Cảnh báo trẻ ngộ độc thuốc hạ sốt

Theo SGTT,
Chia sẻ

Khi trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay bệnh viện để thầy thuốc xử trí cấp cứu.

Ngộ độc thuốc hạ sốt là cấp cứu thường gặp gần đây ở trẻ em. Khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM từng tiếp nhận hai bệnh nhi nữ Ph.T.B.Ng. (6 tuổi, ngụ ở quận 4) và Đ.T.T.Ng (10 tháng tuổi, ngụ tại Bình Phước), nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hoá trên, lơ mơ và co gồng. 
 
Hậu quả của “tự làm bác sĩ” 
 
Cảnh báo trẻ ngộ độc thuốc hạ sốt
Quá nôn nóng hạ sốt cho con có thể gây ngộ độc. Ảnh: Hồng Thái 
 
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khi thấy bé B.Ng sốt suốt hai ngày, người nhà đã ra nhà thuốc Tây tự mua thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) 250mg rồi cho bé uống liên tục bốn gói trong vòng nửa ngày!
 
Thấy vẫn không hạ nhiệt, người nhà vội đưa em đến một bệnh viện khám, bé lại được tiếp tục cho hạ sốt với hai viên Efferalgan (Acetaminophen) 150mg nhét hậu môn và còn được chích 260mg Perfangan (cũng là Acetaminophen).
 
Sau đó, bé có triệu chứng ói ra máu và lơ mơ nên được chuyển đến Nhi đồng 2. 
 
Tương tự, bé T.Ng sốt cao liên tục 3 ngày, ói và tiêu chảy nhiều lần. Người nhà cho biết bé đã được cho uống liên tục năm liều hạ sốt Paracetamol 325mg.
 
Sau đó, thấy em có triệu chứng co gồng nên người nhà vội đưa vô Nhi đồng 2 với tình trạng môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, suy chức năng gan, thận, rối loạn đông máu. 
 
Sau khi nhập viện, các xét nghiệm máu cho biết cả hai bệnh nhi đều có triệu chứng tổn thương tế bào gan do uống quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol. 
 
Dấu hiệu nào biết trẻ ngộ độc? 
 
Khi ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, bệnh nhi có thể có những triệu chứng: buồn nôn hay nôn mửa, vã mồ hôi, tái nhợt, thẫn thờ, lo âu... nhưng thường là không có triệu chứng cho đến 24-48 giờ sau khi uống.
 
Từ 24-72 giờ sau uống, bệnh nhi sẽ có triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của tổn thương gan rõ như đau hạ sườn phải, gan lớn và đau, tăng các men gan như AST và ALT, tăng Bilirubine, rối loạn chức năng đông máu kéo dài, đôi khi tổn thương thận gây thiểu niệu (nước tiểu rất ít hay không có), suy giảm chức năng thận. 
 
Từ 72-96 giờ, bệnh nhi có biểu hiện vàng da, lơ mơ do bệnh cảnh não do gan, gia tăng đáng kể men gan, tăng NH3 và có xuất huyết nội tạng, hạ đường huyết, toan chuyển hoá do tăng axit lactic.
 
Suy thận cấp gặp trong 25% bệnh nhi tổn thương gan nặng, bệnh nhi có biểu hiện tăng urê và creatinin máu, protein niệu, tiểu máu, và có trụ hạt trong nước tiểu. Suy thận cấp là do hoại tử ống thận cấp. Tử vong xảy ra trong giai đoạn này thường do suy chức năng đa cơ quan. 
 
Từ 4 ngày đến 2 tuần, nếu bệnh nhi còn sống sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Hồi phục có thể chậm hơn ở bệnh nhi nặng, những triệu chứng và xét nghiệm có thể không bình thường trong vài tuần. 
 
Khi trẻ có triệu chứng hay nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol, các bậc phụ huynh cần cho trẻ vào ngay bệnh viện để thầy thuốc xử trí cấp cứu. 
 
Phải đúng liều dùng 
 
Ngộ độc thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) xảy ra khi dùng quá liều, dùng trên 150mg/kg cân nặng/liều đơn độc ở trẻ em hay trên 7g cho một người lớn trung bình trong 24 giờ. Tất cả các bệnh nhân dùng liều trên 350mg/kg sẽ gây độc cho gan nặng.
 
Muốn tránh ngộ độc, không được cho trẻ uống quá liều điều trị thông thường là 40-60mg/kg/ngày chia 3-4 lần, hay quá 10-15mg/kg cân nặng/lần. Nếu trẻ dùng liều hạ sốt như trên mà vẫn không giảm được thân nhiệt, phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chứ không nên tự tiện dùng tiếp thuốc hạ sốt.
Chia sẻ