới bị coi là chậm phát triển.

Bé Thu An (Hải Dương) có sở thích đọc rất chậm và rất lâu. Mỗi lần đứng trước lớp, thay vì 5 phút đọc hết 1 bài thơ thì bé mất nhiều thời gian hơn. Bởi vậy, Thu An bị bạn bè và một số thầy cô cho rằng mình có dấu hiệu chậm phát triển.

Trước đó, theo quan điểm của Giáo sư Chu Bình – Chuyên viên tâm lý trường Đại Học Y Khoa Bắc Kinh từng chia sẻ: "Không thể dựa vào thói quen đọc nhanh hay chậm để đánh giá rằng trẻ có vấn đề về trí tuệ. Ở các nước tiên tiến, các bậc phụ huynh cũng giáo dục con theo kiểu khuyến khích con học chậm, suy nghĩ về câu từ vì đây là cách giúp con kiểm soát hành vi và lời nói rất tốt".

Giáo sư Chu Bình còn nhấn mạnh: “Cha mẹ có thể phát hiện sớm dấu hiệu con chậm phát triển qua các triệu chứng như khi trẻ đến tuổi vẫn chậm về hành động: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi… hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt khó khăn… Trẻ kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản, không ý thức được hậu quả hành vi của mình, chậm chạp, ít linh hoạt, phân biệt màu sắc sự vật kém…”. Tuy nhiên, để đánh giá con có chậm phát triển hay không, cha mẹ cần có sự nhìn nhận tổng quát hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kết luận, tuyệt đối không nên tự suy diễn và có những lời nói ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.



Nếu hay bị ăn đòn, trẻ sẽ chậm phát triển hơn.
Tai hại vì bố mẹ nghi ngờ con chậm phát triển 2
Chia sẻ