Quá sợ hãi việc ăn uống do bị cha mẹ ép ăn, bé gái 2 tuổi "tuyệt thực"
Vì sợ nôn mửa mà cô bé này không dám ăn uống suốt nhiều ngày liền, khiến cơ thể suy nhược trầm trọng.
Gần đây, một bé gái 2 tuổi tên là Gia Gia ở Trung Quốc được đưa đến bệnh viện để tháo ống thông dạ dày dưới sự hỗ trợ của cha mẹ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhân viên y tế, cha mẹ và việc áp dụng các phương pháp điều trị như khám bệnh ngoại trú, nhập viện và dinh dưỡng tại nhà, Gia Gia cuối cùng đã hồi phục sức khỏe.
Từ một hạt hướng dương đến cuộc chiến sinh tồn
Vào tháng 9/2024, Gia Gia khi đó mới 2 tuổi 7 tháng nhưng chỉ nặng có 10kg, thường xuyên bị cha mẹ thúc ép ăn uống. Một buổi chiều nọ, trong lúc đang chơi đùa, cha mẹ Gia Gia bóc hạt hướng dương cho cô bé ăn, không ngờ hạt hướng dương mắc kẹt ở cổ họng, khiến cô bé ho sặc sụa và nôn hết thức ăn trong bụng. Kể từ đó, Gia Gia sợ hãi việc nôn mửa nên từ chối ăn uống, chỉ uống sữa.
Gia đình đã cố gắng thuyết phục, thậm chí ép buộc cô bé ăn nhưng càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sau đó, Gia Gia hoàn toàn từ chối thức ăn, kể cả sữa.
2 vợ chồng hoảng hốt đưa Gia Gia đến Bệnh viện Nhi thành phố Thường Châu. Lúc này, Gia Gia đã 10 ngày không ăn uống, không đi đại tiện, cơ thể suy nhược, đường huyết thấp, nhiễm toan chuyển hóa, mất nước và đã rơi vào trạng thái hôn mê nhẹ. Các bác sĩ cấp cứu đã chuyển bé vào khoa tiêu hóa ngay trong đêm.
Vào ngày thứ 3 nhập viện, tình trạng thể chất của Gia Gia được cải thiện, tình trạng hạ đường huyết và nhiễm toan chuyển hóa của cô bé đã được khắc phục. Bác sĩ đã tiến hành nội soi dạ dày cho cô bé, sau khi xác nhận không có bất thường ở thực quản và dạ dày thì tiến hành đặt ống thông dạ dày để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Đồng thời, các chuyên gia từ nhiều khoa khác nhau như nội tiết, xét nghiệm cũng tham gia hội chẩn để tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
Sau 22 ngày điều trị tại bệnh viện, bé Gia Gia cuối cùng cũng được xuất viện. Bác sĩ Lưu Huy tận tình hướng dẫn cha mẹ cô bé cách thực hiện việc cho ăn qua ống thông dạ dày và những lưu ý cần thiết.
Bác sĩ Lưu dặn dò cha mẹ phải thường xuyên động viên cô bé, tuyệt đối không được ép ăn. Mỗi ngày, bác sĩ Lưu đều liên lạc qua tin nhắn để nắm bắt tình hình của bé Gia Gia và cùng gia đình bàn bạc cách khắc phục tình trạng biếng ăn của bé.
Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Lưu, cha mẹ bé Gia Gia vừa khuyến khích bé thử nhiều món ăn ngon, vừa giảm dần lượng thức ăn qua ống thông để kích thích bé cảm thấy đói. Cuối cùng, sau 10 ngày xuất viện, bé Gia Gia đã chủ động ăn uống và dần hồi phục chế độ ăn như trước khi ốm.
Theo bác sĩ Lưu Huy, trường hợp của Gia Gia thuộc nhóm rối loạn ăn uống do trải nghiệm ăn uống không tốt, có liên quan đến yếu tố tâm lý. Phần lớn trẻ em sẽ hồi phục sau vài ngày đến một tuần, trường hợp của Gia Gia kéo dài 1 tháng là rất hiếm.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tránh cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng hoặc có hạt. Tôn trọng ý muốn của trẻ, không ép buộc trẻ ăn. Tạo không khí vui vẻ khi ăn. Nếu trẻ biếng ăn, nên đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Câu chuyện của bé Gia Gia là một lời nhắc nhở cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái. Việc ép buộc trẻ ăn uống có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe của trẻ.