Miền Bắc: Một ca tử vong vì nhiễm liên cầu lợn

Theo Dantri,
Chia sẻ

Trong 2 tháng gần đây, số bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn nhập viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tăng đột biến.

Tính trong tháng 5/2012 có 14 ca mắc, đến ngày 18/8/2012 có 44 ca mắc liên cầu lợn, đặc biệt đã có một ca tử vong.
 
Sáng 30/8, tại khoa Điều trị tích cực (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) vẫn có 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải theo dõi tích cực. Cả hai bệnh nhân này tuy đã qua giai đoạn sốc nguy hiểm nhưng bị suy thận rất nặng.
 
Miền Bắc: Một ca tử vong vì nhiễm liên cầu lợn
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đang được điều trị tích cực tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải
 
Trước đó, trường hợp tử vong là một nam giới trung niên, tử vong sau hai ngày nhập viện. Bệnh nhân này nhập viện do bị sốc nhiễm khuẩn quá nặng, gây suy đa phủ tạng và đã không thể qua khỏi sau hai ngày điều trị.
 
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) cho biết, hầu hết các ca bệnh nhập viện đều có liên quan trực tiếp đến nguồn lây như ăn tiết canh, lòng lợn, chăm sóc lợn ốm…
 
Tuy nhiên cũng có ca bệnh là một cụ ông đã 90 tuổi không rõ nguồn lây. Bệnh nhân này không ăn tiết canh, không tiếp xúc với lợn ốm cũng mắc bệnh, không rõ nguồn lây, bị nhiễm trùng huyết nhưng may mắn không bị sốc nên tiên lượng điều trị tốt.
 
Theo BS Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm.
 
Tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện, một tháng trở lại đây số bệnh nhân nhiều hơn bình thường và có một bệnh nhân tử vong. Còn năm 2011, tại Viện không ghi nhận ca nào tử vong.
 
BS Cấp cho biết thêm, bệnh liên cầu khuẩn không chỉ gây ra hiện tượng nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao đột ngột, nhanh chóng tụt huyết áp, sốc rồi gây suy đa phủ tạng và xuất hiện những nốt ban đặc trưng hoại tử trên da, mà liên cầu khuẩn lợn còn gây viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác.
 
Khi bị viêm màng não, bệnh nhân có hiện tượng sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê. Ngoài ra, có những người vi khuẩn liên cầu lợn còn gây ra cả hai thể bệnh này, khiến tình trạng bệnh thường rất nặng, nguy kịch.
 
Theo BS Cấp, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng ở những con lợn yếu, dịch bị suy giảm khiến liên cầu khuẩn tấn công thì vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa, mà nó tấn công sang các cơ quan phủ tạng khác, gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho con lợn.
 
Đó là lý do khi ăn tiết canh, nem chạo thì dễ dàng “nạp” vào người số lượng lớn vi khuẩn liên cầu có trong đó và gây bệnh cho người. Diễn tiến bệnh nặng hay nhẹ lại phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, số lượng vi khuẩn xâm nhập nhưng bệnh có xu hướng nặng lên ở những người nghiện rượu, mắc các bệnh mãn tính trước đó.
 
Để phòng bệnh liên cầu lợn, ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng chống bệnh lây nhiễm từ liên cầu lợn.
 
Để phòng bệnh không được giết mổ lợn ốm, chết; không mổ lợn, chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nem chạo, tiết canh... Cần nấu chín thịt lợn và các chế phẩm từ lợn bởi khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả nặng gây bệnh.
 
Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tránh nguy cơ tử vong.



Chia sẻ