Triệu chứng mang thai ngoài dạ con

,
Chia sẻ

Mang thai ngoài dạ con rất khó nhận biết vì cũng có những biểu hiện mang thai thông thường như chậm kinh, buồn nôn, ngực căng... Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu khác biệt.

Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng sau khi thụ tinh không về được đến tử cung, làm tổ khu vực ngoài tử cung như: trong ống dẫn trứng, ổ bụng, ống cổ tử cung. buồng trứng. Ở tất cả các vị trí khác tử cung, trứng chỉ phát triển được đến một mức độ nhất định rồi vỡ, gây xuất huyết nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.

Chửa ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã từng bị bệnh lây qua đường tình dục, viêm nhiễm sinh dục làm tắc, hẹp vòi trứng hoặc đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng.

Việc nạo phá thai có thể dẫn đến biến chứng viêm nhiễm sinh dục cũng dễ gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung.
 
Vòi trứng cũng có thể bị tắc hay hẹp do bẩm sinh, hoặc do can thiệp nào trước đó trên vòi trứng.

 
Các triệu chứng mang thai ngoài dạ con
 
Chậm kinh, buồn nôn, ngực căng: Mang thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu giống với mang thai thông thường.
 
Ra máu và đau bụng dưới vùng hạ vị: Khi chậm kinh nguyệt, phụ nữ thường nghĩ tới dấu hiệu mang thai. Nếu chậm kinh tới 10 ngày, thi thoảng bị đau bụng dưới kèm ra máu, chị em cần nghĩ tới sự bất thường của triệu chứng mang thai ngoài dạ con. Khi đó, cần nhanh chóng khám phụ sản để bác sỹ siêu âm kiểm tra vị trí của thai, tìm nguyên nhân của triệu chứng. Nếu không xử lý kịp thời bằng cách phẫu thuật, ống dẫn trứng bị vỡ gây đau đớn, thai phụ có thể gặp những nguy hiểm đến tính mạng.
 
Cơ thể yếu, nhợt nhạt và các triệu chứng như chóng mặt, chuột rút, ra mồ hôi... xảy ra dồn dập có cảm giác như bị sảy thai.
 
Đau vai xảy ra do lượng máu từ ống dẫn trứng bị ảnh hưởng gây đau nhói màng bụng trong khu vực giữa ngực và dạ dày.

Siêu âm ổ bụng không thấy hình ảnh của túi ối trong buồng tử cung. Khi siêu âm ổ bụng cũng sẽ cho kết quả thai ngoài tử cung: Các trường hợp mang thai ngoài tử cung có thể được phát hiện trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần. Bởi vậy, khi phát hiện có thai đến khoảng 2 tuần sau đó, phụ nữ cần đi thăm khám xem thai đã vào tử cung hay chưa.

Phòng ngừa nguy cơ chửa ngoài tử cung:

Để phòng ngừa nguy cơ chửa ngoài tử cung, cần hạn chế và triệt tiêu các nguyên nhân dẫn đến việc có thai ngoài tử cung:
 
- Vệ sinh vùng kín, khám phụ khoa định kỳ và điều trị các bệnh phụ khoa (nếu có) trước khi mang bầu.
 
- Hạn chế nạo phá thai.
 
- Khi phát hiện có thai cần đi khám sớm đặc biệt đối với những phụ nữ đã từng có tiền sử chửa ngoài tử cung.
 
- Nếu có các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, phụ nữ cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh để thai phát triển ngoài tử cung đến một giai đoạn nào đó bị vỡ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.

Điều trị
 
Việc điều trị thai ngoài tử cung phụ thuộc vào khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, khả năng kinh tế,...
 
Phương pháp điều trị cho mang thai ngoài dạ con bác sĩ thường phải cắt bỏ được thai lệch trong khi vẫn có thể đảm bảo được khả năng sinh con của sản phụ. Có thể mổ bụng hoặc nếu thai phụ không bị chảy quá nhiều có thể mổ nội soi.
 
Hoặc bác sỹ có thể sử dụng thuốc tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai, khiến thai thoái hóa dần dần.

Sau khi điều trị thai ngoài tử cung ổn định, vẫn có thể có thai lại. Thời gian để có thai lại tuỳ thuộc vào tình trạng lần thai ngoài tử cung, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khoẻ và phương pháp điều trị đã được sử dụng (điều trị bằng thuốc cần thời gian lâu hơn).

 
Q. Minh
(Tổng hợp)

 

Chia sẻ