Suy giảm miễn dịch ở trẻ và những điều mẹ cần biết

Saga,
Chia sẻ

Mùa đông là khoảng thời gian trẻ dễ nhiễm bệnh khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm do chưa kịp thích nghi với môi trường…

1. Những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu đi

Đặc thù của thời tiết: Thời tiết chuyển sang lạnh, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm khiến cho cơ thể gặp nhiều cản trở. Cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường – đặc biệt là với những trẻ có thể trạng yếu, thân nhiệt của trẻ lúc này cũng vì thế mà mất ổn định. Kết quả là hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm.

Ép con ăn quá nhiều: Một số bậc phụ huynh quan niệm rằng “mùa đông chóng đói”, lo sợ con đói hoặc ăn không đủ chất nên ép con ăn nhiều hơn. Đặc biệt là ban đêm, nhiều cha mẹ sợ con quấy khóc vì đói nên thường cho con ăn trước khi ngủ. Chính việc ép con ăn quá nhiều, thức ăn chưa được tiêu hóa hết có thể sinh nhiệt, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, làm giảm khả năng miễn dịch.

Ít vận động: Mùa đông, thời tiết lạnh giá, các bậc cha mẹ phần vì ngại, vì sợ con bị lạnh nên “giam lỏng” con trong nhà, khiến cho trẻ bị giới hạn hoạt động thể chất. Các bậc cha mẹ không biết rằng đối với các em bé đang trong giai đoạn tăng trưởng, vận động là biện pháp hữu hiệu, cần thiết giúp trẻ tăng sức đề kháng. Nếu cơ thể ít vận động, tập thể dục quá ít, ngoài việc làm giảm khả năng vận động của trẻ mà còn làm giảm khả năng miễn dịch, trẻ chịu lạnh cũng kém.

Mặc quá nhiều quần áo: Thời tiết lạnh, nhiều cha mẹ lo sợ con bị lạnh nên mặc cho trẻ quá nhiều áo ấm mà không biết rằng điều đó có thể khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị ảnh hưởng. Khi mặc cho trẻ quá nhiều áo cơ thể bị nóng, nhiệt độ cơ thể tăng, lỗ chân lông mở ra, ra nhiều mồ hôi bé sẽ bị tự nhiễm lạnh, có thể dẫn tới viêm phổi.

Vệ sinh cơ thể kém: Thời tiết lạnh, cơ thể của trẻ vốn chưa kịp thích nghi với môi trường, thân nhiệt chưa ổn định, dễ bị vi khuẩn xâm nhập… Việc lơ là trong việc giữ vệ sinh sẽ tạo điều kiện để các loại vi khuẩn tấn công cơ thể, dẫn đến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Suy giảm miễn dịch ở trẻ và những điều mẹ cần biết 1
 
Hệ miễn dịch suy yếu, trẻ dễ nhiễm bện

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, khả năng đề kháng suy giảm là tác nhân chính khiến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh trong mùa lạnh gia tăng. Có thể điểm qua một số bệnh mà trẻ dễ mắc phải khi hệ miễn dịch suy yếu như sau:

Bệnh liên quan đến đường hô hấp: Viêm phế quản, biến chứng viêm phổi, viêm họng cấp tính; viêm mũi, cảm cúm là những nhóm bệnh về đường hô hấp mà trẻ có thể mắc phải khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, các loại vi khuẩn, virut dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Đối với những trẻ bị bệnh viêm phế quản, biến chứng viêm phổi, viêm họng cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh về đường tiêu hóa: Ở cơ thể trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời), đường ruột phát triển chưa thành thục, hoạt tính enzime còn yếu, hệ thống nội tiết, hệ tuần hòa và chức năng của gan, thận vẫn chưa thành thục. Khi hệ miễn dịch suy giảm, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong đó, bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi.

Biện pháp nâng cao sức đề kháng – hệ miễn dịch cho trẻ

Để giúp con mình khỏe mạnh và tăng sức đề kháng – miễn dịch trong mùa lạnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể trẻ. Nước là thành phần giúp thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng, vì thế cần cho trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày và kết hợp chế độ thực phẩm hợp lý. Đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng để trẻ có năng lượng chống lạnh.

Vitamin, kẽm có vai trò tăng cường sức đề kháng toàn diện và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Vì thế, các bậc phụ huynh nên bổ sung các loại vitamin và các thực phẩm chứa kẽm cho trẻ để tăng khả năng đề kháng, phục hồi các tế bào bị tổn thương, giúp các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng.

Suy giảm miễn dịch ở trẻ và những điều mẹ cần biết 2
 
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ. Không nên ăn sống, ăn đồ lạnh, nên ăn thức ăn chín, uống nước sôi, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt, cha mẹ cần hướng dẫn và cùng trẻ thực hiện tốt biện pháp giữ vệ sinh sạch sẽ, bao gồm rửa tay, tắm rửa với xà phòng diệt khuẩn. Việc rửa tay cần thực hiện nghiêm trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý cũng là một cách tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.

Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý giữ ấm cho con phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối cần mặc đủ ấm, cởi bớt đồ khi buổi trưa nhiệt độ tăng), hạn chế để trẻ ra ngoài trời lúc có sương, gió. Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên.

 
Chia sẻ