Sơ cứu khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tại nhà – Những bước cần thiết để tránh biến chứng đáng sợ

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Bạn hoàn toàn có thể sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm tại nhà theo từng bước hướng dẫn của chuyên gia ngay trong bài viết này.

Ngộ độc thực phẩm – Vấn nạn thường thấy trong tình trạng ô nhiễm thực phẩm hiện nay

Ăn là nhu cầu cấp bách, bức thiết, không giải quyết không được của mỗi con người diễn ra hàng ngày. Ăn không chỉ chống lại cảm giác đói, niềm thích thú mà còn gắn liền với sự phát triển. Một đời người trung bình ăn 12,5 tấn gạo, ngũ cốc, 30 tấn thực phẩm gồm rau, củ, quả, đậu, lạc, thịt, cá, trứng, đường, sữa, 65 tấn nước với những chất dinh dưỡng cần thiết nhất.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ăn uống là việc bạn cần phải vô cùng cẩn trọng. Môi trường ngày càng ô nhiễm, hóa chất sử dụng khắp mọi nơi… khiến việc tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm nào cũng cần cảnh giác vì tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn khắp nơi.

Sơ cứu khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tại nhà – Những bước cần thiết để tránh biến chứng đáng sợ - Ảnh 1.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ăn uống là việc bạn cần phải vô cùng cẩn trọng.

Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), thực phẩm bẩn hay còn gọi là ô nhiễm thực phẩm nhằm chỉ tình trạng xuất hiện bất cứ một chất lạ nào (chất ô nhiễm) trong thực phẩm. Các chất ô nhiễm có đặc điểm: Không có mục đích công nghệ và không chủ động cho vào thực phẩm, có thể xuất hiện không do chủ định trong thực phẩm và một cách tự nhiên (tình cờ) trong thực phẩm.

"Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm bao gồm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, động vật hoặc thực vật để ăn có chất độc sẵn bên trong, tiêu thụ phụ gia thực phẩm, thực phẩm chứa thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, kháng sinh, hormone, thức ăn hư hỏng, biến chất…", PGS.TS Trần Đáng cho biết.

Người bị ngộ độc thực phẩm nếu không được sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể bị mất rất nhiều nước cũng như lượng muối và khoáng chất thiết yếu. Nhất là trẻ sơ sinh và người già có hệ miễn dịch yếu kém hoặc ở người mắc bệnh mạn tính, tình trạng mất nước sẽ trở nên nặng nề hơn, thậm chí sẽ gây tử vong. Về lâu dài, ngộ độc thực phẩm không được sơ cứu đúng cách sẽ tích tụ chất độc bên trong cơ thể, là nguyên nhân gây nên những căn bệnh đáng sợ như ung thư.

Sơ cứu khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tại nhà – Những bước cần thiết để tránh biến chứng đáng sợ - Ảnh 2.

Người bị ngộ độc thực phẩm nếu không được sơ cứu đúng cách, kịp thời có thể bị mất rất nhiều nước cũng như lượng muối và khoáng chất thiết yếu.

Do đó, sơ cứu đúng cách khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những rủi ro đáng sợ trên. Một số dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm là sau khi ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm độc đột ngột có triệu chứng buồn nôn và nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, có thể không sốt nhưng cũng có thể sốt cao trên 38 độ C. Triệu chứng thường nặng hơn ở nhóm người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Lưu ý là bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn vài phút, 1h nhưng cũng có khi đến hết 1 ngày mới bị.

Sơ cứu ngộ độc thực phẩm đúng cách, tránh nguy cơ mất nước và biến chứng nguy hiểm

Với người lớn

Theo PGS.TS Trần Đáng, để sơ cứu ngộ độc thực phẩm ở người lớn, cần thực hiện theo những bước sau:

- Dùng 2 ngón tay của mình để ngoáy họng, có thể dùng thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi để gây phản xạ nôn.

- Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.

Sơ cứu khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tại nhà – Những bước cần thiết để tránh biến chứng đáng sợ - Ảnh 3.

Dùng 2 ngón tay của mình để ngoáy họng, có thể dùng thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi để gây phản xạ nôn.

- Khi người bệnh đã nôn được, để cho người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa một gói orezol với nước hoặc pha nước muối đường cho người bệnh uống để bù và chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh giúp hạn chế tác hại mà độc tố mang lại.

- Có thể cho người bệnh ăn một chút thức ăn mềm, dễ tiêu, không cho uống sữa.

- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt.

Với trẻ nhỏ

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), để sơ cứu ngộ độc thực phẩm ở trẻ, bố mẹ cần làm theo những bước sau:

Sơ cứu khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm tại nhà – Những bước cần thiết để tránh biến chứng đáng sợ - Ảnh 4.

Bổ sung oresol cho trẻ để bổ sung chất điện giải vì ngộ độc thực phẩm khiến trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải.

- Thấy trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa.

- Chú ý khi trẻ nôn, nhất là nôn khi đang ngủ có thể bị sặc lên mũi, bạn cần nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị khó thở, có thể dẫn đến tử vong.

- Bổ sung oresol cho trẻ để bổ sung chất điện giải vì ngộ độc thực phẩm khiến trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải. Chú ý pha oresol cho trẻ đúng theo hướng dẫn, uống từ từ, từng chút một, không uống quá nhiều cùng lúc. Không được thỏa hiệp với trẻ, cho trẻ uống các loại nước khác như nước ngọt, nước có gas, kể cả nước lọc vì không có tác dụng bù chất điện giải.

- Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.

Chia sẻ