"Săn" hoa mận nở trắng rừng Mộc Châu, gia đình nhỏ có chuyến cắm trại ý nghĩa

Minh Nhật,
Chia sẻ

Chị Hà Phương Lan đã lên kế hoạch cắm trại ở Mộc Châu từ lâu nhưng phải đến thời gian gần đây mẹ trẻ mới thực hiện được.

Mê mẩn vườn mận nở trắng trời Mộc Châu từ những bức ảnh của bạn chụp năm ngoái, đến năm nay, chị Hà Phương Lan (37 tuổi, đang công tác tại Ban Khoa Giáo, Đài THVN) quyết định cùng gia đình nhỏ của mình đến điểm du lịch này để cắm trại.

"Săn" hoa mận nở trắng rừng Mộc Châu, gia đình nhỏ có chuyến cắm trại ý nghĩa - Ảnh 1.

Dưới đây là những chia sẻ thú vị và nhiều hữu ích của mẹ trẻ sau chuyến du lịch Mộc Châu

1. Lên kế hoạch rõ ràng

Để chuyến cắm trại thành công, gia đình có nhiều khoảnh khắc đẹp và hạnh phúc bên nhau, chị Phương Lan đã lên kế hoạch rất chi tiết trước chuyến đi.

"Trước hết là việc chuẩn bị hành lý. Thường 1 năm nhà mình có ít nhất 2 đến 3 chuyến đi, nên việc chuẩn bị hành lý nó thành thói quen rồi. 2 bạn nhỏ nhà mình có thể tự chuẩn bị quần áo, đồ cá nhân của mình. Sau cùng mình sẽ kiểm tra 1 lần nữa trước chuyến đi. Vì chỉ đi du lịch có 2 ngày 1 đêm nên hành lý mang theo của mỗi người cần 1 bộ quần áo ngủ, 1 bộ quần áo ngày hôm sau, 1 bộ quần áo mặc trên người. Tùy với mỗi điểm đến mình sẽ chọn dress code theo màu cho cả nhà.

Lần này đi Mộc Châu nhà mình chọn trang phục màu đỏ. Bởi thứ nhất là màu khởi đầu của năm mới. Mặc đồ màu đỏ cho 1 năm rực rỡ, may mắn; thứ 2 là địa hình đồi núi nhiều màu xanh, nên màu đỏ mình thấy thích hợp nhất. Vì là đi cắm trại phải mang rất nhiều đồ nên hành lý quần áo cá nhân của gia đình mình đóng gọn vào 1 vali để có nhiều chỗ để những vật dụng khác.

"Săn" hoa mận nở trắng rừng Mộc Châu, gia đình nhỏ có chuyến cắm trại ý nghĩa - Ảnh 2.

Vì thường xuyên đi du lịch, đặc biệt là cắm trại nên gia đình nhà chị Lan luôn đầy đủ đồ dùng cắm trại.

Đồ cắm trại mình mang theo xe kéo gấp gọn (xe này rất quan trọng dùng để tất cả các đồ mình mang theo, di chuyển tới nơi mình dựng trại mà không phải mang vác lỉnh kỉnh), ghế chuẩn bị cho 4 người, bàn, lều cắm tất cả đều có thể gấp gọn, bếp ga, bình ga cắm trại, bát đĩa giấy, đũa ăn liền mình đóng vào 1 túi để tìm cho tiện, đồ ăn cho buổi cắm trại mình cũng chuẩn bị luôn để 1 túi, phòng trường hợp đến khu cắm trại không có đồ để ăn.

Mình có thói quen là đến địa điểm nào thường hay check lịch thời tiết tại đó. Mình xem thời tiết trên điện thoại thấy khá chuẩn. Thứ nhất là để chuẩn bị quần áo trang phục cho thích hợp. Thứ 2 để mình lên lịch trình đi cho hợp lý.

Hà Nội cách Mộc Châu khoảng gần 200km, gia đình mình đi xe ô tô cá nhân là thuận tiện nhất. Mình thấy đường lên đó khá đẹp, toàn đường nhựa xe con gầm thấp di chuyển dễ dàng".

2. Những trải nghiệm của gia đình nhỏ tại núi rừng Mộc Châu

Tại Mộc Châu các con của chị Phương Lan được gặp các bạn người H'mông, được thăm 1 số thắng cảnh của địa phương, ngắm thác nước, leo núi, ngắm những cánh đồng hoa và so sánh về những nơi mình đã từng đặt chân đến. Song song với đó, các con thưởng thức các món ăn vùng miền, được biết thế nào là miền núi, thế nào là đồng bằng, có trâu, có bò, có gà,... Đó là những con vật mà ở phố thị các bạn ấy không bao giờ được nhìn thấy. Cắm trại cũng là một hành trình mới mà con chị Phương Lan lần đầu được trải nghiệm. Mẹ trẻ rất vui khi các con biết giúp bố mẹ trong công tác chuẩn bị dựng lều, xếp đồ, chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà,...

