"Sóng dữ" vì facebook

Theo An Ninh Thủ Đô,
Chia sẻ

Khả năng kết nối của facebook khiến thế giới thu hẹp “trong lòng bàn tay” làm nhiều người có những cuộc “chạm trán” không mong muốn, trong đó có nhiều cuộc đối đầu mẹ chồng - nàng dâu.

Dâu hiền hóa “gái hư”

Bà Trần Thị Hoa (55 tuổi, quận Ba Đình) là giáo viên cấp 1 nghỉ hưu. Xưa nay, ngoài việc “gõ đầu trẻ”, bà luôn chân luôn tay với việc bếp núc, chăm sóc chồng con, nuôi con gà, con lợn để cải thiện. Rảnh rỗi thì bà làm bạn với cái ti vi chứ xưa nay chưa bao giờ sờ đến máy tính.

Nhưng gần đây, sau một lần đi họp lớp Đại học, bà được bạn bè cho biết thế nào là facebook. Lớp bà cũng lập một địa chỉ trên “phây”, đưa ảnh cũ, ảnh mới, thông tin bè bạn lên đó. Mọi người vào đó xem và bàn tán rất sôi nổi. Chỉ có bà là ngồi cười bẽn lẽn, chẳng hiểu mọi người nói chuyện gì.

Vì thế, về nhà bà bí mật nhờ cháu họ hướng dẫn cho cách vào face. Để gần gũi hơn với bạn bè, bà cũng dùng nick rất trẻ trung như biệt hiệu thời trẻ của mình “Mắt nai”. Sau một tuần lọ mọ, bà đã trở thành một “fây-xờ” rất nhiệt tình. Bà không chỉ cập nhật hàng ngày cuộc sống vui buồn của bè bạn từ thuở thiếu thời, mà rất nhiều những thứ “kỳ lạ”, bà chưa từng biết đến hiện ra trước mắt.

Bất chợt, một lần, vào địa chỉ face của một người bạn, bà Hoa thấy hiện trên dòng thời gian ảnh con dâu của bà hở hang, lả lơi hết cỡ. Cô con dâu mặc váy, ngồi xoạc chân trên bàn, miệng há hốc hát karaoke ở một quán mờ ảo. Ảnh khác lại thấy con dâu vòng tay qua cổ một gã đàn ông uống bia rất lả lơi. Ảnh khác lại thấy con dâu đang ôm dính một cậu con trai khác, váy hai dây, phơi nửa ngực…

Không những thế, dưới các bức ảnh, con dâu bà còn nhận được rất nhiều lời comment tâng bốc, khen tặng: người đẹp, bốc lửa, chân dài, ngon “rẫy”, muốn ôm hôn của nhiều chàng trai khác. Cô con dâu có vẻ cũng thích chí trước lời khen tặng của bè bạn, đưa đẩy, tán chuyện. Mọi người cũng nhắc nhiều đến “thiên tình sử” long trời lở đất đến mức “chết đi sống lại” trong thời sinh viên của cô con dâu.

Bà Hoa tức tốc họp gia đình, xoay màn hình cho cả nhà xem cảnh “lả lơi, ong bướm” của con dâu, với những lời lẽ gay gắt. Cô con dâu luống cuống, sợ hãi thanh minh rằng đó là ảnh đi họp lớp đại học, không biết ai đã đưa lên mạng. Con trai bà Hoa tím mặt, đứng giữa mọi người thẳng tay tát vợ. Gia đình cồn lên trước “sóng dữ” từ facebook.

Cần thận trọng khi đưa các bình luận cá nhân lên facebook (ảnh minh họa: internet).

“Tóm sống” con dâu nói xấu mẹ chồng

Hình ảnh cô con dâu hiền cũng một ngày sụp đổ khi bà Lê Thu Uyên (đường Đại Cồ Việt) bắt quả tang cô con dâu trong diễn đàn “nói xấu mẹ chồng” trên facebook. Bình thường, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu giữa bà và con dâu cũng không mặn mà, thân thiết lắm. Mẹ con đối đãi với nhau khách khí, lịch sự. Bà Uyên không quý mến, chằm bặp con dâu nhưng vẫn đánh giá con dâu là người hiền lành, chịu thương chịu khó, thương chồng, yêu con. Còn con dâu bà cũng tỏ vẻ tôn trọng ý kiến của mẹ chồng, ngày lễ tết đều không quên biếu quà bố mẹ.

