9 việc cần làm hàng ngày để phòng tránh bệnh ung thư cho cả gia đình

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Bằng cách thực hành nghiêm túc, làm gương và truyền dạy lối sống lành mạnh cho trẻ, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh ung thư cho chính bản thân và gia đình.

Bạn muốn các con sống một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Bạn muốn chồng/vợ mình cùng bạn chia sẻ lối sống lành mạnh và an hòa. Làm thế nào để dẫn dắt cả gia đình ăn uống tốt hơn, vận động tốt hơn và phòng tránh những căn bệnh thế kỷ như bệnh ung thư mà không phải lên gân giảng giải lý thuyết? Đơn giản là hãy thực hiện, hãy tự mình làm gương, bạn sẽ nhận ra một hành động còn hơn vạn lời nói.

Hãy áp dụng và tuân thủ nghiêm túc 9 gợi ý dưới đây để bạn và cả gia đình sẽ ung dung bước đi trên con đường sống khỏe mạnh, an hòa, vui tươi, phòng ngừa bệnh ung thư:

1. Lên kế hoạch cho các bữa ăn gia đình

Mỗi tuần, hãy ngồi xuống với cuốn sách hướng dẫn nấu ăn yêu thích của bạn hoặc lên các trang blog về ẩm thực để lên kế hoạch cho các bữa ăn lành mạnh trong gia đình. Chuẩn bị các bữa ăn dùng nồi nấu chậm (slow-cooker) vào những tối bạn có giờ tập thể dục thể thao sau khi tan sở hoặc lũ trẻ sau khi tan học. 

Mỗi tuần, nên dành chỗ cho những bữa ăn đơn giản khoảng 1-2 lần như một món súp nấu nhanh hay món pizza tự làm. Mục đích là tạo những khoảng nghỉ cần thiết, vừa giúp bạn không phải lúc nào cũng đau đáu với câu hỏi “Tối nay ăn gì” hay bị thôi thúc bởi mong muốn nhấc điện thoại lên, gọi đồ ăn giao tận nhà hoặc đi ăn nhà hàng. Mua sẵn nhiều loại rau, trái cây để bạn có thể dễ dàng chuẩn bị những bữa ăn nhẹ cho mình, cho chồng và cho con.

phòng ngừa ung thư

2. Cùng nhau ăn tối

Quây quần bên bàn ăn tối cùng các thành viên trong gia đình càng nhiều lần trong tuần càng tốt. Thói quen này sẽ giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc ăn uống đúng bữa, của việc nạp năng lượng một cách lành, sạch tại nhà. Trẻ ăn cùng gia đình tiêu thụ nhiều rau hơn trẻ ăn một mình hoặc không có đủ người lớn ở bên. 

Hơn nữa, bữa ăn quây quần tại nhà là cơ hội để trẻ trải nghiệm quá trình chuẩn bị nấu nướng, việc thưởng thức đồ ăn và dọn dẹp sau khi ăn – đây là những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này của trẻ.

3. Luôn có rau trong mọi bữa ăn

Ưu tiên cho sự xuất hiện của rau trong từng bữa ăn gia đình để ngay cả thành viên kén ăn nhất cũng tìm thấy loại thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa mà cơ thể cần. Chỉ cần mỗi món rau thử vài miếng cũng đủ cho hàm lượng rau trong một bữa. Cứ kiên trì thực hiện điều này, bạn sẽ truyền được tình yêu rau trái cho các thành viên khác.

4. Loại bỏ “văn hóa đồ ăn nhanh”

Không chế biến những món ăn chỉ dành cho trẻ và đưa ra các lựa chọn về đồ ăn cho từng thành viên trong gia đình. Bữa ăn  là để cùng thưởng thức, cùng chia sẻ. Một bữa ăn nên được chuẩn bị và chế biến sao cho phù hợp với cả nhà. Tránh làm những việc như cho con ăn đùi gà đông lạnh chiên giòn trong lúc bạn và ông xã ăn cá hồi hay vội vã đưa con đi học và chỉ kịp gặm một chiếc bánh mì vào lúc 9 giờ tối. 

Dạy cho con biết rằng bữa ăn nên được lựa chọn dựa trên những nguyên liệu giàu dinh dưỡng, có hương vị và thực tế với cả gia đình. Thức ăn nên được tôn trọng và cơ thể chúng ta cũng vậy.

phòng ngừa ung thư

5. Cùng cả gia đình chia sẻ việc nhà

Mỗi thành viên trong nhà, dù lớn dù bé, đều nên góp công sức để giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thơm tho. Hãy để các con thu dọn giường ngủ của chúng, lau chùi phòng riêng của chúng. Trường hợp này, bạn đừng quá đặt áp lực về việc thành quả công việc của bọn trẻ cũng phải hoàn hảo như của mình. Chọn một thời điểm để lau nhà và mọi thành viên đều có thể tham gia. 

