Tư vấn sức khỏe sinh sản:

Những kiểm tra cần làm trước khi mang thai

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Sức khỏe của người mẹ trong thời gian mang thai là rất quan trọng vì nó quyết định sự khỏe mạnh và thông minh của thai nhi. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là rất cần thiết.

Thưa bác sĩ, em mới kết hôn được hơn 1 tháng và chưa có em bé. Nhân tiện lúc chưa có con, em muốn đi kiểm tra sức khỏe để đảm bảo khỏe mạnh, tốt cho con sau này vì trước khi cưới em chưa đi khám. Nhưng em không biết mình đi khám thì bác sĩ sẽ kiểm tra những gì. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (L. Thanh)

Trả lời:

Bạn L. Thanh thân mến!

Sức khỏe của người mẹ trong thời gian mang thai là rất quan trọng vì nó quyết định nhiều đến sự khỏe mạnh và thông minh của thai nhi. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là rất cần thiết. Bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được thăm khám cẩn thận. Nếu có gì trục trặc trong sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ tư vấn bạn cách khắc phục, điều trị kịp thời.

Những kiểm tra cần làm trước khi mang thai 1
Việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai là rất cần thiết vì nó quyết định sự khỏe mạnh của thai nhi. Ảnh minh họa

Thông thường, khi đi khám sức khỏe trước khi mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra một số yếu tố sau:

- Tiền sử mang thai: Bác sĩ cần nắm được tiền sử mang thai trước đó của bạn để biết bạn có nguy cơ trong các vấn đề như sẩy thai, thai ngoài tử cung hoặc các bất thường khác hay không.

- Tiền sử dùng thuốc: Bác sĩ cũng cần biết bạn đã từng dùng những loại thuốc nào, trong bao lâu, cơ thể phản ứng với thuốc nào để hướng dẫn cách bạn dùng thuốc thích hợp khi có thai.

- Tiền sử tiêm vắc-xin: Nếu bạn mới tiêm một số vắc-xin phòng bệnh thì bạn chưa thể có con ngay được mà cần kiêng cữ trong một khoảng thời gian nhất định. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn điều này. Ngoài ra, nếu có nhu cầu,  bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng cúm, quai bị hoặc những bệnh khác được khuyến cáo tiêm trước khi mang bầu.

- Kiểm tra sức khỏe nói chung: Chủ yếu kiểm tra các cơ quan quan trọng như: tim, gan, thận, phổi… và tình hình phát dục và khuyết tật của bộ máy sinh sản. Nếu như bị những bệnh truyền nhiễm cấp tính thì phải chữa cho đến khi khỏi bệnh thì mới được thụ thai. 

- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Bác sĩ kiểm tra mẫu nước tiểu để xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu hay bệnh tiểu đường hay không. Những triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu dễ nhận thấy là tiểu rắt, đau khi đi tiểu. Nếu bị bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng kháng sinh.Nếu bị tiểu đường, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi mang thai.

Qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết được bạn cần bổ sung sắt hay không và bổ sung bao nhiêu trước khi mang thai để tránh thiếu máu do thiếu sắt

- Kiểm tra gene: Nếu gia đình bạn (hoặc gia đình chồng) có tiền sử dị tật (hoặc các bệnh về gene); bạn từng sảy thai liên tiếp; trên 35 tuổi… thì bạn cần đi kiểm tra gene trước khi mang thai. Điều này giúp bạn tránh được nguy cơ mắc bệnh về gene ở bé sau này. 

Những kiểm tra này là cần thiết, vì vậy, bạn nên đi kiểm tra sớm để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình tốt nhất.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
Chia sẻ