Sững sờ vì bố mẹ người yêu bảo có bầu mới cho cưới

Giang P,
Chia sẻ

“Mày yêu ai thì yêu nhưng cứ phải có bầu rồi bố mẹ mới cho cưới. Giờ vô sinh nhiều lắm. Cứ phải thế cho chắc con ạ” là sắc lệnh bố mẹ ban xuống cho Trung.

“Tậu trâu, phải được cả nghé” 

Nếu như trước đây, việc có thai trước khi cưới được xem như một điều kinh khủng và đáng xấu hổ thì hiện giờ, cùng với tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng, nó lại đang được coi như một “điều kiện cần” trước khi tiến đến hôn nhân.  

Tuấn, 28 tuổi, Long Biên, Hà Nội, từng phát biểu với đám bạn: “Con gái giờ yêu đương rồi nạo phá thai nhiều lắm. Tao không quan trọng chuyện còn trinh hay mất trinh nhưng phải đảm bảo sinh được con. Thế nên tao cứ phải thử “hàng họ” trước khi quyết định cưới. Cứ phải có bầu rồi tao mới rước. Còn không thì có yêu đến mấy tao cũng bye bye hoặc chỉ để làm “bồ” được thôi”. 

Chính vì thế, Tuấn vẫn luôn tìm cách thoái thác chuyện cưới xin khi mà hơn nửa năm nay, cô bạn gái  vẫn “chưa có gì” dù cả hai quan hệ không dùng biện pháp tránh thai. 

Hay như Thành, 34 tuổi, HCM, cũng tỏ ra lo ngại về chuyện con cái khi cô bạn gái mới của anh cũng đã gần “băm”. Anh đã thẳng thắn nói với cô: “Bố mẹ anh muốn có cháu bế rồi mà em thì cũng khá nhiều tuổi nên anh hơi lo. Anh muốn chúng mình có con rồi mới cưới. Ngay khi nào em có bầu, anh sẽ làm lễ cưới ngay”, khiến cô bạn gái cảm thấy rất sốc.  
 
 
Nhiều chàng trai coi việc có bầu trước khi cưới như "điều kiện cần"
trước khi tiến đến hôn nhân mà không hiểu rằng vô sinh đâu chỉ xuất phát từ nữ giới.
 
Tưởng việc có bầu trước khi cưới chỉ là tư tưởng thoáng của giới trẻ nhưng không ngờ nhiều bậc phụ huynh cũng đã đưa ra ý kiến này với cả con trai và con dâu.  

Trung vốn là con trai một của gia đình và là con trai duy nhất của dòng họ họ nên trách nhiệm có con nối dõi của anh rất nặng nề. Chính vì vậy, bố mẹ anh đã ra “sắc lệnh”: “Mày yêu ai thì yêu nhưng cứ phải có bầu rồi bố mẹ mới cho cưới. Giờ vô sinh nhiều lắm. Cứ phải thế cho chắc con ạ”.  

Thậm chí có phụ huynh còn nói thẳng điều đó với cô con dâu tương lai của mình, chẳng hạn như trường hợp của Nam. Khi Nam dẫn bạn gái về nhà ra mắt, nhìn thấy bạn của con gầy gò, bố mẹ anh đã tỏ ý lo lắng và không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình: “Nhà hai bác chỉ có thằng Nam là con trai nên hai bác rất lo chuyện con cái của nó. Hai cháu yêu thì cứ yêu nhưng nếu muốn cưới thì cứ phải có bầu trước rồi mới tính tiếp được”, khiến cô con dâu tương lai không khỏi sững sờ.  



Vô sinh đâu chỉ do nữ giới

Nếu như hai người yêu nhau và thật sự muốn kết hôn với nhau thì việc có bầu trước khi cưới hay sau khi cưới không phải là điều quá quan trọng. Đôi khi có bầu trước khi kết hôn sẽ khiến cho ngày cưới nhân đôi niềm vui.   

Tuy nhiên, nếu coi việc có bầu trước khi cưới như một “điều kiện cần” cho cuộc hôn nhân mà nếu không đáp ứng được thì chia tay thì khi ấy cuộc hôn nhân đã bị coi như một sự trao đổi. Nó thể hiện một suy nghĩ thực dụng, chỉ nghĩ cho bản thân mà trong đó người phụ nữ dễ chịu nhiều rủi ro. 

Nếu như việc muốn có bầu trước khi cưới chỉ là ý kiến từ phía chàng trai không thôi thì cô dâu rất dễ bị coi thường khi về nhà chồng. Còn nếu đó là ý kiến của gia đình nhà trai thì ít nhiều cũng đặt cô dâu vào tình huống khó xử, dễ bị tổn thương và thấy mình bị đối xử như một “cái máy đẻ”. 

Hơn nữa, việc vô sinh đâu phải chỉ do phía nữ. Thực tế, có trên 50% nguyên nhân vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ là do nam giới. Nếu không may trường hợp vô sinh là từ phía mày râu thì các anh nghĩ sao? 
 
Nếu muốn yên tâm chuyện con cái thì trước khi cưới, cả hai nên đi kiểm tra khám sức khỏe tiền hôn nhân. Như thế vừa biết được khả năng sinh sản, tình dục vừa nắm rõ các vấn đề sức khỏe khác. Đó chẳng phải là một cách giải quyết có hiệu quả và tôn trọng nhau hơn sao?
Chia sẻ