Suýt bị chồng bỏ vì “trời nóng vẫn mặc áo khoác dày”, 1 thập kỷ sau người phụ nữ mới biết mình mắc bệnh gì
Trời nóng đến mấy, cô Vương vẫn phải mặc 3,4 bộ quần áo dày. Cuối cùng, cô Vương đành phải từ bỏ công việc để ở nhà tập trung sưởi ấm cơ thể.
Những ngày hè nóng bức, con người bị "tra tấn" bởi mức nhiệt độ ngoài trời luôn trên 30 độ C, phải dùng đến điều hòa để cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cô Vương (52 tuổi, sống tại thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc) thì khác. Dù trời lạnh hay nóng, cô đều phải ăn mặc kín mít từ đầu đến chân với áo len, áo khoác dài, quần dài, ủng, mũ, khẩu trang, chỉ để lộ mỗi 2 mắt. Hóa ra từ 10 năm nay, cô Vương đã mắc phải căn bệnh lạ khiến cô cảm thấy lạnh ngay cả trong thời tiết mùa hè.
Ban đầu, cô Vương chỉ thấy hơi se lạnh và có thể chịu đựng được, nhưng tình trạng càng ngày tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Trời nóng đến mấy, cô vẫn phải mặc 3,4 bộ quần áo dày. Cuối cùng, cô Vương đành phải từ bỏ công việc để ở nhà tập trung sưởi ấm cơ thể.
Trước khi đến bệnh viện số 2 tỉnh Chiết Giang, cô Vương đã đến một số bệnh viện để điều trị nhưng đều có chung kết quả là không tìm thấy điều gì bất thường. 10 năm với nhiều lần điều trị y tế, cô cảm thấy mất tự tin, suy nghĩ bản thân mắc bệnh lạ không thể chữa trị khiến cô Vương bị mặc cảm, không muốn bước chân ra khỏi nhà và tiếp xúc với bất cứ ai.
Căn bệnh "lạnh trong mùa hè" khiến gia đình cô Vương rạn nứt. Chồng cô cho biết dù sống cùng 1 gia đình xong mâu thuẫn nóng – lạnh đã cản trở cuộc sống của họ.
"Trời mùa hè nóng bức mà cô ấy vẫn dùng máy sưởi để sưởi ấm, không dám bước chân ra khỏi nhà, ăn cơm cũng phải ngồi trong phòng ngủ để ăn", chồng cô Vương tâm sự.
Trong một lần tình cờ, cô đã được một bác sĩ địa phương giới thiệu đến chỗ bác sĩ Trần Ý Bình, phó giám đốc bệnh viện số 2 tỉnh Chiết Giang, hy vọng có thể tìm ra lý do cô luôn cảm thấy lạnh. Sau khi kiểm tra tổng quát sức khỏe của cô Vương, bác sĩ Trần Ý Bình cũng đưa ra kết luận tương tự như các bác sĩ trước đây: Nhiệt độ cơ thể của cô Vương hoàn toàn bình thường. Cơ thể không có dấu hiệu tổn thương.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần lại nhận ra một điểm rất bất thường: Cô Vương sợ lạnh nhưng nhiệt độ cơ thể của cô lại không hề giảm. Thậm chí khi được bác sĩ khám, cô đã đổ rất nhiều mồ hôi, lòng bàn tay cũng ướt sũng. Nghi ngờ vấn đề không đến từ nhiệt độ cơ thể mà đến từ chức năng cảm giác của não. Bác sĩ Trần đã kiểm tra kỹ hơn và kết luận bệnh nhân nữ 52 tuổi đã mắc chứng rối loạn bản thể.
Rối loạn bản thể là căn bệnh gì?
Theo tiến sĩ Trần Ý Bình, rối loạn bản thể là một bệnh lý mãn tính trong đó bệnh nhân than phiền nhiều về cơ thể. Những rối loạn này có thể kéo dài nhiều năm và dẫn đến suy yếu thực sự. Những triệu chứng cơ thể được gây ra bởi những vấn đề tâm lý và không phải rối loạn nào cũng có thể xác định được.
Đây cũng là một bệnh tâm thần phổ biến trong phòng khám. Bệnh nhân không có bất thường trong kiểm tra y tế bởi vấn đề đến từ tâm lý, gây lo lắng và khó chịu về thể chất. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Không có lý do rõ ràng tại sao một số người phát triển bệnh này. Một số nguyên nhân có thể là:
- Có quan điểm tiêu cực hay cá tính
- Là cơ thể và cảm xúc nhạy cảm nhiều hơn với đau đớn và cảm giác khác
- Tiền sử gia đình hoặc sự giáo dục
Sau khi thăm hỏi, bác sĩ Trần đã tìm ra lý do khiến cô Vương luôn cảm thấy lạnh suốt 1 thập kỷ qua. Thì ra 10 năm về trước, cô Vương đã trải qua phẫu thuật thắt ống dẫn trứng. Trong quá trình phẫu thuật, cô được gây tê nhưng hoàn toàn tỉnh táo, cô thấy các bác sĩ trò chuyện rất nhiều trong quá trình phẫu thuật cho mình nên có suy nghĩ rằng họ quá bất cẩn, chắc chắn phẫu thuật sẽ không thành công.
Sau khi phẫu thuật, cô Vương thấy mình có triệu chứng đau lưng và đau bụng. Cơ thể ngày một yếu đi và không muốn bước chân ra khỏi nhà. Kể từ đó, cả cuộc sống của cô Vương "thu bé lại" bằng cảm giác lạnh lẽo, mất hứng thú với tất cả mọi thứ trên đời.
Theo bác sĩ, những người có tính cách hướng nội, dễ hoang tưởng, sống nhạy cảm, hay có suy nghĩ tiêu cực có nguy cơ cao bị rối loạn bản thể bởi với họ khả năng tự điều chỉnh cảm xúc tương đối kém, họ chỉ luôn quan tâm đến mặt xấu của vấn đề, nghi ngờ về mọi thứ.
Theo bác sĩ Trần, cô Vương đã liên tục đến bệnh viện để kiểm tra bệnh nhưng khi các bác sĩ chẩn bệnh thì cô lại không tin, cô về nhà tìm kiếm triệu chứng bệnh của mình trên mạng, đọc và càng thêm lo lắng. Cô Vương lúc nào cũng nghĩ mình đã mắc bệnh nan y, không thể chữa khỏi. Khi cảm xúc lo lắng xuất hiện nhiều lần, bệnh nhân khó tự điều chỉnh và khó thoát khỏi chu kỳ bệnh. Lúc này, cần có sự trợ giúp của chuyên môn và chẩn đoán của bác sĩ tâm thần, lúc này chắc chắn sẽ điều trị được bệnh.
Sau 20 ngày nhập viện và được điều trị tâm lý. Cô Vương đã mất hết cảm giác sợ lạnh và có thể xuất viện mà không cần phải mặc những chiếc áo khoác to sụ. Lần đầu tiên sau 10 năm, cô trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác.
Theo Sohu