Sợ mắc bệnh càng dễ bị bệnh

,
Chia sẻ

"Sự lo lắng, sợ hãi kích hoạt hệ thống dưới đồi tuyến yên, làm tăng huyết áp, dịch dạ dày... gây ra bệnh tim mạch, tiêu hóa... Vì vậy, những người sợ mắc bệnh càng có nguy cơ bị bệnh".

Suy nghĩ mỗi người mỗi khác, cùng một chuyện xảy ra, có người rất lạc quan nhưng cũng có người lại bi quan. Riêng về bệnh tật, thì phần lớn là bi quan. Tự mình "hù” mình là căn bệnh khá phổ biến.

Nhìn đâu cũng bệnh

Hễ con vừa sụt sịt là ông Tài liền đưa bé đi bác sĩ (BS). Nghĩ mình có chút kiến thức y khoa nên hễ BS nói ra là ông cãi ngay. Có lần bé Thanh – con ông, bị chảy máu cam, sau khi soi mũi xong, BS nói chỉ bị vỡ mạch máu, không sao cả. Lẽ ra phải mừng vì con không bị bệnh nhưng ông lại nói: "BS nói thế nào, chắc có chuyện gì không ổn trong mũi nó đây, BS khám lại xem". Sau nhiều lần khám đi khám lại BS nhỏ nhẹ nói: "Tôi nghĩ có lẽ người bệnh là... bác!". Ông giận tím mặt, lầm bầm dắt con về.

Chị Thanh Nhàn, 51 tuổi, cơ thể đang chịu đựng nhiều thay đổi do quá trình mãn kinh gây ra. Có điều tình hình của chị trầm trọng hơn người khác vì chị nhìn đâu cũng thấy bệnh. Đi khám nhũ, thấy khối u, BS khuyên chị nên đi khám chuyên khoa tuyến vú vì có sự thay đổi sợi bọc. Chưa đi khám, chị đã "lu loa" với gia đình là mình có u, sắp "tiêu" rồi. Thế là chị chuẩn bị mọi thứ trước khi... vĩnh viễn ra đi.

Ngay cả chị Liễu - vợ BS, cũng không thoát cảnh nhìn đâu cũng thấy bệnh. Chị thấy con bị sốt nên nói chồng điều trị cho con. Anh cũng khám, nghe tim phổi đầy đủ rồi bảo vợ "lau mát cho con là khỏi - không sao đâu". Chị nghe lời chồng nhưng đến nửa đêm, lại kêu anh dậy đưa con đi bệnh viện vì "một ngày anh đối diện với cả trăm bệnh nhân nên đâm ra xem thường triệu chứng bệnh". Chiều vợ, anh chở con tới bệnh viện. Tại đây,  bé cũng chỉ được nằm phòng lưu để... lau mát, hạ nhiệt.

Theo ước tính của các chuyên gia, 1/3 đời người ngồi ở cơ quan làm việc. Không ai muốn mình đi làm ngày hai buổi trong từng ấy năm mà chỉ có chức vụ "binh nhất, binh nhì”. Vì vậy, virus mang tên "mình sẽ là..." tạo ra tâm bệnh nơi công sở. Chị Thanh Lan làm mọi cách để giành cho được chức phó giám đốc công ty. Thế nhưng, do không đủ tài nên khi ngồi vào ghế, công việc trở thành "núi cao, sông sâu". Càng lo, càng sợ, chị lâm vào cảnh mất ngủ triền miên, ăn gì cũng không ngon miệng...

Giải độc tâm hồn

Nhìn đâu cũng thấy bệnh là tâm lý khá phổ biến, nhất là khi người ta có chút kiến thức y khoa. Điều cần nói rõ ở đây là dù BS có mài đũng quần sáu năm nơi ghế nhà trường, thêm khoảng hai năm nội trú, vẫn có thể chẩn đoán bệnh không chính xác. Vì thế, để xác định mình có bệnh thật hay không, cần thăm khám đến nơi đến chốn. Chớ nên lo lắng thái quá rồi bệnh tưởng thành bệnh thật. Như trường hợp chị Thanh Nhàn, sau khi đi chụp nhũ ảnh, sinh thiết, kết quả u lành. Thế là dẹp hết chuyện "hậu sự" đã được  chị chuẩn bị.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần nói thêm, không ít người lại quá lạc quan, BS yêu cầu đi khám chuyên khoa lại nghĩ rằng mình không có bệnh, để đến khi chúng  tập hợp đủ "quân số" thì đã muộn. Riêng tâm bệnh của chị Liễu lại do chồng. Châu Âu thống kê có 36% bệnh là do ngành y tế tạo ra (tác dụng phụ của thuốc, thiếu tư vấn rõ ràng...). Anh là BS, mà phần lớn BS thì có "bệnh" kiệm lời, hoặc giải thích cho bệnh nhân theo kiểu xin – cho, vì thế gia đình BS nửa đêm chạy vào bệnh viện là điều tất yếu.

Trong buổi trò chuyện về "giải độc tố cơ thể", BS Nguyễn Thị Kim Hưng – cố vấn Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM nhận định: "90% bệnh là từ tâm đến thân. Sự lo lắng, sợ hãi kích hoạt hệ thống dưới đồi tuyến yên, làm tăng huyết áp, dịch dạ dày... gây ra bệnh tim mạch, tiêu hóa... Vì vậy, những người càng sợ mắc bệnh lại có nguy cơ bị bệnh". Tốt nhất, không nên để đầu chúng ta là nơi sản xuất "rác". Rác ở đây là những suy nghĩ tiêu cực (ghen tuông, ích kỷ, sợ hãi, lo lắng, tham lam...). Trường hợp chị Thanh Lan, chỉ cần ngưng áp lực là sẽ khỏe lại như xưa – vấn đề còn lại là chị có đủ bản lĩnh thay đổi trước khi bị bệnh thật sự hay không.

Theo Phương Nam
Phụ nữ Online

Chia sẻ