Suýt trả giá đắt vì chăm con theo kiểu liều

Mai Vân,
Chia sẻ

Trong quá trình chăm con, dù con ốm thế nào chị Quyên cũng cho là chuyện nhỏ nên có lần chị suýt mất con.

Chị Quyên là người sính ngoại. Từ việc mua đồ tới chăm con, tất cả đều được chị tuân thủ theo nguyên tắc ngoại. Nghĩa là tủ quần áo của bé Lan không bao giờ có “made in Viet Nam”, chế độ chăm sóc của bé đều răm rắp theo lời khuyên của bác sĩ nước ngoài.

Chị còn nhớ như in lời bác sĩ người Pháp dạy: “Trẻ con không nên lúc nào cũng dùng thuốc. Nếu bé bị bệnh nhẹ, tốt nhất các mẹ nên để bé tự khỏi”.

Thế là chị áp dụng triệt để lời dặn của bác sĩ. Chị kể mỗi khi bé Lan hắt hơi, sổ mũi, không bao giờ chị cho bé uống thuốc. Chị “bế quan tỏa cảng” - nghĩa là không cho bé ra ngoài chơi mấy hôm là bé tự khắc sẽ khỏi.

“Bài” này được chị áp dụng từ khi bé chào đời và hình như nó cũng phát huy tác dụng. Chính vì vậy, chị luôn tự hào bé chưa phải dùng một viên kháng sinh nào dù năm nay bé đã lên 3.

Tuy nhiên không phải “bài” chăm con này lúc nào cũng có hiệu quả, mà ngược lại, có lần chị suýt trả giá đắt. Mùa đông năm ngoái, khi trời trở gió, bé tự dưng ho. Bắt đầu chỉ là cơn ho nhẹ. Cũng như mọi khi, chị kiên quyết không cho con uống thuốc vì tin rằng bé sẽ sớm khỏi như bao lần khác. Nhưng lần này thì khác, hai ngày, năm ngày rồi hàng tuần bé vẫn ho. Cơn ho của ngày càng nặng hơn khiến người mẹ “sắt đá” như chị cũng phải lo lắng.

Mặc dù khá lo lắng khi con ho nhiều nhưng chị Quyên vẫn băn khoăn với câu hỏi liệu có nên đưa con tới bác sĩ không. Không hiểu sao trong lòng chị luôn có niềm tin với trẻ con, chẳng bệnh gì là không tự khỏi được trừ bệnh nan y. Mà ho có phải là bệnh nan y đâu.

Nhưng chồng chị lại không nghĩ như vậy. Thấy con gầy rạc đi vì ho, anh nghỉ làm đưa con đi khám. Tới lúc này, anh chị mới hốt hoảng vì phát hiện bé bị viêm tiểu phế quản - một bệnh được liệt vào dạng nặng.

Chị kể lại lẽ ra bé Lan có thể khỏi bệnh nhanh nếu chị sớm đưa con đi khám. Tuy nhiên, do bé ho quá lâu mới được chữa nên bệnh tình khá nặng. Bác sĩ dọa nếu chậm chỉ cần một ngày nữa, tổn thương sẽ rất lớn, bé thậm chí có thể mất mạng.


Suýt trả giá đắt vì chăm con theo kiểu liều 1
Chỉ vì những suy nghĩ liều khi chăm con mà nhiều mẹ suýt phải trả giá đắt. (Ảnh minh họa)

Không sính ngoại nhưng mải làm kinh tế nên chị Nhàn không quá chăm con. Hơn nữa chị luôn có quan điểm cái gì giữ quá cũng không tốt, trẻ con phải được tự do chạy chơi. Chị rất lên án các ông bố bà mẹ luôn giữ khư khư con vì sợ con ốm.

Chính vì quan điểm xuề xòa nên khi bé Zin bị ốm, chị chẳng bao giờ lo lắng. Với chị trẻ con hay người lớn ai chẳng có lúc ốm. Ốm rồi sẽ tự khỏi. Thế nên bé Zin rất hiếm khi phải đến bệnh viện. Nếu bé ốm, chị cứ kệ, sau vài ngày sụt sịt, bé tự khỏe trở lại.

Và điều may mắn là bé khá khỏe mạnh, sức đề kháng tốt nên cũng ít khi ốm. Nhưng ngoài 2 tuổi rưỡi, bé tự dưng thay đổi. Gần đây Zin hay quấy đêm và thở không ra hơi. Thấy con có dấu hiệu bất thường, chị lại nghĩ trẻ con cũng như người lớn, có lúc yếu, lúc khỏe. Đó là chuyện bình thường.

Và chị "được" phen đứng tim vì sự tắc trách, chủ quan của mình. Một hôm khi đang chạy chơi, bé Zin bỗng thở đứt quãng, môi tím tái. Có lúc bé còn không thở được, suýt ngất. May hôm đó là cuối tuần, anh chị ở nhà nên đưa bé tới bệnh viện ngay được.

Sau khi khám, bác sĩ cho biết bé Zin bị hen phế quản. Đây là bệnh có nguy cơ cao đe doạ đến tính mạng của trẻ. Và nguy cơ này càng càng tăng khi các bà mẹ chủ quan.

Sau sự cố này, cả hai bà mẹ liều là chị Quyên và chị Nhàn đều sợ toát mồ hôi và thay đổi quan điểm chăm sóc con của mình. Chị Quyên chia sẻ đúng là khi trẻ ốm không phải lúc nào cũng nên dùng thuốc nhưng các mẹ phải sát sao với con để biết khi nào con tự khỏi, khi nào cần đưa con tới bác sĩ. Nếu không, chắc chắn sẽ có nhiều mẹ suýt phải trả giá đắt như chị.



6 mẹo giúp mẹ chăm con khi bị ốm tốt hơn.
Suýt trả giá đắt vì chăm con theo kiểu liều 2
Chia sẻ