Sách dạy kỹ năng sống nhan nhản “sạn”, liệu học sinh sẽ rèn được gì?

Huyền Trang,
Chia sẻ

Không chỉ cuốn sách dạy kỹ năng sống “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” dạy trẻ đi trên thủy tinh có vấn đề, các cuốn sách khác dành cho các khối lớp 2 - 5 của bộ sách này cũng có khá nhiều "sạn".

Thu hồi sách gây tranh cãi

Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ra chỉ đạo, yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các bên có liên quan thu hồi sách dạy kỹ năng sống "xui" trẻ đi trên thủy tinh, được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2014.

Theo giải trình của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” được xuất bản lần đầu vào năm 2014 và thuộc loại sách tham khảo, không phải là sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục phổ thông. Vào lần tái bản năm 2015, cuốn sách này đã được chỉnh lý và không còn sử dụng nội dung mẩu chuyện như đã nêu trên.

Gần đây bức ảnh chụp lại trang sách có bài học dạy trẻ dẫm chân lên thủy tinh để thể hiện lòng dũng cảm xuất hiện, gây xôn xao trong cộng đồng mạng, khi chúng tôi liên hệ cũng như đến tìm mua cuốn sách này, tất cả đại lý chính thức của NXB Giáo dục trên địa bàn Hà Nội đều thông báo "không còn sách để bán". Khi chúng tôi hỏi bao giờ sẽ có thể mua được cuốn sách này, các nhân viên trả lời “không biết” và gợi ý chúng tôi tìm mua tại những nhà sách khác hoặc mua những cuốn sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 khác. 

Sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo chính thức lên tiếng, tại nhiều hệ thống nhà sách lớn trên địa bàn Hà Nội, cuốn sách này đã được kiểm đếm, dừng bán cho khách. Tại một nhà sách nổi tiếng trước cổng trường Đại học Thủy Lợi, tất cả 7 cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 1” (đều xuất bản năm 2014) trên kệ đều được quản lý yêu cầu bỏ khỏi kệ, cất vào kho. Những cuốn Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 2, 3, 4, 5 vẫn lưu hành bình thường.

sách dạy kỹ năng sống
Ngoại trừ cuốn sách có lệnh thu hồi, các cuốn sách cùng bộ "Thực hành kĩ năng sống cho học sinh" của khối 2 - 5 vẫn được lưu hành bình thường.

Nhiều cuốn vẫn còn "sạn"

Tuy nhiên, theo một số phụ huynh và giáo viên tiểu học, nhiều bài học kỹ năng sống cho học sinh tại các cuốn sách cùng bộ này, tuy không gây tranh cãi nhiều như bài học về lòng dũng cảm nói trên, nhưng cũng tồn tại nhiều “hạt sạn” như có quá nhiều kiến thức khó, hoặc một số ví dụ được đưa ra trong sách không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Ví dụ, trong sách dành cho học sinh lớp 3 và lớp 4, sách giải thích về 6 vùng chức năng của não, về cấu tạo và chức năng của bán cầu não quá chi tiết, cặn kẽ chẳng khác nào sách sinh học.

sách dạy kỹ năng sống
Theo một số giáo viên tiểu học, giới thiệu về chức năng của não cụ thể thế này trong sách dạy kỹ năng sống lớp 3...


sách dạy kỹ năng sống
... và lớp 4 là quá nặng nề với học sinh.

Nội dung bài học về lắng nghe thấu hiểu trong sách dành cho học sinh lớp 5 cũng quá nặng nề khi dùng cả tiếng Hán và phương pháp chiết tự để minh họa bài học. 

sách dạy kỹ năng sống
Những chỉ dẫn tỉ mỉ về bộ chữ, ý nghĩa chữ Hán...

sách dạy kỹ năng sống
... hay yêu cầu viết lại chữ "Thính" bằng tiếng Hán có thực sự phù hợp với trình độ lớp 5?

Trong phần thực hành bài học về hai bán cầu não (sách lớp 4), trò chơi được đưa ra cũng có phần không phù hợp khi dạy trẻ trò chơi "bùm chíu". Sách hướng dẫn: "Em giơ một tay lên với hai ngón để làm người bắn súng, em giơ tay còn lại với hai ngón để làm người đầu hàng. Khi hô "bùm" thì một tay quay sang tay kia bắn, tay còn lại đầu hàng. Tiếp tục hô "bùm", mỗi lần hô là một lần 2 tay đổi vai trò cho nhau. Tay nào đang làm súng thì đầu hàng, tay nào đang đầu hàng thì chuyển sang làm súng".

sách dạy kỹ năng sống
Bài thực hành được nhiều phụ huynh đánh giá là phản cảm, có tính chất bạo lực trong sách dạy kỹ năng sống lớp 4.

