Sau 3 tuần trải nghiệm khốc liệt cận kề cái chết ở châu Phi, cô gái xinh đẹp này muốn thay đổi cả thế giới

Tâm Bảo Kiều,
Chia sẻ

Sự nghèo đói, sự sợ hãi, cái chết cận kề, nỗi ám ảnh… là những gì Nguyễn Thùy Dương – cô gái trẻ sinh năm 1990 đã đối mặt và trải qua trong suốt cuộc hành trình đến với châu Phi để tham dự Hội thảo lãnh đạo trẻ toàn cầu AIESEC.

Sự nghèo đói, sợ hãi, cái chết cận kề, nỗi ám ảnh… là những gì Nguyễn Thùy Dương (tên thường gọi: Milena) – cô gái trẻ sinh năm 1990 đã đối mặt và trải qua trong suốt cuộc hành trình đến với châu Phi để tham dự Hội thảo lãnh đạo trẻ toàn cầu AIESEC. Từ việc bất lực nhìn sự sợ hãi, Milena đã biến nó thành động lực để tiếp tục sống và truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người, thông qua những nỗ lực không mệt mỏi của cô. Đó là cách mà hàng ngày Milena vẫn đang thực hiện, để thay đổi cả thế giới…
             
Lần đầu tiên đến châu Phi, lần đầu tiên thấy, và lần đầu tiên muốn…

Sinh ra lớn lên ở thành phố, quen với nhịp sống, cách sống của người thủ đô nên những trải nghiệm ở miền quê, tiếp xúc với những con người lam lũ, nghèo khổ với Milena gần như không có. Rồi cuộc đời đưa đẩy, AIESEC - tổ chức sinh viên lớn nhất thế giới mà Milena gắn bó 8 năm, lần này lại tổ chức Hội thảo quốc tế tại Kenya, châu Phi – một trong những châu lục vẫn được xem là có tỷ lệ nghèo đói cao nhất.

Kenya là nước đầu tiên Milena đặt chân đến trong hơn 20 nước cô đã từng đi qua, tính đến thời điểm này. Ban đầu đến châu Phi cô cũng chỉ nghĩ đó như là một niềm vui, niềm vinh dự khi là một trong gần 100 thủ lĩnh sinh viên từ khắp các nơi trên thế giới được tham dự Hội thảo, được nói lên tiếng nói của giới trẻ Việt Nam, mang những ý tưởng phát triển giới trẻ, phát triển con người chia sẻ với mọi người ở các quốc gia khác nhau. Nhưng sau khi sống và trải nghiệm gần 1 tháng tại quốc gia ấy, cô nhận ra rằng một chuyến hành trình không chỉ có niềm vui…

Milena từng là một trong gần 100 gương mặt thủ lĩnh đại diện tham dự Hội thảo AIESEC quốc tế tại Nairobi, Kenya (châu Phi).

Sau một tháng ròng rã vất vả đi xin viện trợ, cuối cùng cô cũng xin được 50 triệu để trang trải cho chuyến đi. Ngay trong những ngày đầu tiên đặt chân tới đây, Milena đã chứng kiến những hình ảnh ám ảnh tâm can mình đến tận bây giờ. 

Trước đây mình chỉ thấy châu Phi qua phim ảnh, vì vậy khi vừa đến Kenya mình bị choáng ngợp bởi mọi thứ. Lần đầu tiên trong cuộc đời được thấy đại bàng ngay trên bầu trời, lắng nghe tiếng đại bàng quanh mình. Lần đầu tiên bị cấm túc trong nhà 8h đồng hồ vì bên ngoài nhiều súng đạn. Và lần đầu tiên nhìn thấy những cảnh ám ảnh đến tâm can” – cô tâm sự.

Milena kể, cô vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đấy, khi được anh bạn dẫn đi dạo xung quanh khu dân cư nơi mình trọ. Đường đi chỉ là những con đường đất, thiên nhiên rất hoang dã. “Ngay tại đó, mình đã được chứng kiến cảnh một người phụ nữ da màu gầy dơ xương, ở trần, đang ngồi bệt bên một gốc cây cho con bú. Phía sau lưng chị ấy là một cánh đồng rộng mênh mông, khô màu cỏ cháy. Còn bên cạnh chị, là một tòa biệt thự sang trọng, đủ đầy. Mình không dám nhìn vào mắt người phụ nữ kia. Và hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu mình: Chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ đó? Tại sao trên thế giới này vẫn còn những cảnh đời như vậy?”.

