Stress vì con quá bám mẹ

Hải Minh,
Chia sẻ

Từ khi ốm dậy, tính tình Bốp thay đổi hẳn, lúc nào cũng: "Mẹ ơi mẹ", "Ôm con cơ". Mẹ đi một bước Bốp theo một bước, đi nửa bước theo nửa bước khiến mẹ không làm nổi việc gì.

Tubi vừa tròn 2 tuổi. Từ ngày người giúp việc xin nghỉ, Tubi bám mẹ kinh khủng, cứ luôn miệng hỏi: "Mẹ đâu, mẹ đâu?". Những lúc đi lớp thì không sao, cứ về đến nhà là chỉ có mẹ. Nhiều khi mẹ còn không đi vệ sinh được vì nếu không nhìn thấy mẹ là cu cậu khóc ầm lên. Bây giờ mỗi lần đi vệ sinh mẹ phải... mở cửa để Tubi ở ngoài nhìn thấy mẹ. Khi ăn cơm thì một tay mẹ xúc vội miếng cơm đưa vào miệng, một tay bế Tubi. Không thấy mẹ thì Tubi rất ngoan nhưng chỉ kịp thoáng có dáng mẹ đi qua là bé bỏ đồ chơi, lẽo đẽo khóc đòi theo.

Ông bà nội ngoại thì cứ đổ tại mẹ Tubi chiều con quá nên con mới mè nheo, “đeo bám” như thế. Còn mẹ Tubi thì chưa biết làm cách nào “thoát” khỏi con bây giờ chứ muốn nghỉ ngơi vài phút cũng không có. “Mệt với con lắm, mình chẳng làm được việc gì. Nghĩ mãi mà chưa tìm được cách để con bớt bám mẹ đi đây. Cứ thế này thì mình chết mất” – mẹ Tubi kêu ca.

Còn Bốp (26 tháng tuổi) sau một tuần được mẹ cho "đi bộ đội" về ốm lăn ốm lóc. Nghe cô giáo kể Bốp khóc suốt, có lẽ vì thế mà cu cậu bị khản giọng và sau đó bị sốt. Mẹ phải nghỉ làm để ở nhà trông Bốp và từ hôm đó cu cậu bám mẹ kinh khủng, ngoài mẹ ra không ai có thể chạm được vào người. Tính tình Bốp từ đó cũng thay đổi hẳn, lúc nào cũng: "Mẹ ôm con", "Mẹ ơi mẹ". "Mình nghe mà sốt hết cả ruột. Bình thường thì không sao, đằng này lại đang mang bầu bé thứ hai nên thấy con quấy thì mệt mỏi và stress vô cùng", mẹ Bốp than thở.

Tuy nhiên, có hôm bị con đeo bám, đi một bước cũng mẹ, nửa bước cũng mẹ khiến mẹ bực mình phạt Bốp úp mặt vào tường. Ấy vậy mà Bốp bâng quơ nhìn trần nhà, mắt ngân ngấn nước bâng quơ nói hai tiếng: "Yêu ba" làm mẹ lại thấy thương Bốp vô cùng.

Trẻ quá bám mẹ sẽ thiếu tự tin

Các chuyên gia tâm lý cho biết, thói quen bám mẹ ở các bé là quá trình phát triển tâm lý bình thường. Nhưng trong một số trường hợp, nếu bé bám lấy mẹ mọi lúc, mọi nơi thì hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển độc lập của bé. Bám mẹ trở nên thái quá sẽ khiến bé thiếu tự tin, khả năng hòa nhập yếu nên cũng không tốt cho bé. Sự dựa dẫm quá lớn vào mẹ sẽ cản trở sự tự tin của bé.

Vì vậy dù yêu thương con nhưng các mẹ chớ nên ở bên con 24/24 giờ mỗi ngày. Nếu các mẹ không đi làm mà chỉ ở nhà nội trợ thì cũng nên tập tách bé ra khỏi mẹ. Chẳng hạn, trong lúc bé vui chơi hoặc xem tivi ngoài phòng khách, bạn có thể lau chùi, dọn dẹp phòng bếp bên cạnh.

Mẹ cần sử dụng biện pháp cho bé “cai mẹ” bé từ từ, tránh đột ngột quá khiến cho bé hụt hẫng, thất vọng hay hoảng loạn.

Không nên sợ con khóc, lo con bị bạn bắt nạt mà “cách ly” bé với bạn chơi. Hãy để cho bé hòa đồng bằng cách đưa bé đến nơi có nhiều bé cùng tuổi khác.

Không nên giúp những việc bé có khả năng: Nếu bé muốn bạn bóc hộ chiếc kẹo, bật hộ tivi, bạn nên đề nghị bé tự làm sau khi đã hướng dẫn cho bé… Những lúc nhờ được người thân trông bé, bạn nên tranh thủ ra ngoài và hứa với bé, bạn sẽ quay về nhà ngay.

Khi đi làm trở lại, mẹ nên hạn chế việc liên tục gọi điện về nhà thăm hỏi bé. Bạn có thể giao ước với bé ngay từ đầu: “Mẹ đi làm đến chiều tối mới về. Con ở nhà ngoan nhé”. Bé sẽ quen dần với việc vắng bạn và thấy thoải mái dù không có mẹ ở bên.

Một số bé thời gian đầu “đi lớp” trở nên mè nheo, bám mẹ bởi vì sự thay đổi môi trường mới tạo áp lực lớn cho bé. Bạn nên đưa đón con để bé biết mẹ không bỏ rơi mình. Nói với bé lời yêu thương và hứa chiều đón bé về. Khi đưa bé đến trường bạn đừng quá bịn rịn với trẻ mà hãy giao bé cho cô, nói lời tạm biệt bé mẹ đi làm, bé sẽ không khóc nhiều bằng mẹ ở lại trường bên bé lâu hơn. Cô sẽ biết cách làm bé nín.
 
Tuy nhiên, nếu bé bám mẹ quá mức, quấy khóc hoặc hoảng loạn khi vui chơi, có thể bé đang gặp rắc rối về thần kinh. Khi đó, bé cần được cha mẹ đưa đi khám để có biện pháp can thiệp thích hợp.
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!


Chia sẻ