Sắm Tết mùa COVID-19: Đặt cỗ trực tuyến, lì xì điện tử

Thanh Hiệp,
Chia sẻ

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, người tiêu dùng các nước châu Á đã có nhiều thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đón Tết âm lịch Tân Sửu.

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng đột biến

Thay vì trực tiếp đi mua sắm tại các trung tâm bán lẻ hay chợ - những nơi tập trung đông người và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, người tiêu dùng tại các quốc gia châu Á năm nay đang có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.

Tại Trung Quốc, hoạt động mua sắm trực tuyến đã ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ. Các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ trong vòng 10 ngày đầu sau khi lễ hội mua sắm trực tuyến do Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Thông tin và Cơ quan Quản lý thị trường tổ chức, được triển khai hôm 20/1, các nền tảng thương mại điện tử đã thu về 344,11 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 53,2 tỷ USD).

 - Ảnh 1.

Doanh số bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc tăng mạnh trước thềm Tết Nguyên đán (Nguồn: Xinhua)

Các loại thực phẩm, món ăn đặc sản là mặt hàng bán chạy nhất trong dịp này. Tính đến cuối ngày 29/1, lượng giao dịch trong dịch vụ ăn uống trực tuyến đã tăng 49,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng thực phẩm giao nhận tăng 60,7%. Lượng thực phẩm sơ chế và món ăn đã chế biến cũng lần lượt đạt mức tăng tương ứng là 375,6% và 122,2%.

Trong bối cảnh phải hứng chịu nhiều thiệt hại khi lượng thực khách tới nhà hàng sụt giảm vì dịch bệnh, các thương hiệu thực phẩm nổi tiếng đang tích cực hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến, như Meituan và Ele.me, để phục vụ các suất ăn đóng gói sẵn hoặc các suất ăn đóng gói một phần cho kỳ nghỉ sắp tới, giúp người trẻ dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị các bữa tiệc kỷ niệm dịp lễ đặc biệt này.

Daoxiangcun – một thương hiệu bánh nổi tiếng ở Bắc Kinh đã tăng cường sản xuất các mặt hàng cho dịp Tết, với kế hoạch nướng 13.000 tấn bánh và chế biến 2.300 tấn thực phẩm từ thịt, tăng lần lượt 8,5% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng trực tuyến của hãng đã tăng vọt 135% trong tháng 1 vừa qua.

 - Ảnh 2.

Daoxiangcun – một trong những thương hiệu thực phẩm truyền thống gặt hái thành công trong mảng kinh doanh trực tuyến (Nguồn: Xinhua)

Các nhà phân phối cũng đang nhắm đến việc hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bằng cách cung cấp các gói thực phẩm xách tay tùy chọn, chẳng hạn như gói bữa tối cho một người và gói bữa tối cho gia đình từ 6-10 người, nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn.

Sự bùng nổ của nền kinh tế dịch vụ tại nhà

Bên cạnh vấn đề ăn uống, các nhu cầu thiết yếu khác của người dân Trung Quốc trong dịp Tết cũng sẽ được đáp ứng bởi một nền kinh tế "dịch vụ tại nhà" đang nở rộ. Giới chức Trung Quốc cũng kêu gọi các nền tảng trực tuyến tại nước này nỗ lực đáp ứng những nhu cầu thiết yếu khác của người dân trong dịp Tết, từ mua sắm cho tới giải trí.

 - Ảnh 3.

Người dân Trung Quốc sẽ đón Tết với sự hỗ trợ từ nền kinh tế "dịch vụ tại nhà" (Nguồn: Xinhua)

Các nền tảng thương mại điện tử đang cung cấp cho người dân Trung Quốc nhiều loại hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao và được cá nhân hóa, đồng thời sẵn sàng cử nhân viên tới tận nhà khách hàng để vệ sinh các thiết bị gia dụng. Các chương trình ưu đãi hấp dẫn, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng tại từng khu vực cũng đang được các nhà bán lẻ đẩy mạnh. Ông Lu Fei - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn JD cho biết, "Chúng tôi nhận thấy xu hướng tiêu dùng ở mỗi nơi là khác nhau. Điện thoại di động là món quà ưa thích của những người sống và làm việc tại Bắc Kinh, với doanh số tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở các tỉnh miền Nam, những người sống tại Quảng Đông hay Thượng Hải lại đặc biệt quan tâm đến đồ trang sức, khiến doanh số ở đây tăng gấp đôi".

