Lối sống “làm khổ” dạ dày

,
Chia sẻ

Công việc quá tải, stress, ăn uống không điều độ… đang là những tác nhân phổ biến khiến hơn 70% người lớn Việt Nam mắc bệnh dạ dày.

Viêm loét mãn tính

Đã gần 10 năm chạy chữa nhưng ông Trần Thanh Hoàng (40 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) vẫn chưa dứt tình trạng đau thượng vị, ợ hơi mỗi lần dùng bữa hoặc đói bụng. Là giám đốc một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, ông Hoàng chịu áp lực của công việc làm ăn, tiếp đãi khách hàng và đương nhiên những bữa ăn gia đình đúng giờ đúng bữa không còn trọn vẹn. “Mỗi tuần 3 - 4 bữa ăn nhậu là chuyện thường. Còn bữa ăn, bữa không cũng thỉnh thoảng diễn ra”, ông Hoàng cho biết. Với sinh hoạt lối sống thiếu điều độ và cân bằng, từ lúc 30 tuổi ông Hoàng đã bắt đầu xuất hiện những triệu chứng khó tiêu, đau thượng vị và sau những lần khám, xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM được xác định loét dạ dày - tá tràng. Mặc dù đã được điều trị bằng thuốc tây trong thời gian dài, thậm chí những lúc nghe “dân gian” mách nước, ông Hoàng cũng dùng thuốc nam, thuốc bắc nhưng vẫn chưa thể dứt bệnh. Những trường hợp như ông Hoàng hiện khá phổ biến. Theo ghi nhận tại BV Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TPHCM, Nguyễn Tri Phương, trên 60% bệnh nhân người lớn đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa đều liên quan đến viêm loét dạ dày - tá tràng.
 

Phần lớn trường hợp loét dạ dày đều được phát hiện qua kỹ thuật nội soi. Ảnh: C.T.V.

TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa - Gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết cứ trung bình 10 ca nội soi sau khi được kiểm tra thì 5 ca mắc bệnh đau dạ dày. TS-BS Hoàng nói đây là bệnh phổ biến thường thấy hiện nay nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Theo TS-BS Hoàng, nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày chủ yếu do ảnh hưởng của lối sống như stress, ăn uống không điều độ, hút thuốc, uống rượu… Bệnh có thể biến chuyển nặng, thậm chí dẫn đến ung thư nếu không được điều trị kịp thời. “Nguyên nhân chính gây ra loét dạ dày là do lượng acid trong dạ dày tăng quá mức làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Thông thường bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng ban đầu hoặc nhầm tưởng với bệnh khác. Bệnh càng để lâu càng khó điều trị và dần chuyển sang mãn tính, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày…”, TS-BS Hoàng cho biết.

Đến trào ngược dạ dày

Không khác so với trường hợp ông Hoàng nói trên, nhưng “thâm niên” bị bệnh đã hơn 20 năm nay và được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày - thực quản, ông Lê Ngọc Ph. (60 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) rất khổ sở vì bệnh tình.

“Sáng dậy là ợ hơi, có khi ợ chua, rồi trong lúc làm việc tự nhiên lên cơn đau quặn”, ông Ph. nói. Đã đi khám và xin tư vấn điều trị bác sĩ gần hết các bệnh viện lớn - nhỏ trong thành phố, cố gắng thay đổi lối sống và sinh hoạt, nhưng ông Ph. vẫn chưa thấy bệnh thuyên giảm.

Chủ nhà thuốc Trần Quang (31 Đỗ Tấn Phong, quận Phú Nhuận) cho biết, số người đến mua thuốc trị chứng dạ dày trào ngược ở cửa hàng ông tăng lên hàng năm, có người đã cả chục năm nhưng không khỏi. “Thường thì cửa hàng tôi bán các loại thuốc như Motilium cho bệnh nhân nhưng chỉ giúp giảm đau khi ăn chứ không dứt bệnh được”, chủ nhà thuốc Trần Quang nói.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo đa số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản tái phát triệu chứng sau khi ngưng điều trị. Bệnh có khuynh hướng gia tăng theo lối sống hiện đại, công nghiệp hóa. Trong đó, béo phì và các chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến căn bệnh.

Trước thực trạng nói trên các chuyên gia y tế cho rằng, ngoài điều trị theo yêu cầu bằng các loại thuốc thì thay đổi lối sống, sinh hoạt là những biện pháp phòng chống, ngăn ngừa hữu hiệu hơn cả. Người bệnh phải giảm béo phì, hạn chế thuốc lá, các loại gia vị quá cay hoặc quá chua, hạn chế các loại nước uống có gas, cà phê đậm, rượu bia. Đồng thời, cần tăng cường vận động, tạo thói quen sinh hoạt điều độ, chừng mực…

“Trong khi chưa có loại thuốc nào có thể phòng ngừa hoàn toàn bệnh đau dạ dày thì một tinh thần sống thoải mái, phong thái sống khỏe mạnh chính là lợi điểm để phòng ngừa và ngăn chặn bệnh”, TS-BS Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo.
 
Theo SGGP
Chia sẻ