Rất nhiều bài tập chúng ta thực hiện trong phòng thể hình xuất phát từ các động tác chúng ta làm thường ngày: vươn tay, chà xát, gập gối, nhoài người… Các hoạt động tưởng đơn giản này thực sự đóng góp to lớn vào việc đốt cháy calo và giúp phòng ngừa bệnh tật. Chia sẻ việc nhà là cách tuyệt vời nhất để người phụ nữ có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống trong khi cả gia đình lại gặt hái được vô số lợi ích về sức khỏe. Hãy biến nhà bạn, cuộc đời bạn thành một bài tập vận động lớn.

6. Để cả gia đình chứng kiến việc bạn luyện tập ra sao

Cho bọn trẻ thấy bạn tập theo một video hướng dẫn aerobic, chạy bộ trước bữa tối hay thực hành vài động tác yoga đơn giản tại nhà. Việc này giúp các thành viên trong gia đình nhận thấy luyện tập là một phần của lịch trình vạn động hàng ngày. 

Nếu có thể, mời các thành viên khác cùng tập với bạn. Trẻ 5 tuổi là có thể chạy bộ cùng bạn và một vài cuộc đua nho nhỏ có thể biến việc tập luyện trở nên hấp dẫn hơn.

7. Cùng cả nhà tham gia các hoạt động ngoài trời

Cùng lái xe đạp hay thả bộ trong công viên là những hoạt động thú vị bạn có thể thực hiện với gia đình mình mỗi cuối tuần. Bạn có thể chọn một điểm đến hấp dẫn như nơi cắm trại yêu thích trong công viên để có thêm động lực. Vận động rất vui và đó là điều trẻ biết được một cách tự nhiên nhưng khi chúng ngày càng lớn lên, chúng ta lại dạy chúng “chơi” nghĩa là gắn với tivi, màn hình máy tính, điện thoại và các môn thể thao có tổ chức. 

Hãy để chúng nhắc nhở bạn rằng đi bộ, leo trèo, chạy nhảy, nô đùa và khám phá là những cách không thể tuyệt hơn để giữ dáng cân đối, để giải tỏa căng thẳng và thêm gắn kết tình cảm gia đình.

phòng ngừa ung thư

8. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hình ảnh tích cực về bản thân

Bạn không cần phải trông giống một người mẫu thể hình mới được xem là có cân nặng khỏe mạnh. Có da có thịt một chút mới là khỏe mạnh, mặc dù “nhiều da nhiều thịt” lại có thể ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và tăng nguy cơ mắc bệnh cho bạn. 

Tôn trọng cơ thể mình bằng cách đưa vào cơ thể thực phẩm toàn phần sạch, lành và liên tục vận động. Tìm ra mức cân nặng khiến bạn thấy thoải mái và duy trì nó. Nếu việc cân nặng khiến bạn thấy căng thẳng, hãy dành sự chú ý nhiều hơn so cách mặc trang phục phù hợp với cơ thể mình.

9. Luôn khích lệ gia đình với sự tích cực

Hãy nói chuyện một cách tự tin, lạc quan về cơ thể mình trong những vấn đề liên quan tới sức khỏe, độ dẻo dai chứ không phải kích cỡ. Bất kể số thông điệp tự tin về cơ thể mình mà các con bạn học được ở trường, ở các phương tiện truyền thông hay từ chính miệng bạn nhiều đến cỡ nào, cách bạn hành động mới là thứ có tác động mạnh mẽ nhất. 

Hạn chế những nguồn ảnh hưởng tiêu cực như tivi, tạp chí phụ nữ và cách bạn tỏ ra xấu hổ về cơ thể mình. Nếu bạn truyền dạy được cho con thái độ tích cực đối với bản thân, nó sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.

Sự khích lệ tích cực nên được áp dụng thường xuyên trong gia đình bạn. Đừng chỉ trích, chê bai chồng/vợ bạn vì những lựa chọn không tốt, quát mắng bọn trẻ, bắt chúng phải ăn nhiều rau trái hay phàn nàn về vòng hai có nguy cơ chảy xệ của mình. Quan tâm chăm sóc chính bạn và bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người thân yêu làm tương tự.
 
(Nguồn: Yummy) 
Chia sẻ