Sếp cũ bẩn tính

theo 24h/ Tri thức thời đại,
Chia sẻ

Rời cơ quan cũ, nhiều người khốn khổ, ‘lên bờ xuống ruộng" vì bị ‘cựu sếp’ lợi dụng quan hệ của mình để ‘bao vây’, khiến họ bị thất sủng ở cơ quan mới.

Cay cú ‘truy sát’ nhân viên cũ

Hồi rủ Kính về đầu quân cho công ty truyền thông -  tổ chức sự kiện mới mở của mình, anh Minh bảo Kính: “Chú có chuyên môn, anh có vốn. Anh em mình mà hợp tác thì chỉ có ngon trở lên. Chẳng mấy mà chú mua được nhà cho vợ”. Thế là hai anh em “bắt tay”. Từ ngày nhận chức phó giám đốc công ty, Kính lăn ra làm, từ đào tạo nhân viên đến tìm kiếm các hợp đồng, dự án… Công ty mới, các mối chưa nhiều, nhân viên chưa thạo việc, nên tiếng là phó giám đốc nhưng Kính phải để mắt hoặc tham gia cả những việc nhỏ nhất. Đợt nào có sự kiện thì có khi anh làm việc đến 1 – 2 giờ sáng.

Mặc dù làm việc vất vả nhưng đồng lương Kính nhận được không cao. Tuy nhiên, anh cũng hài lòng với cách giải thích của Minh rằng bây giờ đang giai đoạn khởi đầu, chính anh là giám đốc còn chẳng nhận đồng lương nào; lúc công ty đã kinh doanh hiệu quả thì chú sẽ được chia lợi nhuận chứ đâu như người làm công bình thường.

Mấy năm sau, khi công ty đã chạy ngon, hợp đồng ngày càng nhiều, tiền vào rất khá, Kính được tăng lương, so với trước thì con số chênh lệch là đáng kể, nhưng nếu so với vị trí và đóng góp của anh thì lại rất hẻo. Với vị trí đó, đóng góp đó, những công ty có quy mô và mức độ thành công tương tự trả lương cao gấp đôi.

“Chuyện chia lợi nhuận tôi không ảo tưởng, vì chỉ là nói miệng, nhưng tôi từng nghĩ anh ấy sẽ không để mình thiệt, vì rõ ràng chính tôi tạo ra sự thịnh vượng cho công ty. Chờ mãi, tôi chủ động đề nghị tăng lương, anh Minh ậm ừ nói sẽ xét, rồi nói lương chú so với mặt bằng là cao rồi. Tôi cũng có quan hệ với bạn bè đồng nghiệp, mặt bằng cao thấp thế nào, làm gì tôi không biết”, Kính chia sẻ về lý do nhảy việc.

Đợi mãi mới được tăng thêm 1 triệu đồng, Kính nản, cảm thấy công sức của mình không được ghi nhận và đền đáp xứng đáng nên quyết định nhảy việc. Sếp tỏ ra rất sốc trước quyết định đó, bảo Kính nghĩ lại và hứa từ tháng tới sẽ tăng lương gấp đôi so với trước đây. Nhưng đã muộn, vì Kính đã nhận lời với công ty khác.  Đi được hai hôm, Kính đã được “lính” cũ cho biết sếp Minh nói trước mặt mọi người rằng anh là kẻ tráo trở, phản bội, không có tình người… nên rất buồn bực.

Chuyện đó chưa nguôi thì Kính lại đau đầu vì thái độ của sếp mới dường như quay ngoắt 180 độ. Trước đó, sếp vui mừng, hồ hởi vì có Kính về đầu quân, tin tưởng giao trọng trách cho anh thì bây giờ, sếp lại tỏ ra nghi ngờ, xét nét, đặt thêm các “chướng ngại vật” để hạn chế quyền của anh, khiến anh không được thải mái ‘thi thố”. Rồi khi công việc có chỗ trục trặc, sếp có vẻ “đì” anh ra mặt.

Có người mách nhỏ, Kính mới biết sếp cũ đã nhờ người “rỉ tai” sếp mới rằng: Hồi ở công ty của Minh, anh đã nhiều lần gian lận bỏ túi riêng, nhưng Minh vì tình anh em vẫn bỏ qua, rằng Kính bị lật tẩy nhiều lần thì cay cú, vừa “ăn bẩn” vừa phá hoại công ty, khiến Minh đành chấm dứt hợp tác, nhưng để bảo toàn danh dự cho Kính, Minh không đuổi mà yêu cầu Kính tự xin nghỉ.

Biết kết quả đòn tấn công của mình đối với Kính, Minh cười đắc ý chia sẻ với một “đệ tử” rằng: “Thằng Kính giờ chỉ cần có một phốt nữa là bị giáng chức. Nó mà không chịu nổi, phải đi chỗ khác thì anh lại có cách giết nó. Nó không làm cho anh thì anh sẽ khiến cho nó không làm được ở đâu hết”.

Sếp cũ bẩn tính 1
"Nó không làm cho anh thì anh sẽ khiến cho nó không làm được ở đâu hết” (Ảnh minh họa)

Sếp đã ra tay thì chỉ có ốm đòn

Cay cú khi một nhân viên có năng lực bỏ việc chuyển sang chỗ khác là tâm lý của không ít vị sếp. “

Nhiều sếp thẳng tay đuổi nhân viên khi họ không đáp ứng được nhu cầu của mình thì không thấy sao, nhưng nếu nhân viên bỏ việc vì công ty không đáp ứng được nhu cầu của họ thì lại thấy giận dữ, cay cú, thậm chí thù ghét. Họ không bao giờ chịu coi quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ cung cầu bình đẳng mà dường như coi đó là quan hệ chủ tớ, nếu bỏ đi là phản bội, cho dù anh có đãi ngộ người ta bạc bẽo, trả công người ta không hề xứng đáng”, anh Trung, 26 tuổi, nói bằng giọng bức xúc.

