Sẽ kết hôn nếu không phải… nấu ăn

Phương Lê,
Chia sẻ

Khi nhận được lời cầu hôn từ Dũng - anh bạn đồng nghiệp đẹp trai, Hương đã đồng ý, kèm theo một điều kiện là sau này cô… không phải nấu ăn.

Đồng ý theo chàng về dinh với điều kiện… không phải nấu ăn

Là con một, lại được bố mẹ cưng chiều, từ nhỏ đến lớn Hương chỉ biết chú tâm vào học hành, việc nhà không mảy may đụng đến. Thỉnh thoảng, cô giúp mẹ một số công việc lặt vặt như quét nhà, gấp quần áo, lau bát đũa dọn cơm,… còn việc nấu ăn thì tuyệt nhiên cô nàng không động tay động chân. Tính Hương vốn không ưa thích công đoạn phức tạp, rắc rối của việc chiên xào nấu nướng. Mẹ lại muốn con gái tập trung học hành nên ra sức quán xuyến hết việc nhà.
 
Cánh mày râu phải vào bếp học nấu ăn khi bạn gái chỉ đồng ý cưới khi
 không phải nấu ăn (Ảnh minh họa).

Tốt ngiệp Đại học với tấm bằng ưu, cô xin được việc làm trong một công ty nước ngoài có tên tuổi. Khi nhận được lời cầu hôn từ Dũng- anh bạn đồng nghiệp đẹp trai, Hương đã đồng ý, kèm theo một điều kiện là sau này cô… không phải nấu ăn.

Giỏi việc nước, bỏ bê việc nhà

Khi được đề bạt lên làm trưởng phòng của một công ty kinh doanh khá có tiếng thì thời gian dành cho gia đình của chị Thu không còn nhiều như trước. Bữa cơm tối vốn là thời gian để cả nhà cùng quây quần bên nhau, là khoảng thời gian nho nhỏ vui chơi cùng các con của Thu được thay bằng lịch chiêu đãi tiệc với các đối tác. Chuyện nhà Thu phó mặc hoàn toàn cho chị giúp việc.

Việc công ty căng thẳng và nhiều áp lực khiến cho Thu về đến nhà dù đúng bữa cũng chẳng còn sức lực và tâm trí nào để dùng bữa, chia sẻ, vui chơi cùng chồng con.
 
Nhiều khi thời gian nấu nướng chính là khoảng thời gian để cha mẹ, con cái
vui chơi cùng nhau (Ảnh minh họa).
 
Cuộc sống cứ thế diễn ra. Rồi chồng chị cũng thường xuyên vắng nhà. Hai đứa con cũng thưa thớt xuất hiện bên bàn ăn với lý do “tụi con ăn quán rồi đi học thêm luôn cho tiện, về nhà cũng chỉ có hai đứa ngồi ăn như ngoài quán thôi”.

Hay như câu chuyện của Mai Lan- phóng viên, TP. HCM vốn là cô gái sinh ra ở miền Tây Nam Bộ lấy chồng là người gốc Bắc. Bố mẹ chồng Lan cầu kỳ trong chuyện bếp núc bao nhiêu thì Lan xuề xòa, đoảng bấy nhiêu. Bởi vậy giữa cô và bố mẹ chồng gần như ở hai thái cực mỗi khi Lan vào bếp nấu nướng.

Có phần chán nản vì bị phê bình nhiều và cũng do đặc thù nghề nghiệp nên dần dà, Lan dù không bận gì cũng hay lấy cớ để đi ăn uống ở bên ngoài với bạn bè để khỏi phải về nhà đối mặt với chuyện cơm nước lắm rắc rối.

Không lo được cơm phải tìm phở

Tập trung cho công việc mà xao nhãng chuyện bếp núc là hiện tượng khá phổ biến của phụ nữ hiện nay. Một số gia đình đã có người giúp việc, chị em không mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng. Chính điều này cũng đã là một nhân tố làm cho ngọn lửa gia đình đang dần nguội lạnh đi. Đó là chưa nói tới việc phụ nữ còn ít dùng cơm tối ở nhà, không khí gia đình khi đó sẽ khó mà duy trì cho tốt đẹp được. Chuyện các ông chồng ở nhà không có cơm, phải ra ngoài để tìm phở để thay thế là chuyện không thể tránh khỏi.
 
Công việc nội trợ luôn là cầu nối để thắt chặt tình cảm gia đình (Ảnh minh họa)

Nhiều lúc tới nhà bạn, nhìn vợ chồng bạn cùng nhau tay dao tay thớt chuẩn bị bữa cơm tối, vừa làm bếp vừa nói cười vui vẻ mà Dũng không khỏi chạnh lòng. Tính tình của Hương lại nhõng nhẽo, tiểu thư, càng ngày Dũng càng không thể chịu nổi sự thiếu đảm đang đến mức quá đáng của Hương. Còn Thu thì giữa lúc công việc đang tiến triển tốt, cô nhận được tin hai đứa con vốn ngoan ngoãn của mình bỏ bê việc học, la cà khắp các quán bar, vũ trường trong thành phố. Áp lực của mẹ cộng với việc về nhà trễ thường xuyên của vợ đã khiến cho chồng của Lan hết sức mệt mỏi, căng thẳng. Sau giờ làm, chồng Lan thích lang thang khắp nơi hơn là về nhà. Cuộc hôn nhân của họ đang đứng trước bờ vực thẳm…

Có thể nói, những bữa cơm gia đình đầm ấm chính là điều giữ chân người đàn ông bền chặt nhất. Tâm lý của đàn ông nói chung, sau một ngày làm việc mệt mỏi, ai cũng muốn được trở về nhà để nghỉ ngơi, quây quần bên mâm cơm nóng do vợ chính tay nấu. Công việc xã hội là rất quan trọng, nhưng phụ nữ cần phải biết cân đối, thu xếp mọi chuyện cho thật khéo léo.

Đôi khi, hi sinh một chút đam mê, cá tính trong công việc cũng là điều cần thiết. Hạnh phúc gia đình là điều thiêng liêng cần phải giữ gìn và vun đắp. Chỉ khi lo lắng chu toàn cho hạnh phúc gia đình, thì công việc mới có thể suôn sẻ, thăng hoa được.

Giữ cho bếp nhà luôn đỏ lửa, chuyện tưởng đơn giản nhưng đã  trở thành vấn đề không của riêng ai.

Chia sẻ