Suất ăn trưa ở trường quốc tế có giòi: Ăn thức ăn có giòi nguy hiểm thế nào?

M. T,
Chia sẻ

Mặc dù ăn phải giòi không gây nguy hiểm chết người nhưng ăn thức ăn có giòi cũng có thể dẫn đến những tác hại đáng kể.

Mới đây, thông tin bữa ăn của học sinh tại một trường thuộc hệ thống Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) ở TP.HCM có giòi bò đã khiến đông đảo phụ huynh bức xúc và lo lắng.

Sau đó, nhà trường đã thừa nhận việc có giòi trong suất ăn (trong cà chua) là sự cố mang tính mùa vụ và sự việc đã được xử lý nhanh chóng, học sinh đã được đổi sang suất ăn mới. Tuy nhiên, với tâm lý lo sợ thực phẩm bẩn, không ít người tiêu dùng vẫn lo lắng về chuyện liệu ăn phải thức ăn có giòi có nguy hiểm không?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa) cho biết: “Bản thân con giòi không có hại, nếu nấu chín ăn vẫn được. Giòi do côn trùng có cánh, đa phần là ruồi đậu vào thức ăn và đẻ trứng rồi sinh ra giòi”.

Suất ăn trưa ở trường quốc tế có giòi: Ăn thức ăn có giòi nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Mặc dù ăn phải giòi không gây nguy hiểm chết người nhưng ăn thức ăn có giòi cũng có thể kéo theo những tác hại đáng kể.

"Tuy nhiên khi thực phẩm xuất hiện giòi, đó là cảnh báo thực phẩm đã bị hỏng. Bởi giòi sinh ra từ trứng con ruồi và từ trứng "đẻ" ra giòi cũng là một quá trình dài. Trong khi đó, bản thân con ruồi sống ở môi trường bẩn, đậu vào thực phẩm sẽ kéo theo nhiều vi khuẩn và độc tố gây bệnh khác. 

Đặc biệt, nếu ruồi đậu vào thực phẩm chín và chúng ta ăn ngay sau đó thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn, có thể gây ngộ độc với triệu chứng nôn mửa, người tím tái, phải đi cấp cứu.

Ngoài ra, khi thực phẩm đã hỏng thì ngay cả có nấu chín đi chăng nữa, độc tố trong thực phẩm vẫn còn và nguy hiểm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ thêm.

Mặc dù ăn phải giòi không gây nguy hiểm chết người nhưng ăn thức ăn có giòi cũng có thể kéo theo những tác hại đáng kể. 

Thực phẩm có giòi sinh sống ăn hết chất bổ, khi con người ăn sẽ chẳng còn giá trị dinh dưỡng gì. Không những vậy, nó còn có thể là nguồn dẫn đến bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ, giun sán, rối loạn tiêu hóa gây nôn, ỉa chảy (gồm cả đi ngoài ra máu), đau bụng…

Để an toàn cho sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo mọi người: 

- Cần phải che đậy thức ăn tránh để các loại côn trùng sống đậu vào đẻ trứng. Ngoài ra, bạn cũng cần thận trọng trong quá trình chọn thực phẩm. Đặc biệt, quá trình nấu nướng cũng phải đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Với những thức ăn đã hỏng, sinh giòi thì phải bỏ đi ngay.

- Tuyệt đối không dùng thức ăn bị ôi thiu, lên men. Nhất là khi thời tiết nắng nóng dưới tương tác của nhiệt độ, tia sáng mặt trời, không khí và chế độ thực ăn cực kỳ dễ bị ôi thiu. Sau khi tiêu thụ các thực phẩm này từ 1-48 giờ có thể gây nôn ói, đi ngoài, chảy, đau đầu, đau bụng… nặng hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng, về lâu dài có ung thư.

Suất ăn trưa ở trường quốc tế có giòi: Ăn thức ăn có giòi nguy hiểm thế nào? - Ảnh 4.

Ruồi đậu vào thực phẩm chín và chúng ta ăn ngay sau đó thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.

Nhận diện thực phẩm hỏng

Thông thường, khi bị hỏng, thực phẩm sẽ đổi sang màu sắc đậm hơn, do sự phát triển của vi sinh vật mang tên Serratia Marcescens. Nếu nhận thấy các loại thực phẩm mà bạn đã lưu trữ khoảng 2 tuần mà có sự thay đổi màu sắc một cách bất thường thì bạn nên loại bỏ chúng ngay để đảm bảo an toàn.

Với các loại rau củ quả, nếu đã bị mềm nhũn thì chắc chắn các loại rau củ quả đó đã bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu rau củ quả bị mềm nhũn ở một vị trí nhất định, bạn có thể cắt bỏ phần mềm nhũn đó và sử dụng phần còn lại. Trong trường hợp phần mềm nhũn đã chiếm phần lớn diện tích rau củ quả thì tốt nhất bạn nên loại bỏ chúng. Nếu chúng ta ăn có thể khiến cho người dùng bị tiêu chảy, hoặc tệ hơn là ngộ độc thực phẩm.

Khi thực phẩm xuất hiện đốm trắng hoặc đen bất thường thì đây là dấu hiệu của nấm mốc phát triển. Chúng thường gặp trên bề mặt thực phẩm như bánh mì, các loại hạt và một số thực phẩm được hút ẩm. Nếu ăn chúng, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng dạ dày và đường tiêu hóa.

Chia sẻ