Coi chừng trúng độc vì ăn bạch tuộc

,
Chia sẻ

Món hải sản khoái khẩu này có thể khiến bạn bị liệt cơ, ngừng thở, thậm chí tử vong nếu ăn nhầm phải bạch tuộc đốm xanh.

Bạch tuộc được Đông y coi là món ăn bổ dưỡng, thích hợp với những người mệt mỏi, thiếu máu, kém tiêu hóa hay phụ nữ suy nhược sau khi sinh nhờ tác dụng ích khí, dưỡng huyết, thông sữa, sinh cơ. Tuy nhiên, không phải cả 300 loài bạch tuộc đều ăn được, và bạch tuộc cũng là một trong những loại hải sản dễ gây độc nhất. Vì cố ý hay vô tình, bạn có thể "được" phục vụ món bạch tuộc không an toàn.

Nấu chín kỹ vẫn độc

Nguy hiểm nhất là bạch tuộc đốm xanh, còn gọi là mực tuộc xanh hoặc mực tuộc đốm xanh, có những vòng xanh lốm đốm rất đẹp trên da. Đây là loài mực nhỏ, cân nặng trung bình khoảng 50 gr, thân dài không quá 50 mm, có 8 tay bám dài chừng 8-10 cm. Loài này sống ở các vùng triều san hô chết và các rạn san hô ven bờ vùng Bình Thuận, Khánh Hòa, Côn Đảo. Trong cơ thể chúng có một độc tố thần kinh rất mạnh là Tetrodotoxin.

Chất độc này không bị nhiệt phá hủy nên dù có sấy khô, nấu chín cũng không thể loại bỏ nó. Khi ăn phải, chỉ trong vòng 5 - 10 phút, độc chất Tetrodotoxin đã vào máu và sau 20 phút đạt nồng độ cao nhất trong máu. Sau vài giờ, các dấu hiệu ngộ độc xuất hiện như tê môi, lưỡi, miệng, tê ngón tay, bàn tay, bàn chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, nôn và tăng tiết nước bọt, liệt cơ, trong đó có cơ hô hấp dẫn đến ngừng thở. Bệnh nhân tụt huyết áp, có thể chết rất nhanh trong vòng 4 - 24 giờ.

Nên cảnh giác với món bạch tuộc.

Mặt khác, trong các loại bạch tuộc có những vi sinh vật gây bệnh cho người, thường gặp là Coliform (gây tiêu chảy), Staphylococus (gây ngộ độc với các dấu hiệu buồn nôn, nôn, tiêu chảy dữ dội...), Salmonella (gây sốt nhẹ, nhức đầu, nôn, tiêu chảy, hoặc gây ra sốt thương hàn).

Ngoài ra, bạch tuộc chết còn có một tác nhân gây ngộ độc, dị ứng là histamin. Chất này chịu được nhiệt nên dù nấu chín, nó vẫn còn trong món ăn. Bạn sẽ bị ngộ độc nếu nồng độ chất này quá cao hoặc các enzyme phân hủy histamin của cơ thể bị ức chế. Triệu chứng xuất hiện sau ăn một vài giờ, gồm đỏ mặt, nôn, tiêu chảy, đau đầu, nóng ran miệng và ngứa toàn thân.

Làm gì khi ngộ độc bạch tuộc?

Khi có những dấu hiệu ngộ độc như tê môi, tê tay..., cần tiến hành ngay các biện pháp sơ cứu, gồm kích thích gây nôn, nếu có than hoạt tính thì cho uống ngay (người lớn uống 30 gr than hoạt hòa với 250 ml nước chín, trẻ 1 -12 tuổi uống 25 gr than hoạt với 100 - 200 ml nước chín, trẻ dưới một tuổi cho 1 gr than hoạt cho mỗi kg cân nặng pha với 50 ml nước chín.

Than hoạt có tác dụng hấp phụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn, hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu nạn nhân rối loạn ý thức, thở yếu hoặc ngừng thở, phải nhanh chóng thổi ngạt miệng - miệng hoặc miệng - mũi.

Nếu ngộ độc do vi sinh vật, tiêu chảy nhiều, cần  bù nước bằng dung dịch Oresol hoặc nước muối đường.

Trong mọi trường hợp, phải tìm mọi cách nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được áp dụng các biện pháp điều trị cấp cứu tích cực.

Theo TS dinh dưỡng Nguyễn Hữu Toản
 Bác Sĩ Gia Đình
Chia sẻ