Sốt xuất huyết diễn biến bất thường và dễ nhầm với sốt phát ban

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Có rất nhiều trường hợp khi bị sốt xuất huyết nhưng lại bị nhầm thành sốt phát ban nên không điều trị kịp thời.

Hiện nay, sốt xuất huyết (SXH) diễn biến bất thường tại các địa phương trong cả nước. Trong đó cũng có rất nhiều trường hợp khi bị sốt xuất huyết nhưng lại nghĩ đến sốt phát ban nên việc điều trị bị cản trở. Đến khi bệnh không khỏi mới đi viện bệnh trở nên nguy kịch và sẽ khó khăn hơn trong viện điều trị.

8 tháng đầu năm cả nước 12 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết


Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, đến hết tháng 8, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 12 người tử vong do SXH. Bộ Y tế nhận định, dịch SXH đang có những diễn biến phức tạp.

Tại Hà Nội, đang có tình trạng gia tăng bệnh nhân SXH. Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 6/9, trên toàn địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 1.537 trường hợp mắc SXH, đứng thứ 6 trong toàn quốc, tăng hơn 3,5 lần so với con số 439 ca mắc của năm ngoái và hiện chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay SXH đã xảy ra tại 29/30 quận huyện của Hà Nội (trừ huyện Phúc Thọ). Trong đó Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông là những địa bàn mắc nhiều nhất. Tuy nhiên trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch lớn, nhiều nhất là 5-10 ca. Đáng chú ý, số ca mắc SXH tăng từ 359 ca trong tháng 7 lên 633 ca trong tháng 8.

TS. Hoàng Đức Hạnh nhận định, trong 4 tháng cuối năm, tình hình SXH trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Tuy nhiên cũng tại một số bệnh viên trên địa bàn Hà Nội  khi tiếp nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nhập viện điểm chung là nhiều bệnh nhân trước khi nhập viện tưởng nhầm mình mắc sốt phát ban, sốt vi rút chứ không nghĩ tới SXH.

sốt xuất huyết dễ nhầm sốt phát ban
Có nhiều trường hợp khi bị sốt xuất huyết nhưng lại bị nhầm thành sốt phát ban nên không điều trị kịp thời. Ảnh minh họa

Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban


Theo Bác sĩ Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa cho biết, đa phần người bệnh cho biết không nghĩ đến SXH ngay từ lúc đầu mà nhầm lẫn SXH với các bệnh lý tương tự như sốt mò, sốt phát ban, sốt vi rút, dẫn đến nhập viện muộn và trước đó đã điều trị không đúng. Không ít bệnh nhân SXH do lạm dụng thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol, uống không đúng liều lượng nên khi xét nghiệm phát hiện men gan tăng cao từ 5 -10 lần so với mức bình thường. 

Một nhầm lẫn thường gặp nữa là nhiều người bệnh nghĩ mình đã bị SXH rồi thì không bị lại nữa nên ở những lần sau họ ít khi nghĩ tới SXH. Theo bác sĩ Hà Huy Tình, SXH hiện nay có 4 tuýp gây bệnh khác nhau và một người có thể mắc SXH đến 4 lần.

Bác sĩ Tình cho biết, SXH với sốt phát ban, sốt vi rút, sốt mò bằng lâm sàng trong 2-3 ngày đầu tiên bởi các bệnh lý này có triệu chứng khá giống nhau. 
 
Kể cả khi đã xuất hiện ban (thông thường từ 1-3 ngày sau sốt), nếu không để ý cũng rất dễ nhầm lẫn SXH với sốt phát ban và sốt mò do các bệnh này cũng xuất hiện ban trên da. Tuy vậy, vẫn có những cách đơn giản để phân biệt SXH với các bệnh lý này ngay tại nhà. 

Sốt phát ban thông thường: Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da. Vì vậy chúng ta dùng tay căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ), nếu thấy chấm đỏ đó mất đi là sốt phát ban.

Sốt xuất huyết biểu hiện đầu tiên của bệnh là tình trạng sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Chúng ta dùng tay căng vùng da có chấm đỏ nếu vẫn thấy chấm li ti thì đó là sốt xuất huyết. Ngoài ra bị sốt xuất huyết người bệnh có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu… 

BS Hà Huy Tình khuyến cáo người lớn nếu mắc SXH phải nhập viện sớm trong 3 ngày đầu, nếu nhập viện muộn thì nguy cơ biến chứng rất lớn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Với trẻ em, nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2 ngày trở lên và có hiện tượng xuất huyết dưới da thì cha mẹ cần đưa trẻ vào bệnh viện theo dõi, tránh việc tự ý điều trị tại nhà hay lạm dụng truyền dịch để bù nước. 

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH:
 
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước…

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