Đó là lúc cô bắt đầu cảm nhận được mình phải làm gì đó để thay đổi mọi chuyện. Từ đây, Milena nung nấu ý định muốn… thay đổi cả thế giới.
 
Thay vì bất lực, hãy biến nó thành động lực sống…

Ý định này càng lớn hơn khi không chỉ được chứng kiến sự nghèo đói, mà còn được cảm nhận cả sự sợ hãi khi cái chết cận kề. Sau khi hội thảo kết thúc, đoàn của Milena tổ chức đi dã ngoại. Vừa đi qua sa mạc thì xe tải bị đâm. Lúc 2h sáng, một người đã chết, còn một người bị thương nặng. Một bên cánh tay đã bị rơi đi, còn một bên mặt thì hoàn toàn biến dạng.

Cả đoàn hoảng loạn, nháo nhác. Còn Milena, cô bị tê liệt do quá sốc trước tình huống diễn ra quá nhanh và quá kinh hoàng ấy. “Mình quá sốc, toàn thân gần như đông cứng” - cô nhớ lại – “Tai nạn vừa xảy ra mình chỉ biết nhảy ngay xuống xe và chết trân đứng giữa đám đông hỗn loạn ấy nhìn mọi người. Mọi thứ như như hoàn toàn ngừng lại”…

Trước đó, chỗ ngồi của bạn bị thương kia đáng lẽ là chỗ Milena ngồi. Nhưng do có một bạn khác rủ lên ghế phía trên nên cô đã đồng ý. Cái chết đã cận kề cô trong gang tấc. “Đó là rạng sáng dài nhất trong cuộc đời mình” – Milena nói.

Đoàn đến châu Phi tham dự Hội thảo, trong đó có Milena đã phải trải qua 1 đêm kinh hoàng, bên cạnh những trải nghiệm vui vẻ khác.

Mãi khi mặt trời lên đến đỉnh đầu thì mới có xe cứu hộ đến chở đoàn về nơi gần nhất để điều trị tâm lý. “Sau đêm kinh hoàng ấy mình đã phải gặp bác sĩ tâm lý. Các bạn khác cũng vậy. Nhưng các bạn khác đồng ý chữa trị, còn mình thì không. Mình không muốn lặp lại những cảm xúc hỗn loạn ấy nữa nên đã đóng chặt cửa phòng và ở một mình trong đó khá lâu” – Milena kể. 

Tuy nhiên, cô đã không lường trước được hệ quả của việc trốn tránh nỗi sợ hãi của chính bản thân mình. Cuộc sống sau này như chia sẻ của cô bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự cố đó. Cô cho biết: “Mình bị hoảng loạn khi di chuyển trên những phương tiện công cộng như xe buýt, máy bay. Đặc biệt là đi xe buýt đêm, không bao giờ mình dám ngủ. Vì cứ ngủ là sẽ gặp ác mộng rồi giật mình thức giấc, nghĩ mình vẫn chưa thoát khỏi đêm kinh hoàng ấy. Có những lúc người đầm đìa mồ hôi, toàn thân run bần bật”. Càng cố để quên, Milena lại càng không thể quên được.

cô gái
 Milena đã sống sót, nhưng những ám ảnh từ chuyến đi vẫn đeo bám cô suốt một quãng thời gian dài.

Nhiều lần như thế khiến cô quyết định buộc phải kết thúc nỗi sợ hãi này. Cô chọn cách đối mặt với chính nỗi đau. “Cuối cùng mình phát hiện ra mình phải cho phép bản thân được cảm nhận nỗi sợ và nỗi đau ấy. Trước đây không bao giờ mình dám nói hay dám kể về kỷ niệm kia, nhưng giờ mình viết câu chuyện ấy trên blog, kể về câu chuyện ấy với mọi người. Nỗi sợ vì thế đã dần dần vơi đi. Câu chuyện đó giờ đã không còn là nỗi ám ảnh nữa mà nó trở thành một trải nghiệm đáng nhớ của cuộc đời mình”.

