Viêm ruột thừa, cắt bỏ hay giữ?

,
Chia sẻ

Viêm ruột thừa là bệnh thường gặp nhất trong cấp cứu ngoại khoa.

Trong một bài viết gần đây trên báo đài, có người đã dẫn thông tin của các nhà khoa học ở đại học Duke (Mỹ) cho rằng ruột thừa không hẳn vô tích sự mà có những tác dụng tốt với hệ tiêu hoá. Mặc dù đây chỉ là nghiên cứu ban đầu về vai trò của ruột thừa khi không bị viêm nhưng do truyền thông chưa đúng nên đã làm không ít người hiểu lầm, khi đau ruột thừa chỉ uống kháng sinh giảm đau để giữ lại bằng được đoạn ruột này, làm chậm việc điều trị kịp thời.

Viêm ruột thừa là bệnh thường gặp nhất trong cấp cứu ngoại khoa. Do triệu chứng lâm sàng đa dạng và không có xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán chính xác nên có khoảng 1/5 các trường hợp bị chẩn đoán nhầm (nhất là ở trẻ em, người già) và khoảng 15% bị cắt ruột thừa trong cấp cứu mà ruột thừa bình thường.

Cơn đau bắt đầu quanh rốn

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa cấp thường là đau bụng. Khởi đầu điểm đau xuất hiện ở thượng vị hay quanh rốn, sau đó vài giờ triệu chứng đau bụng mới khu trú rõ ở vị trí hố chậu phải. Đau bụng di chuyển từ thượng vị hay quanh rốn xuống hố chậu phải là triệu chứng phân biệt tốt nhất trong bệnh sử viêm ruột thừa, chiếm tỷ lệ đến 80% số bệnh nhân đến khám. Kèm theo đau bụng, bệnh nhân có các triệu chứng khác như chán ăn, buồn nôn hay nôn ói. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em), nhiễm trùng như sốt nhẹ 37,5 – 38oC, mạch nhanh 90 – 100 lần/phút, môi khô, lưỡi bẩn. Nếu bị sốt cao 39 – 40oC thường là viêm ruột thừa đã có biến chứng.

Viêm ruột thừa rất dễ bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh khác có triệu chứng đau bụng ở vùng hố chậu phải như: viêm hạch mạc treo ruột cấp, cơn đau quặn thận do sỏi niệu quản phải, nang buồng trứng phải xoắn, thai ngoài tử cung, viêm manh tràng, viêm túi thừa Meckel…

Mổ muộn dễ gặp biến chứng

“Không nên sử dụng kháng sinh với hy vọng dập tắt tình trạng viêm ruột thừa cấp, vì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sinh mạng”

Viêm ruột thừa nếu không được mổ ngay có thể xảy ra các biến chứng. Biến chứng thường nhất là vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Biến chứng này có thể xảy ra sau 24 – 48 giờ, thường gặp ở trẻ em và người già, do triệu chứng không điển hình, bệnh nhân đến bệnh viện muộn. Trên lâm sàng có thể viêm ruột thừa hai thì, biểu hiện khởi đầu với cơn đau bụng kéo dài trong nhiều giờ nhưng sau đó giảm dần các triệu chứng (thời gian giảm đau đánh lừa), trong thời gian đó tình trạng viêm của ruột thừa vẫn tiến triển, sau đó bệnh nhân đau trở lại và đau dữ dội hơn, đó cũng là lúc ruột thừa đã vỡ.

Biến chứng thứ hai của viêm ruột thừa là ápxe ruột thừa, ruột thừa bị vỡ nhưng may mắn là được các tạng chung quanh như ruột non, mạc nối lớn đến bao bọc lại, tạo ổ mủ ngăn cách với khoang bụng còn lại. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng rất rõ ở vùng hố chậu phải, sưng nề ở vùng hố chậu phải, kèm sốt cao.

Biến chứng thứ ba là đám quánh ruột thừa. Đây là trường hợp may mắn nhất, ruột thừa bị viêm được các cơ quan chung quanh đến bao phủ tạo thành một mảng cứng chắc ở vùng hố chậu phải, đau bụng ít và giảm dần. Mảng cứng đó hiện diện kéo dài đến vài tháng và tan dần. Có thể một thời gian sau sẽ đau lại và thường được khuyên mổ cắt ruột thừa sau đó sáu tháng.

Cẩn trọng khi trị bằng kháng sinh

Điều trị viêm ruột thừa cấp hiện chỉ có phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật, chúng ta không nên sử dụng kháng sinh với hy vọng dập tắt tình trạng viêm, vì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sinh mạng.

Thủ phạm gây viêm ruột thừa

Theo tổ chức y tế thế giới, năm 1995 tại Mỹ tỷ lệ người mắc bệnh viêm ruột thừa là 225/100.000 dân, lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 10 – 34 tuổi, ở Pháp là 195/100.000 dân, lứa tuổi mắc bệnh là 11 – 36 tuổi... Nguyên nhân viêm ruột thừa là do tắc nghẽn lòng ruột thừa mà các thủ phạm được điểm mặt gồm: kẹt sỏi phân trong lòng ruột thừa; vật lạ như các hạt nhỏ trái cây (hạt chanh, ớt, hạt sơri…) hoặc ký sinh trùng đường ruột (giun, giun kim…); phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc trong nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm trùng toàn thân; do bướu thành ruột thừa hay thành manh tràng đè vào…

Có một số trường hợp, như các thuỷ thủ sống trên các tàu viễn dương có suy nghĩ muốn được mổ cắt ruột thừa dự phòng dù không có triệu chứng viêm, để phòng ngừa biến chứng khi đang đi trên biển nhiều ngày, không có cơ quan y tế thực hiện phẫu thuật. Xu hướng này đang còn nhiều bàn cãi, quan điểm ủng hộ và chống lại đều có.
 
Với những bệnh nhân trẻ tuổi, nhất là phụ nữ, thường ngại mổ cắt ruột thừa vì sợ sẽ có một sẹo xấu ở hố chậu, không thể mặc áo tắm hai mảnh hay ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Trước đây sợ vậy có thể có cơ sở chứ từ thập niên 90 trở lại đây, phẫu thuật nội soi đã phát triển và hầu hết bệnh viện lớn đều đã mổ cắt ruột thừa qua nội soi thì nỗi sợ đó là không đáng. Với phẫu thuật nội soi, bệnh nhân không còn sẹo mổ to ở hố chậu mà chỉ có các vết sẹo nhỏ 0,5cm để đặt ống nội soi, sau vài tháng hầu như không còn thấy vết sẹo này nữa.
Y học đã có những tiến bộ mới, phẫu thuật cắt ruột thừa vì vậy đã trở nên dễ dàng hơn, ít biến chứng, sẹo mổ không đáng kể. Do đó nên đến khám sớm khi có triệu chứng nghi viêm ruột thừa để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng không đáng có xảy ra.
 
 
 
 
TheoThS.BS Dương Phước Hưng
SGTT
Chia sẻ