Trong khi đó, các nền tảng giải trí cũng tranh thủ mở rộng thị phần. Nền tảng chia sẻ video ngắn Douyin – phiên bản của TikTok tại Trung Quốc đã công bố nhiều nội dung phong phú cho kỳ nghỉ lễ, bao gồm cả các bộ phim phát trực tuyến độc quyền. Ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance dự kiến sẽ thu hút một lượng lớn khán giả trong dịp Tết năm nay, nhờ tư cách là đối tác quảng cáo độc quyền của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho Gala năm mới "Đêm hội mùa xuân" – chương trình truyền hình quốc gia có lượng người xem nhiều nhất trên thế giới. iQiyi - dịch vụ video theo phong cách Netflix, thuộc sở hữu của hãng công nghệ Baidu, cũng không chịu thua kém khi giới thiệu hàng loạt bộ phim và chương trình truyền hình miễn phí để người xem có thể thoải mái thưởng thức trong dịp Tết năm nay.

Nhờ đó, những người như chị Huang Jingjing, một nhân viên ngân hàng 29 tuổi tại Bắc Kinh đã quyết định ở lại, thay vì trở về quê nhà tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, trong kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày sắp tới, hoàn toàn có thể yên tâm về lựa chọn của mình. "Tôi đã mua rất nhiều thực phẩm và đồ ăn vặt qua cửa hàng trực tuyến. Có lẽ tôi sẽ dành phần lớn kỳ nghỉ để ăn uống và xem TV". Chị cũng cho biết, mặc dù rất tiếc khi không thể đón năm mới cùng gia đình, nhưng với những lựa chọn giải trí trong nhà, chị sẽ không cảm thấy buồn chán hay cô đơn.

Ông Wang Nian, chuyên gia Viện Kinh tế thị trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ tại nhà sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Điều này cũng hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế "dịch vụ tại nhà" của Trung Quốc có được bước đột phá mới về tăng trưởng và quy mô thị trường.

Nhu cầu mua quà tặng tăng cao

Với việc không thể về quê đón Tết do dịch bệnh và các biện pháp hạn chế đi lại, nhiều người dân có xu hướng chọn mua các giỏ quà tặng để gửi tới người thân và bạn bè. Các siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, tổng doanh số bán bộ quà tặng cho Tết Nguyên đán trong năm nay đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

 - Ảnh 4.

Doanh số bán quà tặng cho Tết Nguyên đán tại các siêu thị ở Bắc Kinh tăng tới 50% (Nguồn: CCTV)

Ông Zhou Haiyue – giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của hãng bán lẻ Metro AG cho biết "Doanh số bán giỏ quà trái cây và hạt khô đã tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán giỏ quà gia vị đã tăng 100%, vì ngày càng có nhiều người lựa chọn tự nấu ăn tại nhà".

"Năm nay, mức tăng trưởng doanh số bán các mặt hàng đặc sản cao hơn bình thường khoảng 20% vì mọi người sẽ đón Tết mà không rời khỏi thành phố. Các giỏ quà mới của chúng tôi năm nay rất được người tiêu dùng ưa chuộng", ông Zhang Zhengyang – Phó chủ tịch hãng bán lẻ Wumart Stores chia sẻ.

Các khách hàng trẻ ở lại thành thị đón Tết đã đặt mua trực tuyến một lượng lớn quà tặng để gửi tới bố mẹ ở quê. Dữ liệu từ hãng bán lẻ trực tuyến JD.com cho thấy, kể từ đầu năm, số lượng bưu kiện từ Bắc Kinh gửi đi các tỉnh khác đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đáng chú ý là các loại thực phẩm đặc trưng của Tết Nguyên đán.

Số lượng đơn hàng gửi từ khu vực này sang khu vực khác cũng tăng đột biến 60%. Trong đó Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và các thành phố cấp 3 là những nơi ghi nhận mức tăng mạnh nhất, bởi có nhiều lao động nhập cư đặt mua các món quà năm mới để gửi về nhà.

Anh Xu Li – nhân viên của T-mall, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba cho biết: "Việc mọi người hạn chế đi lại đã dẫn tới sự gia tăng hoạt động tặng quà. Những người dân tại thành phố có xu hướng mua gà, vịt chăn thả tự nhiên để ăn Tết tại nhà, và tặng cho người thân ở nông thôn các sản phẩm nhập khẩu như rượu, bít tết".

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc, khi doanh số bán các giỏ quà tặng đang góp phần vực dậy hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ, vốn đã chịu nhiều thiệt hại vì dịch bệnh.

