Quẹo lựa! Quẹo lựa! Ở đây có bán những tiếng rao hay nhứt Sài Gòn

NGUYỄN TOÀN - ẢNH: HUỲNH YÊN - THIẾT KẾ: TUẤN MAXX, MINH THẦN KÌ,
Chia sẻ

Hổng biết từ hồi nào mà những tiếng rao chân phương của người bán hàng rong ở Sài Gòn đã trở thành một thứ âm thanh thân thuộc của phố thị. Để rồi mỗi khi đi xa, người ta lại thấy nhớ, thấy thương, da diết.

Tan sở làm, tôi chen mình trong dòng người xe đông nghẹt giờ tan tầm, miệng không khỏi lầm bầm bực bội. Đèn đỏ, mọi người dừng xe lại, bỗng nhiên bên vệ đường có một người đàn ông la lớn: “Trời ơi ngứa gì mà ngứa quá, ngứa chịu không nổi. Mua liền cây gãi ngứa, 10 ngàn, cây gãi ngứa 10 ngàn bà con ơi…”

Tôi bật cười, bao nhiêu khó chịu của kẹt xe, của khói bụi tự nhiên chạy đi đâu hết trọi. Người đàn ông vẫn cất tiếng rao, vừa đi vừa gãi rồi hòa vào dòng người xe phía trước. Tôi không biết ngày hôm đó chú đã bán được bao cây gãi ngứa, nhưng chắc chắn đã bán cho tôi một niềm vui, thật bình dị.

Quẹo lựa! Quẹo lựa! Ở đây có bán những tiếng rao hay nhứt Sài Gòn - Ảnh 2.

Nhiều lúc ngồi nghĩ vu vơ: dân marketing học hành bài bản còn phải xách tập đi học hỏi cô chú hàng rong Sài Gòn dài dài. Nói đâu xa ngay cái chuyện trưng bày giá sản phẩm là cả một nghệ thuật. Như bữa nọ chạy từ xa thấy ghi bảng giá: “Ổi bao ngon 10.000/1 ký”, rẻ hú hồn. Ai dè chạy lại gần mới thấy số 2 nhỏ xíu nằm dưới số 1. Thì ra là ½ ký 10.000 đồng. Đúng là “một cú lừa” nhưng đáng yêu.

Tháng trước tôi chạy ngang qua chợ Bà Chiều, giữa trăm ngàn âm thanh náo nhiệt của khu chợ, giọng nói thánh thót của anh thanh niên bán nồi niêu xoong chảo vẫn vượt trội khiến không ít người chú ý.

Anh thanh niên tay phải cầm cái xoong, tay trái cầm cái chảo, rao liên hồi: “Xoong chảo sáng bóng đây! Chu cha! Phải nói là sáng gì mà sáng thế, sáng mê sáng muội, sáng đến tận cùng, sáng chui vô mùng mà vẫn còn sáng. Quẹo lựa, quẹo lựa bà con ơi!”

Hay như cô bán quần áo ở chợ Hạnh Thông Tây thì sắm hẳn cái loa cầm tay cho vang vọng: “Xả hàng, xả hàng, quần áo rẻ như cho đây chị em ơi! Chỉ bán một ngày duy nhất. Nay bán, mai nghỉ, mốt đi Mỹ. Nhanh chân quẹo lựa, nhanh chân thì còn mà chậm chân thì hết nhen chị em ơi!”

Kế bên là xe bán kẹo kéo của ông bác người miền Trung. Từ chiếc loa điện tử phát ra lời rao: “Kẹo kéo đi. Cô nào chồng bỏ chồng chê, ăn cây kẹo kéo chồng mê tới già”. Lát sau lại có cô gánh chè đi qua: “Ai chè đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, bánh lọt nước cốt dừa hông”.

 - Ảnh 3.

Ngoài hình thức mời gọi dồn dập, thì người Sài Gòn còn nhiều kiểu cũng độc lạ không kém. Như hai anh mù bán vé số ở Gò Vấp, cứ bữa nào bán ế thì lời rao nó sầu kiểu như vầy: “Ba giờ rồi, ủng hộ một tờ vé số cho hai thằng mù đi bà con. Trời ơi nó ế, ế chỏng gọng, ế té ghế. Mù mà bán ế muốn mù thêm luôn”. Người ta vừa buồn cười, vừa thấy thương quá chừng.

