Sinh viên xin giảng lại bài vì trời mưa không nghe rõ, giảng viên ở TP.HCM có phản ứng gây sốc, nghe 4 từ sau đó càng không thể tin nổi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Những ngôn từ cũng như cách ứng xử được cho là phản sư phạm của giảng viên này đang nhận về cơn bão chỉ trích.

Một video dài hơn 4 phút được đăng tải trên các hội nhóm dành cho sinh viên mới đây đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng về hành động của giảng viên (được cho là thuộc một trường đại học ở TP.HCM). 

Theo đó, khi một sinh viên nhờ nhắc lại lời giảng do trời mưa to quá không nghe rõ, thầy giáo đã đuổi luôn em này ra khỏi lớp với lý do "mưa to quá ngồi học làm gì, đi ngủ đi ha". Giảng viên này sau đó nói thêm: "Mưa to hay không anh phải tự canh lấy cái tai phone để vô, chứ mắc mớ gì cái chuyện mưa to tôi phải giảng anh nhiều lần", đồng thời dùng những ngôn từ nặng nề như "bóp cổ anh chết" khi nói về hành động đuổi sinh viên ra khỏi lớp học.

Hành động sau đó của thầy giáo với những sinh viên trong lớp càng gây sốc không kém. Cụ thể, người này yêu cầu tất cả sinh viên mở webcam lên, "ngồi rõ cái mặt mình trong khung hình""mỗi người mở mic của mình, nói lên, khẳng định với tôi, tôi tên Nguyễn Văn A gì đó, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường". Khi các sinh viên ngập ngừng, giảng viên này gọi tên từng sinh viên theo thứ tự bảng chữ cái và yêu cầu đọc to rõ yêu cầu trước đó.

Sinh viên xin giảng lại bài vì trời mưa không nghe rõ, giảng viên ở TP.HCM có phản ứng gây sốc, nghe 4 từ sau đó càng không thể tin nổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thậm chí, một sinh viên đã phát biểu: "Em tên..., có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường" nhưng vẫn bị giảng viên bắt buộc chỉ rõ chi tiết từng bộ phận giác quan. Người này cũng lặp lại cụm từ "bóp cổ anh chết" khi nhắc đến sinh viên bị cho out ra khỏi lớp học.

Đoạn video sau khi được chia sẻ đã nhận về cơn bão chỉ trích. Hầu hết cư dân mạng cho rằng, việc học online gặp trục trặc là điều có thể hiểu được, và sinh viên này cũng rất lễ phép xin thầy giảng lại chứ không tỏ thái độ thiếu tôn trọng gì cả. Thay vì có hành động phản sư phạm như vậy, thầy có thể nhắc em sinh viên tập trung hơn và có gì liên hệ thầy sau giờ học để khỏi ảnh hưởng thời gian của các bạn khác. 

- Tui đi học thầy nhắc đi nhắc lại, có gì không hiểu các em hỏi nha. Hết giờ học mà muốn hỏi gì thì nhắn tin cho tôi, tôi trả lời. "Thầy" này ngộ ghê.

- Như thế này thì đừng hỏi tại sao học sinh/sinh viên Việt Nam lại ngại/sợ hỏi bài giáo viên, giảng viên đến thế! Từ mẫu giáo cho đến cao học.

- Tính ra trường mình còn tốt chán, trời mưa xin giảng lại giáo viên cũng sẵn sàng không nói gì luôn. Học online đã mệt lại còn ức chế vậy nữa. 

- Sao mình đi học gặp giảng viên nào cũng dễ thương, giảng đi giảng lại khi nào sinh viên hiểu thì thôi á. Thầy của mình lúc nào cũng nói, sinh viên là người trả lương cho mình nên mình phải có trách nhiệm truyền đạt kiến thức tốt nhất. Mỗi lần tới tiết học là mail mời vào lớp, ngày lễ cũng không quên mail chúc sinh viên. Lần nào nhận mail của giảng viên trường cũng rụng tim vì ai cũng nhiệt tình, hết lòng vì sinh viên cả.

Sinh viên xin giảng lại bài vì trời mưa không nghe rõ, giảng viên ở TP.HCM có phản ứng gây sốc, nghe 4 từ sau đó càng không thể tin nổi - Ảnh 2.

Trong quá trình dạy online, việc tương tác hai chiều với người học là vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa)

Trong những ngày nghỉ dịch dài, việc học online đã trở thành phương án thay thế tốt nhất để đảm bảo an toàn nhưng vẫn không bị hụt kiến thức. Thế nhưng ngoài tính tiện lợi, một số khác vẫn thấy bất tiện vì wifi quá yếu, điều kiện máy móc, thiết bị hay không gian học không thuận tiện. Chưa kể chất lượng dạy học của giảng viên khi online không bằng học thực tế, sự phản biện của sinh viên khó khăn hơn, nhiều giáo viên chưa thu hút được học sinh vì bài giảng còn dài, thiếu cảm xúc trong diễn đạt, không tương tác hai chiều với người học…

Việc học trực tuyến có tích cực, hiệu quả hay không, bên cạnh việc giảng viên có phương pháp giảng dạy thích hợp thì việc sinh viên tập trung, chịu khó tương tác cũng vô cùng cần thiết. Vì vậy, thay vì gây khó khăn, nghiêm khắc quá mức cần thiết, người dạy cũng cần có sự kiên trì, cảm thông để việc học online đỡ căng thẳng nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất. 

Chia sẻ