Dữ liệu từ một chuỗi siêu thị nhượng quyền ở thành phố Daejeon cho thấy, doanh số bán các mặt hàng quà tặng đã tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Jin Gyeong Su – giám đốc siêu thị cho biết "Doanh số bán hàng đã tăng lên đáng kể so với dịp Tết năm ngoái. Tôi nghĩ đó là kết quả của việc người dân hạn chế đi lại".

 - Ảnh 5.

Doanh số các món quà tặng cao cấp tại Hàn Quốc như thịt bò, rượu, cá ngói đều tăng mạnh (Nguồn: KBS)

Các mặt hàng quà tặng cao cấp cũng bán rất chạy, khi chính phủ Hàn Quốc vừa quyết định tạm thời nâng giới hạn các món quà tặng theo đạo luật chống hối lộ lên 200 nghìn won (khoảng 4,1 triệu đồng). Mức giới hạn cao hơn đã giúp doanh số các món quà đắt tiền như thịt bò cao cấp, cá ngói, rượu vang tăng gấp đôi. Ông Son Seon-nam – quản lý một cửa hàng bách hóa nhận xét "Vì không thể trực tiếp tới thăm người thân, bạn bè, nên nhiều người tiêu dùng có xu hướng chọn và gửi đi những món quà đắt tiền hơn trước".

Xu hướng sử dụng lì xì trực tuyến

Việc người dân hạn chế tiếp xúc cũng khiến các phong bao lì xì trở nên ít được ưa chuộng hơn, và dần bị thay thế bởi các ứng dụng lì xì trực tuyến.

Ngay từ đầu năm nay, Cơ quan Tiền tệ của Singapore (MAS) đã khuyến khích người dân sử dụng lì xì điện tử thay cho lì xì bằng tiền mặt đựng phong bao truyền thống nhằm giảm thiểu rác thải và thời gian chờ đổi tiền mới. Một loạt các ngân hàng lớn bao gồm DBS, OCBC, UOB, Citibank, Standard Chartered và Maybank đã đồng loạt kích hoạt tính năng mừng tuổi và tặng quà trực tuyến để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán này. Các công ty công nghệ tài chính cũng được MAS bật đèn xanh để phát triển chức năng tặng quà trực tuyến.

 - Ảnh 6.

Các ngân hàng tại Singapore khẩn trương triển khai tính năng lì xì trực tuyến (Nguồn: Straits Times)

Theo Phó Giám đốc MAS Bernard Wee, ngày Tết sắp tới đem đến cơ hội để lan tỏa lợi ích từ việc tặng lì xì điện tử, đồng thời thúc đẩy những truyền thống mới giữa các gia đình và bè bạn. Mừng tuổi điện tử giúp giảm cảnh xếp hàng đổi tiền mặt tại ngân hàng cũng như giúp giảm lượng khí thải carbon.

Theo trang BusinessTime, các công ty chuyên thiết kế và sản xuất phong bao lì xì hàng đầu tại Singapore như Caston và Craftwerkz đều đã giảm khối lượng sản phẩm cho dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ông Alvin Tan – nhà đồng sáng lập Caston cho biết, công ty của ông "chỉ sản xuất hơn 20 triệu bao lì xì" – chưa đầy một nửa sản lượng mọi năm, do "lượng đơn đặt hàng ít hơn".

 - Ảnh 7.

Khối lượng bao lì xì được in ra tại Singapore giảm mạnh (Nguồn: Business Time)

Tại Hong Kong (Trung Quốc), Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) cũng đã khuyến khích người dân địa phương áp dụng các hình thức lì xì trực tuyến thay vì trao trực tiếp các phong bao lì xì. Theo cơ quan này, trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán, các ngân hàng lớn và các nền tảng thanh toán điện tử sẽ triển khai nhiều chương trình khác nhau nhằm thúc đẩy việc trao và nhận lì xì trực tuyến, qua đó giúp giảm thiểu những phiền hà khi đổi tiền mới tại các chi nhánh ngân hàng, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

 - Ảnh 8.

Các ứng dụng lì xì trực tuyến ngày càng phổ biến tại Trung Quốc (Nguồn: CGTN)

Trước đó, Trung Quốc đại lục cũng đã chuyển sang hình thức lì xì trực tuyến nhờ các nền tảng phổ biến như Wechat hay Alipay. Các số liệu thống kê của Statista cho thấy, số lượng người nhận hoặc gửi lì xì thông qua nền tảng mạng xã hội WeChat đã tăng từ 688 triệu lượt trong năm 2018 lên 823 triệu lượt trong năm 2019. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay, khi việc hạn chế tiếp xúc đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người.

Nguồn: Reuters, SCMP, Bloomberg, Xinhua, Business Time

Chia sẻ