Từ việc bất lực nhìn sự sợ hãi, Milena đã biến nó thành động lực để tiếp tục sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình một cách tích cực và có ý nghĩa nhất.
 
Để thay đổi thế giới, trước tiên cần thay đổi chính mình

Không để những ý nghĩ của mình thành thứ vô nghĩa, Milena đã lên kế hoạch để hành động. Từ sau chuyến đi đó, cô luôn tự đặt cho mình câu hỏi lớn là làm như thế nào để thay đổi thế giới, và làm thế nào để thế giới có ít hơn những người phụ nữ giống như người phụ nữ cô đã gặp ở Châu Phi. Là thủ lĩnh của một tổ chức khá lớn, không khó để cô nhận ra: “Để thay đổi thế giới, trước tiên cần thay đổi chính mình” – Milena khẳng định. 

Sau chuyến hành trình nhiều kỷ niệm ở Châu Phi, cô đã mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, và tìm kiếm được sứ mệnh của mình, con người mình. “Mình luôn luôn phải nỗ lực phát triển mình, tìm con người đích thực của mình. Muốn vậy cần tìm được những điểm chung giữa những cái mà mình cần và những cái mà thế giới cần” - cô nói.

đẹp
Sau chuyến đi ở châu Phi, Milena trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.

Có rất nhiều cách để thay đổi thế giới. Milena đã chọn cách kết nối đam mê với sứ mệnh của mình. Cô yêu viết lách và chia sẻ nên hiện cô đã trở thành một blogger đồng thời là một diễn giả truyền cảm hứng cho nhiều sự kiện, chương trình cho các bạn trẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Malaysia, Thái Lan… Cô cũng là CEO của một dự án start-up “Soulful Garden” (Vườn tâm hồn), tại đây cô tổ chức các khóa học về yoga, thiền – là những bộ môn giúp rèn luyện cơ thể, tâm trí, giúp phát triển bản thân, đặc biệt là giúp phụ nữ tìm thấy được chính mình. Thông qua con đường giáo dục, Milena giúp đỡ mọi người có một cuộc sống toàn diện hơn.

Không chỉ thay đổi bản thân, thông qua việc duy trì năng lượng tích cực cho mình và mọi người, mở lớp dạy yoga, thiền… cô còn muốn thay đổi cả thế giới.

Cô cũng là diễn giả truyền cảm hứng cho nhiều sự kiện lớn như Ted.


Milena sống và làm việc theo 3 niềm tin lớn: 1- Cô tin mọi người đều muốn mình đẹp: đẹp cả về hình thể, vẻ ngoài khỏe mạnh và đẹp từ nguồn năng lượng toát ra từ bên trong cơ thể mình; 2 – Cô cũng tin chúng ta đều muốn biết mình là ai, mình muốn gì và mình sinh ra để làm gì; 3 – Và cuối cùng, cô tin, mọi người đều muốn giải phóng cho chính họ, tìm kiếm sự tự do. Cô cũng giúp mọi người kiến tạo cuộc đời của mình theo 3 niềm tin ấy của mình. Vì cô cho rằng, một cuộc sống được gọi là hạnh phúc khi hội tụ đầy đủ 3 yếu tố trên.

Hiện tại Milena đã xây dựng cho mình được một mái ấm hạnh phúc với người chồng có quốc tịch Brazil.



Trả lời câu hỏi “Những hành động ấy đã đủ để thay đổi thế giới chưa?”, Milena cho biết: “Mình không nghĩ nó là đủ hay không đủ, vì mỗi người có một góc nhìn riêng. Mình chỉ tập trung vào làm những việc nên làm mỗi ngày: duy trì cảm xúc tích cực để sống hết mình và truyền năng lượng tích cực ấy cho tất cả những ai mình gặp gỡ. Đó là sứ mệnh của mình, mình nhận ra sứ mệnh ấy và hàng ngày vẫn đang thực hiện sứ mệnh ấy, một cách vui vẻ” – Milena bày tỏ.

Chia sẻ