Gầy đi 5kg, giảm 50% nguy hiểm cho khớp gối

ThS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh ,
Chia sẻ

Từ sau tuổi 40 - 50, thoái hóa khớp xảy ra trên khoảng 20% dân số, thường nữ gấp 2 lần nam. Người bệnh ở tình trạng thừa cân, béo phì cứ giảm đi 5kg thì mức độ nguy hiểm ở đầu gối sẽ giảm đi một nửa.

Thoái hoá khớp gối: Nữ gấp đôi nam

Bệnh thoái hoá khớp gối là chứng bệnh mà bệnh nhân tuổi càng cao thì khớp xương càng bị lão hoá và bị bào mòn, nên sụn khớp dần bị phá hủy, gây nên những cơn đau buốt, giới hạn vận động và gây biến dạng khớp gối, làm mất khả năng đi đứng. 

Lý do thoái hoá khớp xương là tổng hợp của nhiều nguyên nhân như tuổi thọ cao, sự lão hoá các bộ phận, thể trọng, nghề nghiệp... Chụp phim với tư thế đứng trên 1 chân bị đau sẽ thấy hình ảnh xơ đặc xương vùng khe khớp bên trong, nặng hơn có thể thấy hẹp khe khớp và các gai xương. Tiến triển lâu dài khớp gối sẽ bị hư hoàn toàn và biến dạng, vẹo vào trong, gây đau đớn khi đi lại; sụn hư hoàn toàn gây tàn phế không đi đứng được hoặc gãy xương do đi không vững, té ngã.

Thoái hóa khớp rất phổ biến xảy ra với tỉ lệ khoảng 20% dân số (thường nữ gấp 2 lần nam) bắt đầu sau tuổi 40-50. Trên phim X-quang, đến 50% dân số có hình ảnh thoái hóa xương khớp nhưng chỉ một nửa trong số này là có triệu chứng lâm sàng ở khớp và đa số (75%) là ở khớp gối.

Nguyên nhân gây nên thoái hoá khớp xương này là sự liên quan tổng hợp của các nguyên nhân như tuổi thọ cao, sự lão hoá các bộ phận, thể trọng, nghề nghiệp...

Triệu chứng tiêu biểu nhất của thoái hoá khớp gối là đau buốt khi ngồi xổm, đứng, đi bộ, đi lên xuống cầu thang hay vận động; đau giảm khi nghỉ ngơi; nghe tiếng kêu trong khớp khi cử động gối.

Sau khi hoạt động, cũng có trường hợp đầu gối bệnh nhân bị sưng lên hay chỉ cần ấn tay vào khớp xương bên ngoài gối, cũng cảm thấy đau buốt thấu đến tận trong xương, đặc biệt là đau khe khớp gối bên trong vì phần lớn khớp gối của chúng ta bị vẹo vào trong.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị đau nhiều khi ngủ đêm, khớp gối không thể co (gấp) duỗi được do khớp gối vừa bị viêm, vừa bị biến dạng khớp. Bệnh nhân bị đau buốt khớp xương, vận động hạn chế, hình dạng gối biến đổi gây những giới hạn vô cùng lớn đến cuộc sống hàng ngày.

Giảm 5kg, nguy hiểm giảm một nửa

Một trong những phương pháp điều trị rất hữu ích và được dùng nhiều trong thực tế là điều chỉnh thể trọng. Điều chỉnh thể trọng ở một mức độ nào đó là cách điều trị quan trọng thoái hóa khớp gối khá hiệu quả.

Khớp gối nhân tạo giúp bệnh nhân gập 120 độ. 
 

Trong rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thể trọng người bệnh ở tình trạng thừa cân, béo phì cứ giảm đi 5kg thì mức độ nguy hiểm ở đầu gối sẽ giảm đi một nửa. Theo phương cách giảm thể trọng này thì bệnh nhân sẽ giảm bớt những cơn đau buốt và khả năng vận động của họ cũng có thể tăng lên một cách có hiệu quả đáng kể.

Bên cạnh đó, bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối thường hỏi là để giúp cho khớp xương chân luôn ổn định thì không nên đi bộ hay vận động nhiều, chỉ nghỉ ngơi ở nhà như vậy có tốt hay không? Để có thể đảm bảo, duy trì khớp xương sụn được khoẻ mạnh thì việc thường xuyên vận động điều độ là rất cần thiết.

Bệnh nhân nếu bị những cơn đau buốt khớp gối liên miên, trong phạm vi có thể chịu đựng được thì nên duy trì việc đi bộ nhẹ nhàng trên đường bằng phẳng, vận động lội dưới nước, bơi lội, đạp xe đạp hoặc đạp xe bằng dụng cụ tập trong phòng... Những vận động làm tăng cường sức mạnh cơ bắp đùi như thế sẽ giúp cho bệnh nhân giảm thiểu cơn đau buốt khớp trước gối rất nhiều.

