Quý bà vỡ ngực sau khi đi "tút tát"

Theo Dan Viet,
Chia sẻ

Một phụ nữ 50 tuổi tình cờ siêu âm vú và không tin nổi khi được biết túi ngực vỡ vụn, đó là nguyên nhân khiến ngực xẹp, bè ra.

Tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, Phó khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho hay đã trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân từng nâng cấp vòng một nhưng nay đã bị vỡ khiến ngực không cân xứng, đau nhức, nhiễm trùng.

Hãi với silicon lỏng

Gần đây nhất, có một bệnh nhân 50 tuổi siêu âm vú tình cờ phát hiện túi bị vỡ nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM yêu cầu thay mới. Túi đặt cách đây 20 năm, vỡ vụn, ngực xẹp bè ra, do có bao xơ nên silicon khu trú lại và không lan rộng xung quanh mô vú. Túi bị vỡ vụn rất ít gặp, hầu như đặt cách đây 15 - 20 năm, vì túi lúc đó chỉ là một lớp vỏ mong manh bằng plastic.
 

Một nạn nhân nâng ngực bằng silicon lỏng từ cơ sở chui.

Đáng lưu ý, nhiều chị em đi nâng cấp từ những tay bơm ngực dạo hoặc tìm đến các thẩm mỹ viện không có giấy phép hành nghề. Ở đó, chị em được bơm silicon lỏng vào cơ thể khiến nhiều người bị tai biến nặng, sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, và có nhiều trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ Hùng, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng bơm trực tiếp vào cơ thể do gây ra nhiều biến chứng trước mắt cũng như lâu dài. Biến chứng do silicon có nhiều mức độ. Có thể nạn nhân bị viêm tấy tại chỗ sau khi bơm, nguy hiểm hơn là tắc mạch cấp tính ở phổi, não, gan, ruột... hoặc biến chứng nhiễm trùng máu gây tử vong cao. Về lâu dài, silicon lỏng di chuyển ra xung quanh và phân tán đến các vùng lân cận làm ngực, mông, má, môi... chảy xệ, biến dạng, thâm tím, hoại tử da và mô bên dưới da.

Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ nâng cấp vòng một bằng silicon, sẽ có một phụ nữ phải lấy cục silicon ra trong vòng 10 năm do các biến chứng. Mặc dù đã bị cấm nhưng do giá thành rẻ và việc thực hiện đơn giản nên việc dùng silicon lỏng vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Thận trọng khi làm đẹp

Tiến sĩ Đỗ Quang Hùng cho biết, phương pháp nâng ngực an toàn hiện nay là đặt túi độn có xuất xứ rõ ràng. Để thực hiện phẫu thuật nâng ngực, bác sĩ sẽ xác định độ lớn nhỏ tuyến vú để định độ lớn của túi ngực sẽ đặt, đo chiều cao cơ thể, vòng eo, vòng mông, vòng ngực hiện tại. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải thực hiện kiểm tra tình trạng bệnh lý tuyến vú, làm nhũ ảnh, siêu âm vú.


Silicon lỏng đóng cục gây biến chứng, phải phẫu thuật lấy ra.

Vấn đề lo ngại nhất là biến chứng tạo bao xơ co thắt quanh vỏ túi. Đây là một vấn đề khó tránh khi đặt một vật lạ vào trong cơ thể. Tuy nhiên, biến chứng này tùy thuộc vào từng cơ địa, kỹ thuật đặt túi, chất liệu túi, mức độ xoa bóp vú sau mổ và tình trạng chảy máu sau mổ. Việc hình thành bao xơ này gây khó chịu cho người thay đổi hình dạng tuyến vú, có thể phải giải quyết bằng cách mổ lại, bóc bỏ bao xơ và thay túi khác. Nếu vẫn còn tái phát thì không được đặt túi vĩnh viễn.

Trên thị trường hiện cũng có nhiều loại túi nâng ngực của các nhà sản xuất Mỹ, Pháp. Trong mỗi túi đều có phiếu bảo hành trọn đời, nhưng việc đảm bảo trọn đời hay không thì không ai dám khẳng định. Thậm chí các bác sĩ cũng không dám khẳng định. Vì vậy, bác sĩ Hùng chia sẻ: “Chăm sóc ngực đẹp, không nhất thiết là phải tăng vòng một. Còn rất nhiều biện pháp khác để giữ gìn một bộ ngực đẹp như chú ý tư thế đứng, ngồi, nằm để tuyến vú không bị đè nén. Nhu cầu làm đẹp cũng chính đáng nhưng không vì thế mà chọn phương pháp bừa bãi gây nguy hại cho bản thân. Phẫu thuật đặt túi ngực là một cách nhưng cần thực hiện ở nơi có uy tín, túi ngực có nguồn gốc rõ ràng. Có như vậy chị em phụ nữ mới vừa khỏe, vừa đẹp”.
Chia sẻ