Thoái hóa khớp đang "tấn công" chị em văn phòng

Lê Hường,
Chia sẻ

Thói quen lười vận động là nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở dân văn phòng.

Ngồi nhiều dễ đau xương nhức khớp

Mấy tháng trước, chị Hà My 30 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc tại Hà Nội đột nhiên thấy tê buốt, đau nhức cổ tay, đầu gối và đốt sống cổ. Nhất là những ngày gần đây, khi thời tiết chuyển lạnh cơn tê nhức càng dữ dội, khó chịu hơn.
Bê chậu quần áo đi phơi tay chân run, đau, cảm giác khớp mỏi như muốn rời ra, nhiều lúc đang ngồi máy tính ngoái cổ, quay đầu cũng khó khăn nên chị rất hay mất tập trung làm việc.

Chị chuẩn bị nhiều cao dán nóng, lạnh đủ loại, mỗi lúc đau chị lại lấy ra dán hoặc xoa bóp bằng dầu nóng nhưng chỉ đỡ được một thời gian ngắn rồi lại đau như cũ. Dán cao, xoa bóp không tác dụng chị tìm mua thuốc giảm đau dành cho viêm cơ, viêm khớp. Khi mới uống chị thấy giảm đau nhanh nhưng cũng chỉ được vài ngày bệnh lại tái phát.

Lúc này chị đi khám thì bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa khớp, cần thực hiện điều trị đúng liệu trình, uống thuốc theo đơn và tập các bài tập vận động phù hợp theo hưỡng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ điều trị còn nói rõ, bệnh của chị là do quá ít vận động, quá trình tái tạo sụn không đuổi kịp việc lớp sụn ở khớp bị mất đi. Như vậy, lớp sụn trên bề mặt xương dần bị mỏng đi và hư tổn gây đau, nhức, hạn chế vận động, thậm chí bệnh nhân có thể bị tàn phế.

Chị Hà My cũng thừa nhận, hàng ngày đến cơ quan, chị chỉ ngồi lì trước máy tính, tối về nhà lại ôm laptop. Chị chỉ nghĩ rằng đau cổ, vai gáy và lưng là chuyện bình thường do ngồi lâu thì mỏi, chị không ngờ còn ít tuổi vậy mà đã bị thoái hóa khớp nhanh đến vậy.
 
Thoái hóa khớp đang "tấn công" chị em văn phòng 1
Có nhiều người trẻ xấp xỉ 30 tuổi mà đã bị bệnh xương khớp hành hạ.

Chị Hà My chỉ là một trong rất nhiều người làm công việc văn phòng đối mặt với việc thoái hóa khớp sớm. Mặc dù chưa có nghiên cứu riêng về tình trạng này song theo các chuyên gia, bệnh này thường gặp ở dân công sở do thói quen ít vận động. Trên thực tế có nhiều người trẻ xấp xỉ 30 tuổi mà đã bị bệnh xương khớp hành hạ.

Thoái hóa khớp tấn công chị em văn phòng

Trong cuộc sống hiện đại, con người làm việc luôn có máy móc và phương tiện hỗ trợ khiến giới trẻ lười vận động. Đây không chỉ là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp mà còn làm cho nhiều bộ phận khác trên cơ thể dễ bị thoái hóa.

Tiến sĩ Đoàn Văn Đệ, Phó chủ tịch hội thấp khớp học Việt Nam cho biết, thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng gần đây thoái hóa khớp đang trẻ hóa, chuyển hướng tấn công mạnh người trẻ tuổi đặc biệt là dân văn phòng. Bằng chứng là thời gian gần đây số bệnh nhân trẻ phải đi khám khớp gia tăng, trong đó số đông bệnh nhân là công chức, nhân viên văn phòng.

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp gây đau đớn, biến dạng chi khiến người bệnh cử động rất khó khăn, thậm chí gây tàn phế. Các bệnh thường gặp ở những người làm việc bên máy tính trong phòng máy lạnh thường là viêm quanh khớp vai, đau vai gáy dẫn tới đau nửa đầu, đau cột sống thắt lưng, đau nhức khớp cổ tay…

Thoái hóa khớp đang "tấn công" chị em văn phòng 2
Làm việc với máy móc hiện đại hỗ trợ khiến giới trẻ lười vận động và dễ dẫn đến thoái hóa khớp.

Tuy nhiên, khác với người già, bệnh nhân bị thoái hóa khớp khi còn trẻ vẫn có cơ hội để phục hồi, do xương khớp chưa bị tổn thương nhiều. Nếu hoạt động thể lực nhẹ và nâng dần mức độ, kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, cung cấp các thành phần dinh dưỡng cho sụn và tránh các thói quen ngồi xổm, leo cầu thang, khiêng vác nặng… thì các tổn thương khớp có thể phục hồi.

Theo tiến sĩ Đệ, để phòng ngừa thoái hóa khớp tốt nhất, khi gặp các triệu chứng đau nhức khớp, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn, tránh tự ý mua thuốc giảm đau cấp tốc, bởi trong nhiều trường hợp, các bệnh về khớp có biểu hiện giống nhau nên dễ bị kết luận nhầm.

Hơn nữa, cần xây dựng một chế độ sinh hoạt điều độ, thường xuyên tập thể thao, chế độ ăn cân bằng đầy đủ các chất… ngay từ khi chưa xuất hiện các dấu hiệu đau khớp để tránh bệnh phát triển.

Đối với người phải ngồi nhiều như giới văn phòng, cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế thường xuyên sau 1-2 giờ, nên tạo cho mình quỹ thời gian hợp lý như dậy sớm tập thể dục từ 15- 30 phút mỗi sáng, buổi trưa cũng nên vận động sau khi tan ca bằng một vài tư thế thể dục đơn giản từ 5- 10 phút.



Nếu phát hiện hiện tượng “đau khớp gối văn phòng” thì cần chữa trị ngay và nên áp dụng các biện pháp giảm béo
Thoái hóa khớp đang "tấn công" chị em văn phòng 3

Chia sẻ