"Săn" hoa mận nở trắng rừng Mộc Châu, gia đình nhỏ có chuyến cắm trại ý nghĩa - Ảnh 3.

"Săn" hoa mận nở trắng rừng Mộc Châu, gia đình nhỏ có chuyến cắm trại ý nghĩa - Ảnh 4.

3. Lịch trình chi tiết cắm trại tại Mộc Châu của gia đình nhỏ

"Ngày đầu tiên, trên cung đường đi, gia đình mình nghỉ dừng chân ở đèo Đá Trắng (mọi người vẫn hay gọi là đèo Thung Khe). Tại đó nhà mình ăn cơm lam, thịt nướng, trứng luộc, ngô luộc. Đây cũng là những món ăn đặc trưng của địa phương. Nghỉ ngơi xong, chúng mình di chuyển tiếp đến Mộc Châu. Điểm dừng đầu tiên của gia đình mình tại đây là nông trại bò sữa. Chúng mình làm 1 ly sữa nóng vừa ngon, vừa ấm, ngoài ra còn có cả sữa chua các loại mọi người có thể thưởng thức. Ở đây cũng là trạm nghỉ dừng chân để mọi người tham quan và mua các đặc sản của Mộc Châu.

Mình di chuyển đến khu nghỉ dưỡng Mộc Châu Eco garden (phòng mình xem trên mạng và đặt trước ngày đi khoảng 2 tuần). Ở đây phòng nghỉ tiện nghi sạch sẽ, có 2 phòng ngủ, 2 phòng tắm, 1 phòng khách. Xung quanh khu này có rất nhiều hoa, có khu vui chơi cho các bé, và gần các địa điểm du lịch của Mộc Châu. Mình đặt ăn tối tại khu nghỉ dưỡng luôn để gia đình không phải di chuyển nhiều và có thời gian nghỉ ngơi lấy sức vui chơi ngày hôm sau. Bữa tối mình gọi 1 đĩa cá suối chiên giòn, 1 nồi lẩu gà; bữa sáng ngày hôm sau nhà mình ăn buffet tại khu nghỉ dưỡng.

Cảnh quan đẹp ở Mộc Châu.

Ngày thứ 2: Cả nhà mình di chuyển thẳng đến Thung lũng mận Nà Ka để cắm trại. Trước chuyến đi mình có nghiên cứu và đọc review các bài cắm trại để chọn đường đi vào thung lũng nào thuận tiện nhất. Đồ ăn mình chuẩn bị từ nhà: Mì tôm hộp, xúc xích, bánh mì gối, pate hộp, sữa gói để pha, nước,... Thời tiết khá lạnh nên chúng mình phải đốt củi để sưởi ấm, tiện đó mình có bếp để thay thế đun nước nấu mì, và nướng xúc xích luôn. Trẻ con thích uống sữa, mình đun nước nóng để pha sữa. Còn người lớn thì uống trà, cafe mình mang theo bình giữ nhiệt để trà luôn nóng (tiện buổi sáng mình pha luôn tại khu nghỉ dưỡng). Nhiều bạn cắm trại qua đêm, còn nhà mình thì chưa thích nghi được với khí hậu, nên mình chọn cắm trại trong ngày. Mình cắm trại lang thang trong vườn mận khoảng 4 tiếng đủ thời gian để ăn uống, chụp ảnh, ngồi "chill chill" với nhau.

Sau khi cắm trại mình di chuyển ra ngoài, ở đường lối vào có mấy vườn hồng quả đỏ rụng lá. Chúng mình dừng chân vào vườn chơi, ăn thử và hái quả mang về. Chơi xong mình di chuyển về Hà Nội. Trên đường về, mình vẫn nghỉ tại đèo Đá Trắng đi vệ sinh, ăn nhẹ nhàng rồi đi thẳng về thành phố ăn phở (nhà mình không phải tín đồ của cơm nên không dừng tại nhà hàng ven đường nào để ăn tối)".

Hoa mận không còn nở rộ, thay vào đó là sự xuất hiện của quả non. Ngoài ra còn có hồng chín đỏ cam.

Chuyến đi quả thực ý nghĩa với gia đình chị Phương Lan. Bởi các con học được cách sinh tồn với thiên nhiên, được trải nghiệm được hòa mình với núi rừng. Đặc biệt, cả nhà có những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc bên nhau - đây là thứ khó lòng có thể bỏ tiền ra mua được!

Chia sẻ