Rắn và khuyên lưỡi – Chỉ đau mới biết mình đang sống

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Với “Rắn và khuyên lưỡi” của Kanehara Hitomi, tôi chỉ có thể nói một điều: Không thể cưỡng lại!

Rắn và khuyên lưỡi

Tác giả: Kanehara Hitomi

Dịch giả: Uyên Thiểm

NXB Văn Học
Giá bìa: 27.000
 
 
Thế giới trong “Rắn và khuyên lưỡi” là cái thế giới kỳ dị, méo mó, có nét gì đó âm u ghê rợn pha lẫn nhục cảm bản năng, đủ sức ám ảnh và lôi cuốn người đọc từ trang đầu tiên cho tới những trang cuối cùng. Đó là thế giới của punk, gangster và gái bụi, thế giới của những cô gái ngập chìm trong men rượu, của những cậu “choai choai” tóc đỏ đeo khuyên lưỡi, của những gã xăm trổ đầy mình và ưa thích kiểu làm tình bệnh hoạn...

Chuyện kể về mối tình “đặc biệt” của Lui và Ama. Nói là “đặc biệt” bởi suốt trong quãng thời gian yêu nhau, thậm chí chung sống cùng nhau dưới một mái nhà nhưng cả hai người chưa từng biết đến tên thật hay tuổi tác của nhau. Thậm chí cả hai vẫn xưng hô với nhau theo kiểu “đường phố” là “mày – tao”.

Câu chuyện còn là hành trình tiến hành công cuộc “split-tongue” (biến đổi cơ thể) của cô gái tên Lui. Một đôi tai xỏ khuyên cỡ 0G (cỡ to nhất) vẫn chưa đủ để thỏa mãn cô gái 19 tuổi. Cô ấy còn muốn có một cái lưỡi chẻ đôi như lưỡi rắn, giống với cậu bạn trai Ama.
 

Muốn là phải làm bằng được, Lui được Ama đưa đến cửa hàng của Shiba-san để thực hiện việc xỏ khuyên lưỡi. Đây cũng là điểm bắt đầu cho những cuộc truy hoan vụng trộm của Lui và Shiba-San – một kẻ bạo dâm.

Câu chuyện cứ thế diễn ra, bằng cái giọng kể đều đều, không mảy may cảm xúc của Lui, mà ẩn đằng sau đó là cả một thế giới rộng mở những tầng lớp ý nghĩa mà Kanehara Hitomi muốn gửi gắm. Đằng sau những Lui, Ama hay Shiba-San là cả một bộ phận thanh niên Nhật Bản đang bơi trong khủng hoảng ý thức hệ, trong hành trình đi ngược lại tạo hóa để tìm cách khẳng định bản ngã.

Điều gì khiến cho cô gái Lui bất chấp tất cả mọi đau đớn để quyết theo đuổi bằng được Split – tongue và việc xăm mình? “Tôi đã bấm khuyên lưỡi. Tôi cảm thấy gì khi việc xăm người và chẻ lưỡi hoàn tất? Tôi tự ý thay đổi những thứ đáng lẽ không bao giờ thay đổi nếu cứ tiếp tục một cuộc sống bình thường. Đó là cách tôi đang đi ngược lại tạo hóa, hay nói cách khác, tôi đang khẳng định bản ngã của mình. Tôi bấp chấp tất cả. Nhưng tôi biết, tương lai của tôi, những hình xăm và cả split-tongue đều vô nghĩa.”.
 
 
Biết rằng đó là một việc vô nghĩa, nhưng cô vẫn làm, như một con thiêu thân lao vào lửa. Biết là đau đấy, nhưng không thể dừng lại, bởi vì “chỉ đau mới biết mình đang sống”.

Lui đại diện cho một bộ phận những người trẻ tuổi nhiều bồng bột, sẵn sàng bán mạng vì một lời thách thức, hay đơn giản hơn, vì một sở thích cuồng điên nhất thời. Những người trẻ tuổi đó sống không mục đích, trống rỗng và hoàn toàn vô cảm. Đôi khi, ngay trong bản thân họ là một chuỗi những mâu thuẫn không thể lý giải. Giống như Lui sẵn sàng làm tất cả để bao che cho Ama tội giết người, nhưng rồi cô lại làm tương tự với Shiba-San khi phát hiện chính anh ta là người giết Ama.

Đọc “Rắn và khuyên lưỡi”, chúng ta cũng hiểu được vì sao những người trẻ tuổi thường hay sa ngã. Bởi lúc nào ở họ cũng tồn tại cái ngọn lửa của sự cuồng điên và ham muốn phá tan mọi giới hạn, như Lui từng thú nhận: “Tôi không muốn có mặt trong cái thế giới này, tôi cay đắng nghĩ. Tôi chỉ muốn đốt cháy mình đến những giọt cuối cùng trong cái thế giới tối tăm kia!”.
 
 
Cuộc sống, đối với họ đôi khi chỉ là thứ ảo ảnh vô nghĩa, nơi chạm vào đâu cũng thấy cô đơn và bất lực. Bất lực vì đâu? Vì khao khát quá nhiều trong khi thế giới này quá nhỏ, hay vì chẳng thể tìm thấy một tri ân trong cả tỉ con người? Nỗi cô đơn bủa vây họ, khiến họ khát khao một lớp vỏ bọc, khát khao với cái giả định: “Nếu trên thế gian này không có nơi nào mà ánh mặt trời không bao giờ chiếu tối, thì tôi sẽ tìm cách biến mình thành một cái bóng”.

“Rắn và khuyên lưỡi” quá nhiều kỳ dị và ám ảnh, nhưng cũng chính bỏi thế mà nó có sức quyến rũ đến khôn cưỡng, như thể người ta luôn sợ khi xem phim kinh dị, nhưng ai cũng muốn xem. Gấp lại “Rắn và khuyên lưỡi”, chẳng hiểu sao tôi cứ nhớ mãi cái chi tiết Lui nằng nặc không xăm mắt cho hình con kỳ lân và rồng trên lưng mình. Bởi cô ấy sợ nếu vẽ mắt, chúng sẽ bay đi mất, giống như câu chuyện “họa long điểm nhãn”. Có lẽ chúng ta, ai ai cũng có một nỗi sợ hãi mơ hồ như thế tồn tại trong mình, nỗi sợ đánh mất bản ngã và trở thành một tâm hồn cô độc, sống dằn vặt bên trong một khối xác thịt vô tri.
Chia sẻ