Trầm cảm sau sinh: Cách điều trị nào là tốt nhất?

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường mất kiểm soát về suy nghĩ, hành động của mình một cách ngoài mong muốn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên trầm trọng và khó điều trị.

Hậu quả trầm cảm sau sinh đặc biệt nghiêm trọng


Vừa qua tại Hà Nội đã xảy ra vụ án mạng thương tâm ở khu đô thị CT5 (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) đối với cháu N.T. D. (sinh năm 2014). Cháu D. bị mẹ đẻ là N.T.G. N. có dấu hiệu trầm cảm sau sinh sát hại. 

Qua đó, có thể thấy, trầm cảm sau sinh là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời thì có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm cho chính bản thân họ, con cái, người thân trong gia đình họ. Chính bởi vì không ý thức được tính chất của sự việc, cộng với mất kiểm soát trong suy nghĩ và hành động mà những người bị trầm cảm sau sinh có thể gây hại cho chính mình và những người xung quanh.

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, bệnh viện Thanh Nhàn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh, có thể do thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sau khi sinh (giảm đột ngột nội tiết tố estrogen và progestrogen). Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng cũng có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm sau sinh

trầm cảm sau sinh 1
Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường mất kiểm soát về suy nghĩ, hành động của mình một cách ngoài mong muốn. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cũng phải kể đến một số nguyên nhân khác tác động đến tâm lý của người mẹ như: Mắc phải một số bệnh sau sinh viêm nhiễm sau sinh, viêm tắc tuyến sữa, u thư vú… Mâu thuẫn gia đình; vấn đề tài chính; thiếu sự giúp đỡ của người thân đặc biệt người chồng trong việc chăm sóc con cái… 

Nhiều sảm phụ, nhất là những người lần đầu làm mẹ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, cảm thấy khó khăn trong chăm sóc con. Từ đó, dễ dần tới cảm mất hứng thú sống và mất kiểm soát bản thân

Điều đáng nói là, hầu hết các trường hợp bị trầm cảm sau sinh, chị em đều không kiểm soát được tâm trạng của mình, không hề nhận ra mình đang bị trầm cảm, cần được giúp đỡ nên họ thực hiện các hành vi một cách vô thức, không biết mình đang làm những gì, làm những điều đó có đúng hay không.

Yếu tố di truyền trong gia đình có người bị trầm cảm (cha, mẹ, anh, chị…) thì nguy cơ phát bệnh cũng cao hơn.

Cần phát hiện bệnh sớm

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, bệnh trầm cảm sau sinh nếu không kịp phát hiện thì sẽ kéo dài, trở nên khó điều trị hơn và người bệnh có thể có những hành vi không kiểm soát nổi. Trầm cảm sau sinh thường chia làm 2 loại: loại khởi phát sớm và loại khởi phát muộn.

Loại khởi phát sớm giống như nỗi “u sầu”, xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ. Trong suốt tuần đầu sau sinh, người ta thấy hơn 80% các bà mẹ đều trải qua “u sầu trẻ thơ” bao gồm các cảm giác đặc biệt hoặc các triệu chứng như: chỉ chực khóc, cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc (lúc vui, lúc buồn)… Các dấu hiệu này xuất hiện và đạt đỉnh điểm trong khoảng 3-5 ngày sau sinh và sau đó dần  biến mất trong vòng 2 tuần mà không phải điều trị gì ngoài sự an ủi cảm thông và nâng đỡ của người thân và gia đình. Như vậy, một số dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng có thể xảy ra với phụ nữ sau khi sinh là các phản ứng cảm xúc trong phạm vi giới hạn bình thường.

Loại khởi phát muộn, xuất hiện sau khi sinh một vài tuần và kéo dài, khó điều trị hơn. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh khởi phát muộn thường bao gồm: khí sắc trầm uất, mất đi sự quan tâm thích thú (kể cả với đứa con mới sinh), mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, khó khăn trong chăm sóc trẻ…

bệnh trầm cảm sau sinh 2
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sau sinh sẽ trở nên trầm trọng và khó điều trị. Ảnh minh họa

Đời sống tâm lý rất quan trọng đối với phụ nữ sau sinh

Theo bác sĩ Hoàn, để giúp tránh được bệnh trầm cảm sau sinh tốt nhất chị em cần được giữ ổn định tâm trạng, giữ tinh thần thật thoải mái, tránh tác động mạnh về mặt tâm lý, phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. Phụ nữ sau sinh thường xảy ra rất nhiều vấn đề vì vậy người thân cần hết sức chú ý, giúp đỡ người bệnh, không nên trách mắng mà khiến họ trở nên rối trí, suy nghĩ tiêu cực hơn. 

Nếu trong trường hợp người phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh có dấu hiệu nặng thì phải được đưa đi khám để uống thuốc để điều trị càng sớm càng tốt. 

Trong điều trị bằng thuốc, các bác sỹ sẽ sử dụng các thuốc chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên sử dụng thuốc phải có chỉ định nghiêm ngặt đối với phụ nữ đang trong thời gian cho con bú, chứ người mà hoặc bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng.

Tuy nhiên, chỉ điều trị bằng thuốc thì cũng chưa có hiệu quả toàn vẹn mà phải luôn đi kèm với các liệu pháp tâm lý và các hỗ trợ khác. Việc tư vấn về mặt tâm lý cần được thực hiện với cả người bệnh và người nhà của bệnh nhân ở những mức độ khác nhau. Điều này sẽ giúp người bệnh ổn định tâm trạng tốt hơn, không cảm thấy cô đơn và những người thân sẽ hiểu vấn đề hơn, từ đó biết cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ… với người bệnh để bệnh nhanh khỏi.

Khi nào người bệnh thấy tinh thần căng thẳng có thể mát-xa đầu, nghe bản nhạc vui hoặc xem bộ phim hài để làm đầu óc được thư giãn.

Sự thông hiểu, giúp đỡ của các thành các thành viên trong gia đình là vô cùng quan trọng. Mọi người cần phải quan tâm hơn, tạo ra một bầu không khí vui tươi, chan hòa tình cảm cho sản phụ sau sinh, tránh gây ra những tổn thương tâm lý nặng nề. Nếu thấy sản phụ có biểu hiện buồn rầu, chán nản thì đưa đi khám bệnh viện chuyên khoa ngay để có những phương pháp điều trị thích hợp.

Đối với phụ nữ mang bầu cũng cần được thư giãn và nên tìm hiểu trước một số vấn đề bệnh lý sau sinh để tránh mắc phải trầm cảm sau sinh.
 
Để điều trị căn bệnh này, ngoài việc tìm đến bác sĩ, phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý liệu pháp, các thành viên trong gia đình cần hỗ trợ người bệnh trong mọi công việc để tạo ra không khí vui tươi trong gia đình. Đây là một trong những phương thức giúp người trầm cảm nhanh chóng khỏi bệnh

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua”với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email mevabe@afamily.vn. Chân thành cảm ơn.

Chia sẻ