Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 càng nhiều, khả năng bảo vệ càng cao và ngược lại?

Lương Trâm,
Chia sẻ

Hàng triệu người trên toàn cầu đã được chủng ngừa COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến hiệu quả của các loại vaccine. Một câu hỏi phổ biến là liệu có mối quan hệ giữa các tác dụng phụ sau khi tiêm chủng và khả năng miễn dịch sau đó hay không?

Hiện có 21 loại vaccine COVID-19 được phép sử dụng trên toàn cầu. Theo dữ liệu do Google tổng hợp, trên toàn thế giới, có hơn 13% dân số đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết vẫn luôn giám sát an toàn vaccine đối với tất cả các loại vaccine. Các cơ quan y tế trên toàn thế giới tiếp tục khuyến khích những người nhận vaccine COVID-19 báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Hàng triệu người được tiêm chủng đã gặp phải các phản ứng phụ, bao gồm sưng, đỏ và đau tại chỗ tiêm. Ngoài ra, các triệu chứng như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh và buồn nôn cũng thường được báo cáo. Tuy nhiên, đối với bất kỳ loại vaccine nào cũng vậy, không phải ai cũng sẽ phản ứng theo cùng một cách. Nhiều người đã không báo cáo hoặc gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm chủng. Điều này có nghĩa là họ không được bảo vệ chống lại SARS-CoV-2?

Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 càng nhiều, khả năng bảo vệ càng cao và ngược lại? - Ảnh 1.

“Không có mối tương quan trực tiếp giữa tác dụng phụ và khả năng bảo vệ”

Chia sẻ với tờ Medical News Today, ông William Schaffner, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville (Mỹ) nhận định dù có tác dụng phụ hay không thì vaccine vẫn cung cấp khả năng miễn dịch.

Dữ liệu từ các thử nghiệm vaccine COVID-19 mRNA 2 liều của công ty Pfizer-BioNTech và Moderna cho thấy chúng có hiệu quả trên 90%. Dưới 10% những người được tiêm chủng đầy đủ có thể có một phần hoặc không có khả năng bảo vệ.

Do cách thức hoạt động của vaccine - bằng cách thúc đẩy cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại mầm bệnh mục tiêu - những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể không tạo được miễn dịch hoàn toàn hoặc thậm chí một phần đối với SARS-CoV-2.

Theo ông Schaffner, một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch và một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư, cũng có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả của vaccine COVID-19.

Có nên thực hiện xét nghiệm kháng thể?

Một số nhà khoa học đã gợi ý rằng xét nghiệm kháng thể có thể giúp đánh giá liệu vaccine COVID-19 có thúc đẩy khả năng miễn dịch đối với loại biến thể SARS-CoV-2 mới hay không.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gần đây đã tuyên bố: “Không nên sử dụng các xét nghiệm kháng thể để đánh giá mức độ miễn dịch hoặc bảo vệ của một người khỏi COVID-19 bất cứ lúc nào, và đặc biệt là sau khi người đó tiêm chủng COVID-19”.

FDA lo ngại rằng xét nghiệm kháng thể có thể dẫn đến một thái độ ít xem trọng hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại sự lây nhiễm với các biến thể mới. Do đó, điều này có thể dẫn đến gia tăng sự lây lan của SARS-CoV-2.

“Chúng ta phải nhớ rằng các xét nghiệm huyết thanh COVID-19 có sẵn, trong đó có nhiều xét nghiệm và có thể khác nhau về mục tiêu, đặc điểm hiệu suất, không được thiết kế để chỉ ra “khả năng miễn dịch” với sự tái nhiễm mà thay vào đó là để chỉ ra liệu một cá nhân có phản ứng miễn dịch với virus hay không. Phản ứng miễn dịch đó có đủ cho khả năng miễn dịch lâu dài hay không không phải là điều mà các xét nghiệm này có thể cho chúng ta biết một cách dứt khoát vào thời điểm này", dẫn lời Tiến sĩ Elitza S. Theel, Giám đốc Phòng thí nghiệm huyết thanh bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Mayo ở Rochester (New York).

Thông thường, phải mất 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 2 của vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna và 2 tuần sau khi tiêm liều duy nhất của Johnson & Johnson, hoặc Janssen thì cơ thể mới xây dựng khả năng bảo vệ chống lại SARS-CoV-2. Trong thời gian này, vẫn có khả năng mắc COVID-19.

Tiến sĩ Theel nhấn mạnh: “Sự gia tăng hiện nay về các trường hợp COVID-19, chủ yếu xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng”./.

Chia sẻ