Sách giáo khoa - vấn đề cũ, nỗi lo mới: Cần giảm giá tối đa có thể

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Trước phản ứng của dư luận về giá sách giáo khoa (SGK) chương trình mới tăng gấp nhiều lần so với SGK chương trình cũ, Bộ GD&ĐT đề xuất nhiều giải pháp để học sinh vùng khó có SGK học. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Giải pháp tình thế

Vừa qua, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về học phí phổ thông và SGK, về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK phổ thông cho học sinh mượn sử dụng, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ kịp thời triển khai từ năm học 2022 - 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết luận này dựa trên đề xuất của Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội… về giá SGK hồi cuối tháng 6.

Đây là giải pháp mang tính tình thế và chưa giải quyết được ngọn nguồn của vấn đề giá SGK đang cao như hiện nay. Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho hay, dù dùng ngân sách quốc gia mua SGK cho học sinh mượn hay Nhà nước định giá SGK thì vẫn phụ thuộc vào gốc của vấn đề là khâu giá SGK. Khâu tiên quyết ở đây vẫn là giảm giá sách tối đa có thể.

Sách giáo khoa - vấn đề cũ, nỗi lo mới: Cần giảm giá tối đa có thể - Ảnh 1.

SGK đang do các NXB kê khai giá. Ảnh: Như Ý

“Chúng tôi đã từng nêu nhiều giải pháp về chủ quan và khách quan có thể giảm được giá SGK. Trước hết cơ quan quản lí nhà nước về in và phát hành SGK vẫn có thể yêu cầu giảm số đầu SGK, không nhất thiết tất cả các môn học hoặc hoạt động giáo dục đều cần có SGK. Sách hướng dẫn cho giáo viên vẫn được coi là SGK vì thế các môn học như Thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức, Nghệ thuật… chỉ cần có sách cho giáo viên là đủ”, ông Ân nói.

Theo ông, nếu khảo sát thật khách quan sẽ thấy nhiều cuốn sách lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được mua về nhưng cả năm học sinh chưa bao giờ dùng đến. Ngoài ra, sách bán kiểu “combo” cũng làm cho giá thành một bộ sách hằng năm tăng cao. “Phải chăng cần siết chặt cách cung ứng SGK ở các cơ sở giáo dục. Chỉ những sách bắt buộc mới gửi đến cho người học. Những sách khác, nhất là sách tham khảo hay sách dùng một lần, tuyệt đối không đưa về bán tại các nhà trường”, ông Ân đề xuất.

NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, tuy SGK được xã hội hóa nhưng toàn bộ cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến máy móc, trang thiết bị, nhân lực đều do Nhà nước trả lương, đầu tư. Vậy tại sao giá SGK của NXB này vẫn cao tương đương với NXB khác không được hỗ trợ? Bộ GD&ĐT với vai trò quản lí vẫn không thể buộc NXB Giáo dục Việt Nam tính đúng, tính đủ để giảm giá SGK mà phải đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ người học. Phải chăng Bộ GD&ĐT đang vừa đá bóng, “vừa thổi còi”?

Tháng 5 vừa qua, tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, một trong 4 chủ đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức giám sát là việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Chuẩn bị chưa tốt

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kí quyết định cảnh cáo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, ông Thái được xác định có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành SGK mới… Tháng 12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kì 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn SGK; đầu tư công… Cơ quan kiểm tra nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 “cần được tiếp tục kiểm tra, làm rõ”. Như vậy, liên quan SGK, không riêng sự việc ở NXB Giáo dục Việt Nam, mà cả trong giai đoạn 2016-2021, Bộ GD&ĐT cũng có vấn đề cần làm rõ.

Ông Ân cho rằng, Bộ GD&ĐT đã chưa chuẩn bị tốt tâm thế cho mình cũng như chưa chủ động để có những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, hay thách thức sẽ xảy ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa SGK. Bộ GD&ĐT chưa thay đổi tư duy, chuyển từ quản lí một chương trình, một bộ sách sang một chương trình chuẩn quốc gia với nhiều bộ SGK; chưa hình dung được sự khắc nghiệt của thị trường xã hội hóa và mục tiêu đương nhiên và sống còn của các doanh nghiệp là lãi suất cao.

Theo ông Ân, một trong những mục tiêu cần đạt được của chủ trương xã hội hóa SGK là chống độc quyền, huy động đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phát hành các bộ SGK khác nhau. Nhưng hiện tại, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị chiếm thị phần chủ yếu bán SGK. Giá SGK chao đảo, quá cao không thuyết phục được thị trường. Quyết định giá bán từng cuốn SGK dựa trên bảng kê giá của doanh nghiệp là các NXB và biên bản thẩm định giá của Bộ Tài chính. Cách làm như vậy không thuyết phục về mức giá, gây ra nhiều tranh luận gay gắt.

“Đến đây, chúng tôi rất tiếc là nếu Bộ GD&ĐT thực hiện được nghị quyết của Quốc hội có một bộ SGK của Nhà nước thì không chỉ định hướng được nhiều nội dung đổi mới giáo dục chuẩn mà còn xác định giá một bộ SGK tối đa là bao nhiêu. Như thế không thể hiểu là sẽ mất ý nghĩa của xã hội hóa SGK mà đây chính là thực hiện nguyên tắc xã hội hóa SGK phải là từng phần, không được hoàn toàn, thả nổi và cần phải kết hợp giữa Nhà nước và các doanh nghiệp khi sản xuất và phát hành SGK”, ông Ân nói.

Vấn đề phí phát hành, trong đó có chiết khấu cho người mua SGK cũng là một thách thức lớn nảy sinh. Nhà trường làm cầu nối giữa người mua và bán SGK để được trích phần trăm phí phát hành. Điều này làm lu mờ hình ảnh nhà giáo, môi trường văn hóa học đường.

Chia sẻ