Chưa hết, để minh họa cho bài học về sự quan trọng của động viên, chăm sóc, sách (dành cho học sinh lớp 4) đưa ra câu chuyện "Chú ếch điếc" có nội dung như sau: "Hai chú ếch Bi và Bốp đang đi chơi thì bị rơi xuống hố. Cái hố khá sâu khiến hai chú nhảy mãi mà chưa lên được. Những chú ếch khác đi qua thấy vậy liền cúi xuống xua tay hô to: "Đừng cố nữa, hố sâu lắm, cố làm gì". Sau khi những con ếch trên miệng hố hò hét một lúc lâu thì chú ếch Bốp bắt đầu nản chí và không muốn nhảy nữa, trong khi chú ếch Bi vẫn cố nhảy. Cuối cùng, chú ếch Bi đã nhảy được lên khỏi hố. Khi lên đến nơi, các chú ếch khác hỏi chú ếch Bi: "Vì sao chúng tớ bảo cậu đừng cố nữa mà cậu lại vẫn cố nhảy như vậy?". Lúc đó, chú ếch Bo vẫn tỉnh bơ, ôm những chú ếch khác và bảo: "Cảm ơn các cậu, mặc dù tớ bị điếc không nghe tiếng gì nhưng tớ biết các cậu động viên tớ rất nhiều nên tớ đã cố nhảy lên cho bằng được". Hóa ra, chú ếch Bi bị điếc, chú cứ nghĩ các bạn đang động viên mình nên đã cố gắng để thoát khỏi miệng hố đó". 

sách dạy kỹ năng sống
Liệu có phản tác dụng khi dạy trẻ động viên người khác qua câu chuyện này?

Không chỉ có bộ sách dạy kỹ năng sống này có vấn đề, liên tục có những ví dụ minh họa, những dẫn chứng trong sách dạy trẻ gây tranh cãi. Và việc có nhiều luồng ý kiến khác nhau đồng nghĩa với việc nhận thức của trẻ trong nhiều trường hợp sẽ khác nhau, thậm chí là sai lệch với mục đích ban đầu được đưa ra. Mới đây nhất, một trang sách trong sách dạy trẻ, mục "Tiểu tiện", chương "Bí mật cơ thể người" vẽ cảnh nhà vệ sinh (trẻ em) không có vách ngăn phòng nam – nữ, trong đó có các bé trai và bé gái đang đi vệ sinh kèm theo câu hỏi: “Cách đi tiểu của bạn trai, bạn gái trong tranh có gì khác nhau nhỉ?” khiến nhiều phụ huynh sốc.

sách dạy kỹ năng sống
Một bức ảnh trong cuốn sách khác khiến người đọc không khỏi "choáng váng".

Dù chỉ là tranh minh họa và có ý dạy bọn trẻ về cơ thể người, sự khác biệt trong giới tính, nhưng việc “thoáng” đến mức vẽ phòng vệ sinh chung cho cả nam và nữ như thế này thật khó chấp nhận được” – chị Mai Thị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Cũng cần nói thêm, kỹ năng sống không phải là môn học bắt buộc trong tất cả các trường. Ở một số trường, kỹ năng sống được dạy khi giáo viên dạy môn giáo dục công dân (theo sách giáo khoa môn giáo dục công dân) hoặc tổ chức các lớp riêng kiểu ngoại khóa. Chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội), mẹ của hai bé học lớp 4 và lớp 6 cho hay, trường của các con chị tổ chức dạy kỹ năng sống riêng vào cuối tuần với học phí 250.000 đồng/tháng, học vào các ngày cuối tuần. Đây là lớp học tự nguyện và khá nhiều học sinh trong trường tham gia. Chia sẻ quan điểm về sự cần thiết của các lớp học như thế này, chị Hà cho hay, chị muốn bọn trẻ dành thời gian vui chơi, vận động cơ thể cũng như học cách làm các việc nhà đơn giản hơn, và theo chị, đó cũng chính là kỹ năng sống.

Chia sẻ