Ngủ ngáy: Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

,
Chia sẻ

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh ngủ ngáy có thể dẫn đến những nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch thậm chí đột quỵ…

Nhiều người vẫn lầm tưởng, ngủ ngáy mới sâu giấc và tốt cho sức khỏe. Thực tế, ngủ ngáy là một dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến những nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch thậm chí đột quỵ…

Những điều nên biết về ngủ ngáy

Bệnh ngủ ngáy không phân biệt lứa tuổi tác, giới tính ai cũng có thể mắc.

Chị Minh Tâm (quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ bản thân con trai của chị cũng từng mắc bệnh ngủ ngáy. Mới đầu chị cũng nghĩ ngủ ngáy là chuyện bình thường nên không chú ý cho dù lúc nhỏ thấy cháu ngủ ngáy rất to. Đặc biệt, khi ngủ cháu rất hay trở mình có vẻ khó ngủ, tối ngủ nằm ở đầu giường, nhưng sáng hôm sau thức dậy có thể đã thấy cháu nằm tận cuối giường. Cứ ngỡ trẻ con đứa nào cũng vậy, nên chị chủ quan, chỉ đến khi chị đọc được tài liệu trên mạng nói ngủ ngáy cũng là căn bệnh thì chị mới quyết định đưa con đi khám. Trong quá trinh khám bác sĩ phát hiện amidan của cháu rất to gây chèn đường thở. Cháu được chỉ định cắt amidan để giải quyết vấn đề nói trên. Sau đó, cháu không còn ngáy, giấc ngủ của cháu sâu hơn, không còn trở mình liên tục nữa.

TS. BS Chu Thị Hạnh, PGĐ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, ngủ ngáy không giống như bệnh cụ thể nên mọi người thường dễ bỏ qua. Chính việc này gây ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ - tưởng sâu nhưng với những người mắc hội chứng này vì theo tính toán họ chỉ ngủ được 1/3 thời gian

Bác sĩ Hạnh chia sẻ một đồng nghiệp của chị cũng có thói quen ngáy ngủ. Mỗi lần ngủ anh ngáy rất to khiến mọi người xung quanh phải vỗ vai, đập lưng. Nhưng chỉ tỉnh giấc ít phút, sau đó tình trạng ngủ ngáy lại tái diễn. Sau 3- 4 lần chứng kiến, chị quyết định khuyên anh nên đi kiểm tra hội chứng ngừng thở khi ngủ. 

Mới đầu, anh không tin, cho rằng mình làm việc căng thẳng… Nhưng sau đó kết luận của bác sĩ đúng là anh mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Sau một thời gian đeo máy thở tạo áp lực dương khi ngủ, những cơn buồn ngủ ngày và bệnh ngủ ngáy của anh đã giảm xuống rõ rệt.

Ngủ ngáy: Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm 1
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh ngủ ngáy có thể dẫn đến những nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch thậm chí đột quỵ… Ảnh minh họa

Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Hạnh, hội chứng ngừng thở khi ngủ ngáy nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung. Ngủ ngáy thường hay gặp ở người trung tuổi, người già. Nếu đơn thuần chỉ là sự lão hóa đường thở khi về già, đường thở không xẹp hoàn toàn thì không quá nguy hiểm. Nhưng khi đường thở bị bít, gây ra những cơn ngừng thở kéo dài vài giây, thậm chí nửa phút thì bệnh cần phải chữa. Tình trạng này không chỉ gặp ở người già, mà rất nhiều cháu bé cũng bị.

Chính vì thế, người có thói quen ngáy khi ngủ thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường. Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng.  

Hậu quả là bộ não người bệnh không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, giảm năng suất làm việc, không tập trung, lâu dần sẽ suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, bệnh ngáy ngủ còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bệnh đột tử trong khi ngủ...

Những người nào dễ bị ngủ ngáy và ngưng thở lúc ngủ là người có màn hầu dầy, có lưỡi gà dài, amidan –VA vòm quá phát (thường gặp ở trẻ em), bị lệch vách ngăn mũi, hàm dưới ít phát triển hay gọi là cằm lẹm dễ bị ngủ ngáy. Phụ nữ có thai, nhất là 3 tháng cuối cũng dễ bị ngủ ngáy do tăng trọng lượng. Ngoài ra, người lớn tuổi trên 60 tuổi cũng dễ ngủ ngáy và ngưng thở do trương lực cơ giảm.

Để phòng ngủ ngáy ngoài việc điều trị chúng ta cần kết hợp luyện tập, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ và hoa quả, hạn chế dầu mỡ, không nên  hút thuốc lá, không uống các chất có cồn vào buổi tối không dùng các thuốc an thần. Do ngáy thường xuất hiện khi ngủ ở tư thế nằm ngửa, vì vậy nên tập nằm nghiêng một bên, có thể hỗ trợ tư thế này bằng một gối dài chèn ép ở lưng, thậm chí có thể nằm sấp.

Điều trị tắc mũi bằng các thuốc chống sung huyết mũi. Trong trường hợp viêm mũi mạn tính phải điều trị bằng xông mũi, xịt mũi bằng các thuốc steroid. Để không ảnh hưởng của hệ hô hấp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, không để bị ẩm mốc.. 

Khi người bệnh có biểu hiện của hội chứng ngưng thở do ảnh hưởng ngủ ngáy cần đến bệnh viện để khám và điều trị. 

Minh Tuyết
Chia sẻ