Sau khi em dâu ngã bệnh nặng, cả nhà tôi lao đao chỉ vì một tờ giấy cô ấy chìa ra

M.B,
Chia sẻ

Sự việc đã đau lòng nay lại càng chồng chất thêm nhiều biến cố...

Đến khi trong nhà có người mắc bệnh hiểm nghèo thì tôi mới thực sự nhận ra giá trị của sức khoẻ. Quả thực sức khoẻ bây giờ cực quan trọng, quý hơn tất thảy tiền bạc, danh vọng, niềm hạnh phúc tình yêu... Nếu không có sức khoẻ, chúng ta sẽ chẳng có động lực để làm bất cứ chuyện gì.

Khoảng 3 tháng trước, cô em dâu của tôi tự dưng thấy bị đau lưng, tức ngực khủng khiếp, đã vậy còn sụt cân đáng ngờ. Ban đầu cũng chỉ chữa theo mẹo này mẹo nọ, nhưng vì cơn đau quá dữ dội nên không thể tiếp tục chịu đựng. Đi vài bệnh viện khám mới phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 2. Lúc ấy tinh thần em dâu suy sụp, cả gia đình bên kia lẫn nhà tôi đều cực kỳ hoang mang, sửng sốt. Mới 28 tuổi, chưa có con nhưng em dâu đã gặp phải căn bệnh hiểm nghèo đầy oan trái này.

Trong nhà chỉ có duy nhất em trai chồng là tỉnh táo, luôn bên cạnh vợ động viên, sát cánh. Ngày lên bàn mổ lẫn 1, 2 đợt xạ trị đầu, em trai chồng cũng túc trực ở viện toàn thời gian, đến nỗi phải xin nghỉ làm. May mắn sao gia đình nhà tôi cũng thuộc dạng khá giả, có nhiều tiền của tiết kiệm nên khi căn bệnh này ập xuống em dâu, viện phí không phải gánh nặng gì quá lớn.

Mẹ chồng cũng vì việc này mà buồn phiền nhiều. Bà ấy từ ngày biết chuyện cứ như người mất hồn. Thi thoảng mẹ chồng tâm sự với tôi, than thở sao con dâu lại đen đủi đến vậy. Thậm chí, mẹ chồng còn cứ đặt ra những câu hỏi khá sốc, rằng khi em dâu không qua khỏi, thì con trai bà sẽ thế nào, có đủ vững tâm để đi bước nữa hay không. Dù gì, cô chú ấy cũng yêu nhau tận 7 năm trời mới cưới, vậy nên cú sốc này quả thực rất đau lòng.

Sau khi em dâu ngã bệnh nặng, cả nhà tôi lao đao chỉ vì một tờ giấy mà cô ấy chìa ra - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Ca mổ của em dâu thành công, sau những lần hoá trị, tuy em có yếu ớt nhưng bác sĩ nói tình hình tiến triển khả quan. Song cũng có lần tôi nói chuyện riêng với bác sĩ, thì ông ấy nói bây giờ còn phụ thuộc vào tinh thần người bệnh, lúc nào cũng phải lạc quan, vui vẻ, và có lẽ phải dựa vào may mắn nữa.

Tầm khoảng 2 tuần trước, khi vào viện thăm em dâu, tôi thấy vợ chồng cô chú ấy đang cãi nhau một điều gì đó. Song vì tôi vào bất ngờ nên hai em im bặt không nói một lời nào nữa. Tôi cũng chỉ nghĩ là người bệnh nhiều lúc tủi thân, cáu gắt là chuyện thường tình. Tôi khuyên hai em nên trân trọng, nói chuyện nhẹ nhàng với nhau nhất là trong giai đoạn khó khăn này.

Vậy mà mọi người biết không, cả hai tranh cãi nhau vì một chuyện cực kỳ... sốc óc! Mấy ngày trước, em dâu đã đưa một tờ giấy ra trước toàn thể gia đình. Lúc đó em trai chồng cũng ngồi ở đó. 

Hoá ra, chú út đã đi triệt sản. Mặc dù em dâu ngăn cản nhưng chú út vẫn một mực tự làm theo ý mình. Chú ấy còn tuyên bố với cả nhà, bây giờ vợ không còn có con được nữa, chú ấy cũng sẽ chẳng đi bước nữa cho dù tình huống xấu nhất xảy ra. Làm như vậy để mai này, lỡ như vợ mất đi, chú sẽ sống một mình đến cuối đời, không phải lập gia đình với bất kỳ ai nữa.

Nói xong, bố mẹ chồng khóc nghẹn, bản thân tôi vì xúc động quá cũng rơi nước mắt. Quyết định này quả thực rất đường đột, sốc không kém gì tin em dâu bị bệnh hiểm nghèo. Đỉnh điểm của sự việc là mẹ chồng quát tháo, đuổi hai em ra khỏi nhà. Bà ấy còn nói thẳng với con trai: "Sau này nó chết đi, mày có ở vậy đến già được không? Rồi không con không cái, về già ai chăm mày, sao mày dại dột thế hả con?"

Tôi hiểu được nỗi lòng của đôi bên, một bên thì chỉ muốn giữ gìn tình yêu giữa nghịch cảnh, còn một bên thì cứ lo lắng cho tương lai. Ai cũng có lý cả, chẳng ai mà không có nỗi khổ tâm riêng. Cả nhà chao đảo chỉ vì một tờ giấy. Giờ đây đến tôi cũng cực kỳ bối rối, không dám nói chuyện với ai, chỉ sợ đổ thêm dầu vào lửa. Liệu rằng mâu thuẫn trong gia đình có được giải quyết êm đẹp hay không? Tôi rất sợ tình cảnh này, chẳng dám đối diện... 

Chia sẻ