Trung bức xúc vì anh cũng là nạn nhân thói thù dai của chị sếp cũ ở công ty làm biển quảng cáo. Chị vốn là đồng hương với Trung, ở quê, hai nhà chỉ cách nhau chừng mấy trăm mét. Khi Trung tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa và chưa tìm được việc làm, Dung, chị đồng hương đó, đã kéo anh về làm cho công ty chị.

“Chỉ mới về được ít lâu, tôi đã thành thiết kế chính ở đó, không phải vì tôi quá giỏi, mà vì không hiểu sao các anh cũ cứ lần lượt bỏ hết. Làm thêm ít lâu nữa thì tôi hiểu tại sao, vì chị bóc lột người ta quá, quản lý nghiệt ngã quá”, Trung tâm sự. Nhân viên bỏ việc 3 thì chị Dung chỉ tuyển thêm 1, dù chị nhận hợp đồng rất nhiều. Thế là số nhân viên ít ỏi phải lăn ra làm từ sáng đến khuya để kịp trả hàng, trong khi sếp vừa thúc giục vừa quát mắng, chê bai.

“Nhiều lúc đã 9 giờ tối, bọn em đói quá phải đi kiếm cái gì ăn đã, thế mà chị cũng mắng, kêu là vô trách nhiệm”, Trung kể. “Làm nhiều vậy mà chị không chịu trả lương theo sản phẩm, trong khi lương thỏa thuận của  em rất thấp. Chị nói em mới ra trường, thiếu kinh nghiệm nên chỉ trả vậy thôi. Em tìm hiểu mới biết, chị toàn tuyển nhân viên mới ra trường để trả lương bèo và dễ bắt nạt, người ta làm mấy năm chị cũng chỉ tăng cho vài trăm nghìn, nên họ mới bỏ đi. Thế nhưng hễ có người bỏ đi là chị nói họ không ra gì”.

Trung cũng thành người ra đi sau vụ bị ốm đến mức không làm cố được, phải nghỉ mất 6 ngày. Chị Dung bảo tháng có 4 tuần thì em nghỉ 1 rồi, trừ  1/4 tháng lương. Uất vì những lúc phải làm cả chủ nhật, làm đêm hôm cho kịp thì chẳng được tính thêm công, trong khi nghỉ thì trừ thẳng cánh vào đồng lương vốn đã quá hẻo, Trung xin thôi việc luôn, chấp nhận mất 2 triệu đồng tiền “ký quỹ” mà chị Dung giữ lại của tất cả nhân viên khi vào làm.

Sau đó, Trung đi xin việc ở mấy nơi có đăng tin tuyển dụng nhưng đều bị từ chối. Chính chị Dung nói thẳng cho anh biết, chị đã gọi cho các sếp những nơi đăng tuyển kia để cảnh báo họ về anh.

 “Chị ấy và chủ các công ty kia là dân trong nghề nên ít nhiều đều biết nhau. Chị ấy đã chủ động ra tay trước thì tôi không đỡ được. Chị bảo với họ tôi là loại phản chủ, ăn cháo đái bát, cái lúc tôi một gram kinh nghiệm không có, thất nghiệp đói dài, chị đã nhặt tôi về, giúp tôi có cơm ăn, đào tạo tôi được như hôm nay, thế mà tôi không lo làm, chỉ suốt ngày đòi hỏi, yêu sách, rồi xúi giục các nhân viên khác chống đối, gây hại cho công ty”.

Các vị sếp kia chẳng biết thực hay hư, nhưng nghe thế cũng sợ, gạt Trung ra luôn cho nó lành. Vì thế, Trung long đong mãi không tìm được việc, cho đến khi có một đàn anh khác tình cờ uống bia với cậu trong một bữa sinh nhật, thấy quý và hợp tính nên nhận về làm. Năng lực và đạo đức thể hiện trong thời gian ở đây dần dần mới giúp tiếng oan của Trung được gỡ bỏ. Anh được trọng dụng và có mức lương cao.

Trung cho biết, chị Dung vì là hàng xóm ở quê nên vẫn cập nhật được tình hình cậu “lính” cũ, biết được thành công của anh thì càng ghét tợn, nhất là khi công ty của chị ngày càng làm ăn bết bát bởi với phương châm “chặt chém khách hàng, bóp nặn nhân viên”, cả khách hàng lẫn nhân viên đều liên tiếp bỏ đi.

Giám đốc Minh, ông sếp của Kính trong câu chuyện phía trên, cũng đang đứng trước nguy cơ giải tán công ty, một phần vì kinh tế suy thoái, lượng khách hàng trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện giảm hẳn, nhưng phần lớn vì không có người “biết việc” như Kính – người hiện đã khẳng định được vị trí và uy tín ở chỗ làm mới dù trải nhiều gian nan - đứng ra lo mọi chuyện.

Kính nói: “Người giỏi không thiếu, nhưng có đến rồi cũng đi chứ không làm việc được với anh ấy. Nói chung ở anh Minh thiếu cái khí độ của một người làm sếp, đó là khoáng đạt, quang minh chính đại. Sếp mà cứ thù vặt, rồi lo nghĩ mưu hèn kể bẩn để trả đũa nhân viên vì những chuyện nhỏ như vậy thì khó mà thành công trong những việc lớn được”.

Chia sẻ