Còn chú bán xoài thì không biết vì lý do gì mà rao bất cần đời như vầy: “Ai mua Xoài không? Xoài chua lè chua lét luôn. Ai mua thì bán, không mua thì thôi”. À, chắc chú bán vì đam mê.

Tổng thể âm thanh hòa quyện, tạo nên một đặc trưng rất riêng của Sài Gòn, náo nhiệt. Thú thật là đôi lúc lời rao có hơi ồn ào, thế nhưng phải gật gù là rất “đáo để”. Thử bữa nào mà Sài Gòn thiếu tiếng rao, chắc buồn chịu hổng nổi luôn.

 - Ảnh 4.

Sống ở Sài Gòn lâu, nhiều thứ dần trở nên thân thuộc. Tiếng rao của cô bác hàng rong cũng vì vậy mà thân thương. Hôm nọ, ngồi ở cà phê bệt bỗng có xe bán kem chạy ngang qua, tiếng nhạc phát lên: ten tén tèn, ten tén tèn, ten tén tèn tèn ten tén ten. Tự nhiên trong đầu nhảy lên câu hát: không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem. Ừ, rồi tự nhiên cười hì hì nhớ cái thời còn nhỏ mè nheo với má ba. Nhớ quá chừng.

Rồi “Bánh mỳ Sài Gòn đặc biệt thơm bơ, 2 ngàn một ổ” không biết từ lúc nào cứ in đậm trong ký ức. Để rồi mỗi khi nghe, lại thấy thèm thèm. Hay nhắc đến keo dính chuột là người ta lại nhớ đến câu rao:

“Trung tâm công nghệ hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm đó là keo dính chuột... Keo dính chuột không độc hại với môi trường, đặc biệt có thể tái sử dụng nhiều lần... Keo dính chuột còn có thể bẫy được các loại côn trùng như ruồi, muỗi, kiến, gián, và các loại côn trùng khác”.

“Keo dính chuột đặc biệt của Trung tâm ứng dụng công nghệ mới của chúng tôi diệt được chuột Tây, chuột ta, chuột Nga, chuột Mỹ, chuột Thổ Nhĩ Kì, chuột Tuynidi, chuột gì cũng chết”.

 - Ảnh 6.

Ở bất kỳ vỉa hè, góc chợ nào của Sài Gòn người ta cũng có thể bắt gặp những tiếng rao rộn ràng và có phần vui nhộn như vậy. Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau sự hài hước của những tiếng rao là biết bao trăn trở về cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người.

“Ai ve chai bán không?” - là câu rao mà chị Thương phải gào đến khản cả giọng trong suốt một ngày mưu sinh. Thức dậy từ sáng sớm, chị cùng chiếc xe đạp cũ mèm đi qua từng con phố, nhặt nhạnh, thu mua từng món đồ phế liệu. Nào xoong, nào radio cũ, vỏ chai nhựa, lon bia... chị đựng trong hai bao tải to đùng cột bên hông xe. Nắng cũng như mưa, chưa ngày nào chị ngơi nghỉ. “Vì nghỉ thì tiền đâu gửi về quê cho ông bà, nuôi các cháu hả em?” - chị xót xa nói.

Chị Thương quê ở tận miền Trung, mấy năm liền mất mùa do thiên tai, chị đánh liều tìm vào Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề ve chai. Thu nhập tuy không bao nhiêu, nhưng ăn uống tằn tiện cũng dư đôi triệu gửi về quê.

Tôi còn nhớ câu chuyện của bác Chánh - người đàn ông mặc áo dài đỏ nhảy múa trên đường để bán từng bịch bánh ống. Chú kể có nhiều hôm bán ế, phải ráng bán đến 1-2 giờ khuya, gần sáng vì quá buồn ngủ, chú ngủ luôn trên vỉa hè. Vất vả là thế nhưng chú Chánh chưa bao giờ than vãn, ngược lại chú luôn cảm thấy hạnh phúc vì chăm lo cho con cái ăn học nên người.

Tiếng rao của những người cha, người mẹ tần tảo vẫn vang lên giữa phố thị dẫu có bao nhiêu khó nhọc, gian truân. Họ cũng như Sài Gòn, mang vỏ bọc náo nhiệt nhưng sâu bên trong luôn chất chứa tâm tư và lo lắng cho những đứa con của mình.

 - Ảnh 7.

Chia sẻ