Sau một thời gian làm bạn với facebook, bà Uyên đâm nghiện. Một ngày, bà lạc vào trang có nội dung “nói xấu” mẹ chồng để “học hỏi kinh nghiệm”. Bất ngờ, bà tìm thấy “chân dung” của mình do một nick lamconnguoidung (làm con người dưng) “vẽ” ra. Đọc một hồi, bà nhận định đích thị là con dâu mình.

Nick lamconnguoidung miêu tả về bà mẹ chồng của mình “vừa lùn vừa xấu còn tỏ ra đầu gấu”. Cô ta ghê sợ cái tật “nghiến răng kinh dị” hàng đêm của mẹ chồng, cười hả hê vì chuyện “mẹ chồng tiếc đồ ăn thừa nên bị Tào Tháo đuổi hút chết”. Cô cũng ghét mẹ chồng như “police” sợ con dâu ăn vụng nên thường xuyên giành quyền đi chợ, đến khi nấu bếp cũng quanh quẩn “canh” con dâu. Nào là đi chợ thì toàn tiếc tiền, mua đồ rẻ, ôi. Thích ăn cá biển nên cho cả nhà ăn hàng tháng trời khiến con dâu nhìn thấy mẹ chồng là “ngửi” thấy mùi cá tanh lòm… Cô ta còn chụp ảnh một đôi tay đang cầm con cá biển và chú thích “tự sướng với cá”.

Lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Ngẫm thấy mọi sự nói cười, cư xử của con dâu với mình trước kia, bà Uyên đều thấy giả dối, xấu xa. Bà Uyên đóng cửa với con dâu, giận luôn cả con trai và cháu. Khi biết chuyện, con trai bà Uyên cũng nổi giận lôi đình với vợ, đòi bỏ vợ vì không thể chấp nhận một người vợ dám bêu xấu mẹ chồng và gia đình “giữa chợ” như vậy.

Chơi “phây” cũng phải học

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, thế giới của facebook đầy rẫy những cạm bẫy. Đó không phải là trò giải trí vô thưởng vô phạt mà muốn “chơi” theo cách nào cũng được. Dù già hay trẻ đều cần phải học và chuẩn bị tâm lý khi đối mặt với trùng điệp những cạm bẫy từ “rừng” thông tin nhiều chiều đem lại.

Khi phơi bày những chuyện riêng tư, nỗi niềm sâu kín trên mạng, các “fây-xờ” rất dễ gặp những chuyện dở khóc dở cười như hai cô con dâu kể trên. Ngày xưa các cụ dặn “tai vách mạch rừng” là muốn mọi người nên thận trọng với lời nói và hành vi của mình, vì dù bí mật nói xấu ai đó trong phòng kín cũng vẫn có khả năng rò rỉ thông tin. Trong khi đó, Internet lại có khả năng biến thế giới thành “sân sau” của mỗi người. Điều đó đồng nghĩa với việc, càng đưa nhiều thông tin cá nhân lên mạng, “thế giới” cũng sẽ “nhòm” vào nhà và cả vào suy nghĩ thầm kín của mỗi người. Sẽ không còn gì là “bí mật”.

Ông Chất cho biết, không ít cô gái trẻ muốn làm “hotgirl”, muốn câu “like” nên đưa rất nhiều hình ảnh ngả ngốn, khêu gợi của mình lên face. Đến khi muốn “rửa tay gác kiếm” về làm “gái ngoan” để cưới chồng nhưng không thể nào xóa nổi những bức ảnh hở hang của mình đã được link khắp nơi trên mạng. Lại có phụ nữ đang sống yên ấm với chồng, bỗng nhận được nhiều cú điện thoại, nhắn tin gạ tình. Hóa ra, ai đó đã đưa tên, ảnh, địa chỉ, điện thoại của cô lên một trang “gái gọi”. Gia đình cô cũng một phen sóng gió vì chồng luôn nghi ngờ “không có lửa sao có khói”.



Từ khi lấy chồng, Thảo không biết rằng mẹ chồng cũng là vị khách thường xuyên ghé thăm Facebook của mình.

Chia sẻ