Coi chừng dịch sốt phát ban vẫn bùng phát

Theo NLD,
Chia sẻ

Bùng phát đã hơn 2 tháng qua, đến nay, dịch sốt phát ban vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Số ca nặng bị biến chứng viêm phổi, viêm não tăng đột biến, nhất là phụ nữ mang thai.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay đã có 1.000 người mắc sốt phát ban tới khám. Trong số người phải nhập viện điều trị có tới 1/3 là phụ nữ mang thai. Bệnh nhân hầu hết ở trong độ tuổi 20-35.

Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt phát ban nhưng các bác sĩ ở đây cho biết đã có 5 trường hợp bị biến chứng viêm não, viêm màng não phải điều trị tích cực. 
 
Một bệnh nhân sốt phát ban đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh
 
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu hiện có 2 bệnh nhân sốt cao, co giật và rối loạn tinh thần. Trong đó, một bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê phải thở máy, chưa qua được giai đoạn nguy kịch. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc bệnh viện, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhập từ 30-70 bệnh nhân sốt phát ban tới khám, trong đó 5-7 trường hợp phải nhập viện điều trị, có thời điểm lên tới 25 ca điều trị nội trú/ngày. “Với số mắc ước tính hiện nay có thể nói đang là đỉnh dịch sốt phát ban và dịch sẽ còn kéo dài” - bác sĩ Hà nhận định.
 
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, cho biết nếu như những năm trước, bệnh nhân sốt phát ban vào điều trị chủ yếu do nguyên nhân sởi người lớn thì năm nay chủ yếu là do virus rubella gây ra (còn gọi là sởi Đức).
 
“Thông thường, bệnh sốt phát ban do rubella không nguy hiểm, tỉ lệ biến chứng gây tổn thương viêm não, màng não ít và có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, rubella lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Ảnh hưởng nguy hiểm và thường gặp nhất là dị dạng tim bẩm sinh, tổn thương não của thai nhi, thai chết lưu, trẻ sinh ra chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, dị dạng... Đặc biệt, dịch năm nay có diễn biến bất thường là tập trung cao vào phụ nữ mang thai. Trong số 35 phụ nữ mang thai bị sốt phát ban do rubella đã có trường hợp phải đình chỉ thai” – bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
 
Kiêng lạnh, tránh gió
 
Nhiều người cho rằng đã mắc sởi, sốt xuất huyết, rubella một lần rồi thì sẽ không bị lại nhưng thực tế vẫn có nhiều người tái mắc vì virus biến đổi, có nhiều chủng virus, thậm chí qua thời gian, khả năng miễn dịch giảm xuống nên vẫn có thể mắc lại, dù tỉ lệ này không nhiều. Trong khi đó, vì triệu chứng của sởi và rubella khá giống nhau nên nhiều người nhầm lẫn dẫn đến dễ chủ quan với bệnh.
 
“Khi người mắc bệnh bị sốt cao đột ngột, đau người, viêm đường hô hấp, ho, chảy nước mũi... thì có nghĩa là trước đó nguồn bệnh đã lây lan, phát tán cho người khác rồi. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây sốt phát ban cùng tồn tại nên rất khó để nhận biết được đó là sốt phát ban do rubella hay sởi, sốt xuất huyết...”- bác sĩ Lâm cảnh báo.
 
Theo bác sĩ Hà, sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, bệnh lây lan qua đường hô hấp với biểu hiện lâm sàng là sốt, viêm họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ở ngoài da. Thông thường, sau sốt khoảng 3-5 ngày, bệnh nhân sẽ nổi ban đỏ, đầu tiên ban mọc ở sau tai rồi lan ra mặt, cổ, 2 tay; ngày tiếp theo, mọc lan ra khắp mình.
 
Khi các nốt ban mất đi sẽ để lại các vết thâm trên da và khoảng vài tuần sau mới hết. Sốt phát ban do sởi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng viêm phổi, viêm não, gây co giật, tử vong. Còn với bệnh sốt phát ban do rubella, triệu chứng toàn thân tương tự như sởi nhưng khác là không xuất hiện viêm đường hô hấp, nốt ban mọc không tuần tự.
 
Do không có thuốc điều trị đặc hiệu nên các bác sĩ khuyên bệnh nhân sốt phát ban do virus cần được chăm sóc, phòng, chống bội nhiễm, đặc biệt là bệnh nhân sởi và rubella. Người mắc bệnh không nên nghe theo quan niệm phải kiêng gió, kiêng nước vì sẽ khiến cơ thể ngứa ngáy khó chịu, dễ nhiễm trùng, chỉ nên kiêng nước lạnh và tránh gió lùa.
 
Bệnh thủy đậu gia tăng
 
Tại nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu tới khám và điều trị đang gia tăng. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn bệnh nhân tới khám rồi được bác sĩ cho về nhà điều trị ngoại trú, còn những bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng phải nhập viện điều trị. “Biến chứng phổ biến nhất của thủy đậu là nhiễm trùng các nốt ban dẫn đến nhiễm trùng da và có thể dẫn đến sẹo ngoài da, đặc biệt là trên mặt, sẽ làm trẻ mất tự tin khi lớn lên.
 
Ngoài ra, còn có những biến chứng nguy hiểm khác như viêm não, viêm phổi, thậm chí tử vong. Khi mắc thủy đậu thì điều quan trọng là phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế gãi vào những đốm mụn để tránh nhiễm trùng”- PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Chia sẻ