Ở độ tuổi khoảng 40-50, sự phá hủy khớp xương ở thời kỳ đầu bị viêm nhiễm khớp chưa nặng nên có thể dùng thuốc được. Nhưng trường hợp bệnh có viêm sưng khớp nhiều lần hoặc uống thuốc không giảm hoặc uống thuốc đã bị tác dụng phụ của thuốc, kèm theo với những triệu chứng gây tổn thương đến sụn khớp thì bằng phương pháp phẫu thuật sẽ cho kết quả tốt hơn.

8h Chủ nhật ngày 14/12/2008, BV ĐH Y Dược TP.HCM sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh thoái hóa khớp gối. 100 bệnh nhân đăng ký sớm nhất sẽ được khám và tư vấn miễn phí.

Điều trị bằng thuốc và điều trị vật lý trị liệu tiến hành trên 6 tháng, khi không thấy có kết quả tốt hơn thì các bác sĩ sẽ sử dụng đến phương pháp phẫu thuật nội soi khớp tái tạo mặt sụn. Bệnh nhân sẽ được lấy bỏ những mạch máu bệnh gia tăng trong khớp, qua đó có thể giảm nhẹ những triệu chứng của viêm sưng khớp.

Phẫu thuật nội soi khớp là 1 tiến bộ trong y học hiện tại, hiện đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Phẫu thuật nội soi khớp có nhiều ưu điểm: phẫu thuật xâm nhập tối thiểu (chỉ đường rạch nhỏ <0,5cm ) có thể quan sát rõ và thực hiện mọi thủ thuật chữa trị trong khớp, có thời gian nằm viện ngắn (1-3 ngày), thời gian phục hồi nhanh sau mổ (đi đứng, gấp duỗi gối sớm ngay sau mổ) và tính thẩm mỹ cao.

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo

Ở trường hợp thoái hóa ngày càng nặng thì mức độ phá huỷ sụn khớp gối càng cao, toàn bộ đầu gối sẽ sưng lên, đau đớn, phải đi cà nhắc và dần dẫn đến biến đổi hình thể nghiêm trọng.

Các chứng bệnh phối hợp liên kết có thể xảy ra đồng thời như chứng loãng xương, tác dụng phụ của việc uống thuốc trị bệnh trong thời gian dài, làm giới hạn trầm trọng mức hoạt động của khớp gối, dẫn đến không thể đứng đi được hoặc chỉ đi 1 đoạn ngắn là đau, thậm chí không đi được và ảnh hưởng đến các sinh hoạt dù là bình thường nhất.

Trường hợp khớp xương bị phá huỷ nặng, thông qua phương pháp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật bảo tồn chung vẫn không có được kết quả như mong muốn, kết cục là xương bị phá huỷ, đến lúc này phải cần đến phương pháp phẫu thuật thay thế khớp xương nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp nhân tạo là thay thế mặt sụn khớp bị hư của bệnh nhân.

Phương pháp phẫu thuật tiến bộ này là một trong những phương pháp được đánh giá là thành công nhất của chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình qua kết quả điều trị thành công (số lượng bệnh nhân hàng triệu ca mỗi năm trên thế giới, đã thực hiện phẫu thuật hơn 30 năm) và đem lại chất lượng cuộc sống cao hơn cho người lớn tuổi.

Khớp nhân tạo sử dụng gồm 1 phần hợp kim và polyetylen cao phân tử. Đặc biệt, gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hỗn hợp chất mới rất tốt để chế tạo khớp xương nhân tạo, kết hợp với những dụng cụ mổ hiện đại và tay nghề mổ kỹ thuật cao của các bác sĩ, phương pháp phẫu thuật này đã rất được tán thành ủng hộ, làm hài lòng bệnh nhân, hồi phục được khả năng vốn có của khớp gối, điều chỉnh hình dạng cơ thể đã bị biến dạng và hạn chế được chứng đau nhức trong xương khớp.

Khi được làm phẫu thuật thay khớp nhân tạo này, người bệnh cần ghi nhớ lời dặn dò của các nhà chuyên môn và sau khi phẫu thuật phải vận động hợp lý. Mỗi khoảng 6 tháng một lần, đến gặp bác sĩ để chụp X-quang kiểm tra lại. Nói chung sau khi làm phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo thì khớp gối chỉ được gấp tối đa 120 độ, cần phải tuyệt đối tránh đầu gối gập xuống quá giới hạn cho phép; bệnh nhân được khuyến khích sử dụng giường nằm, bàn ăn.

Khi phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo thành công tốt đẹp thì tuổi thọ sử dụng khớp xương đó cũng tăng lên dần, ước chừng có thể sử dụng được khoảng 15 năm, hy vọng rằng các kết quả nghiên cứu y khoa về lĩnh vực này càng ngày càng phát triển, tiến bộ và sẽ đạt nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa.

ThS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh
 Phân khoa Xương khớp, BV ĐH Y Dược
VNN
Chia sẻ