Suy dinh dưỡng bào thai: Trẻ kém thông minh

,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia y tế, nếu một thời gian ngắn sau khi sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai không được chăm sóc đúng cách sẽ có nguy cơ kém thông minh hơn những trẻ khác.

Nhiều bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng

Người mẹ cần ăn uống đủ chất trong quá trình mang thai
để tránh cho con khỏi suy dinh dưỡng.

Tại phòng khám Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều chị em đã rất lo lắng khi gần đến ngày sinh mà thai nhi vẫn không đủ cân. Chị Trần Thu Hằng (quận Hà Đông - Hà Nội) cho biết, chị mang thai tháng thứ 7 nhưng hiện em bé mới được khoảng 1,6kg. Bác sĩ cho biết, chị Hằng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai nên đề nghị chị ăn uống, tẩm bổ thêm trong những tháng cuối để thai nhi có cơ hội vượt cân nặng 2,5kg khi sinh.
 
Tương tự, chị Hà Thị Hoà, nhà ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cũng lo lắng đứng ngồi không yên khi bác sĩ thông báo thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Kèm với đó là một loạt các chỉ dẫn mà người mẹ phải làm theo.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Nguyệt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Não của trẻ phát triển rất mạnh trong quý 3 của thời kỳ bào thai và hoàn thiện trong 3 năm đầu. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ làm cho não chậm phát triển, chậm chạp và kém thông minh.

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, suy dinh dưỡng bào thai khiến rất nhiều bộ phận trong cơ thể trẻ bị ảnh hưởng như: Da, cơ, xương... làm trẻ chậm phát triển về chiều cao, cân nặng, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận như não, gan, thận... Nếu việc suy dinh dưỡng này kéo dài nhiều tháng sau khi đẻ thì tương lai đứa trẻ sẽ có cân nặng và chiều cao thấp hơn so với các bạn cùng độ tuổi và trí tuệ cũng kém phát triển hơn.

Vẫn có thể khắc phục được

Cũng theo TS Nguyễn Thị Lâm, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai vẫn có thể khắc phục được và phát triển như trẻ bình thường nếu được nuôi dưỡng tốt, đúng cách và đạt tới cân nặng của trẻ bình thường sau từ 2-3 tháng. Tuy nhiên, hệ thống tiêu hoá của trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai kém hoàn thiện hơn, việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ thời kỳ này cần được các bà mẹ lưu tâm hơn.

Khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho các bà mẹ chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai có 2 vấn đề: Dinh dưỡng và chăm sóc. Trong đó, phần dinh dưỡng yêu cầu các bà mẹ phải đảm bảo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và cho trẻ bú sớm trong vòng nửa giờ sau khi sinh. Với trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, số lượng lần bú và lượng sữa phải nhiều hơn so với trẻ bình thường, kể cả ban đêm. Nếu trẻ bú kém phải vắt sữa mẹ sau đó cho trẻ ăn bằng thìa. Việc ăn bổ sung chỉ nên thực hiện khi trẻ được 5 tháng tuổi với đầy đủ các chất đạm, béo, vitamin, chất khoáng từ 4 nhóm thực phẩm.

Việc chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai cũng giống như trẻ bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết nên cho trẻ uống phòng vitamin D sớm, dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ những tuần đầu tiên của thời kỳ thai nghén như: Đạm, mỡ, vitamin, acid folic, canxi, sắt, iod và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác giúp cho thai nhi tăng trưởng và dự trữ năng lượng cho việc phát triển sau khi trẻ sinh ra.
 
Ngoài ra, việc theo dõi cân nặng của thai phụ khi mang bầu cũng rất quan trọng để phát hiện kịp thời suy dinh dưỡng bào thai. Trung bình, các bà mẹ khi mang thai có thể tăng 12kg, trong đó 7kg sử dụng cho thai nhi phát triển, 5kg dự trữ để tiết sữa. Số cân thông thường là 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4- 5kg, 3 tháng cuối tăng từ 5- 6kg. Nếu trong 3 tháng giữa tăng dưới 3kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4kg, thì thai phụ cần bồi bổ, ăn uống và nghỉ ngơi kịp thời, tránh tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.

Theo GĐ&XH

Chia sẻ