Phụ nữ, hôn nhân và... "ngồi tù" kiểu đặc biệt

T.Mai,
Chia sẻ

Theo quan điểm của chị V.H.M: "Thì phàm là phụ nữ thì ai cũng mong muốn được "ngồi tù" kiểu đặc biệt, thi thoảng được 'cai ngục' massage"...

Trải qua cuộc sống hôn nhân được gần 2 năm với người đàn ông "vừa đủ", chị V.H.M cho rằng: "Nếu đã coi hôn nhân là nhà tù, chồng là... 'cai ngục' số 1 thì phụ nữ nào cũng mong muốn được ngồi tù kiểu đặc biệt"... Hãy cùng trò chuyện với người phụ nữ này để hiểu hơn về quan niệm tình yêu - hôn nhân của chị.

Chào chị! Sau 30 năm có lẻ sống trong tình trạng độc thân, cuối cùng chị đã trở thành phụ nữ có chồng. Cảm giác ban đầu của chị thế nào về sự đổi mới này? 

Tôi cũng giống nhiều người phụ nữ khác. Trải qua tuổi 20 với nhiều ước mơ được nhuốm bởi màu hồng. Tình yêu và hôn nhân trong quan niệm của những cô gái tuổi 20 cũng rất khác, đơn giản là yêu thì cưới. Vì thế có thể đám cưới ở tuổi 20 sẽ có nhiều điều khiến người ta sau này bị vỡ mộng. Họ có thể tặc lưỡi sai lầm lần này vẫn còn sớm để mình sửa… 

Nhưng với một phụ nữ nhiều hơn 30 tuổi như tôi, khi đã trải qua những biến cố, kinh nghiệm sống phong phú hơn. Vì thế thận trọng và chắc là yếu tố then chốt để tôi đề ra mục tiêu kết hôn cho mình. Tôi kết hôn khi đã tìm được cho mình được đáp án của những vấn đề mà mình đặt ra trước đó. Do đó, hiện tại tôi khá hài lòng với cuộc sống hôn nhân của mình. Mọi thứ diễn ra rất nhẹ nhàng, êm đềm, và tôi đang trải qua những ngày hạnh phúc nhất.

Một người đàn ông có thể giúp chị giải đáp được hết những vướng mắc, trăn trở trước khi kết hôn để hài lòng với cuộc sống hiện tại hẳn là một người “đủ đẳng cấp”?

Nói vui như nhiều người, nếu ở tuổi tôi thì đáng ra nên tham gia câu lạc bộ… người cao tuổi thay vì kết hôn (cười). Bởi lúc đó sau quãng thời gian theo đuổi sự nghiệp, cho đến khi hài lòng về bản thân thì cũng đã chan sạn với cảm giác yêu đương. Họ cho rằng yêu và kết hôn lúc này giống như một nhiệm vụ bất khả thi. Tôi cũng đã chứng kiến có nhiều chị em quyệt định sống độc thân cả đời khi trái tim, cảm xúc và lý trí đã quá quen thuộc với cảm giác một mình. Những chị em đó không thích phá vỡ cuộc sống riêng tư chỉ vì sẽ gép đôi với một người đàn ông mà họ không thể biết chắc rằng: Anh ta có yêu mình? Anh ta có đủ tốt? Điều kiện kinh tế của anh ta có ổn?...

Tôi không biết phải có những tiêu chuẩn nào để đánh giá một người đàn ông là đẳng cấp? Tôi cho rằng tiêu chuẩn này giữa mọi người là khác nhau. Với cá nhân tôi thì thực chất tôi dựa vào kinh nghiệm mà mình có được từ việc quan sát người khác khi tìm cho mình người đàn ông đủ đề tin tưởng và hài lòng. Chồng tôi là một người đàn ông vừa đủ!

Tôi khá tò mò về quan niệm “vừa đủ” của chị?

Với tôi đơn giản anh ấy là người tôi yêu và yêu tôi, ở anh ấy hội tụ những mong muốn tốt đẹp của tôi trước đó. Anh ấy có công việc ổn định, có nhà để chúng tôi ở riêng, anh ấy biết nấu ăn và có một vài tính xấu để tôi thích thì có thể chêm vài lời phê phán.

Phụ nữ, hôn nhân và...
Phụ nữ nào cũng mong muốn mình được "ngồi tù" kiểu đặc biệt, thi thoảng được cai ngục massage... (Ảnh minh họa)

Phải chăng vì quá kỹ càng khi đi tìm người đàn ông hội tụ những điều tốt đẹp mà chị mong muốn nên chị mới kết hôn muộn vậy? 

Tôi đã nói ở trên rồi, mọi người đều có những đánh giá và mục tiêu của riêng mình. Trong tình yêu, hôn nhân, bạn không thể “đo ni đóng giày” những tiêu chuẩn của mình cho người khác. Nếu cứ mải miết với những điều đó thì chỉ có mình sống với chính mình mà thôi. Hôn nhân là cuộc sống ghép giữa hai con người khác nhau. Vì thế nếu chỉ cắm đầu kén chọn mà không lưu ý dung hòa sự khác nhau thì chắc chắn anh chàng bạn chọn có lý tưởng cỡ nào cũng sẽ trở nên lệch với bạn.

Kết hôn sớm hay muộn một phần là do mình muốn, một phần còn ở… duyên phận có với nhau. Theo tôi là như thế.
 
Chị nghĩ sao khi hiện nay có rất nhiều chị em chọn cuộc sống độc thân? 

Có rất nhiều lý do khiến nhiều chị em ngày nay chọn cuộc sống độc thân. Lý do đó có thể là: không thích cuộc sống hiện tại bị xáo trộn; không tìm được người đàn ông đáng tin tưởng; ngoại tình; ly hôn… Tựu chung lại những người chọn cuộc sống độc thân thường là người thấy cuộc sống hôn nhân có quá nhiều phức tạp và rủi ro chờ đợi mình. Một khi không giải quyết được định kiến đó thì họ khó lòng mà kết hôn được.

Trong chúng ta, mỗi người đều mong muốn mình sẽ có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, trọn vẹn và đủ đầy. Nhưng thực tế thì phũ phàng, cuộc sống này có rất nhiều khó khăn vốn dĩ mình không thể lường trước. Và điều đó có thể khiến cho cuộc hôn nhân mà bạn gửi gắm hi vọng bị tan vỡ. Chính vì thế càng khiến cho nhiều chị em mất niềm tin vào hôn nhân.

Thế nhưng nhiều người độc thân cho rằng vì họ chứng kiến nhiều chị em đã lập gia đình nói rằng hôn nhân giống như nhà tù, nó bó buộc và biến họ thành nô lệ. Chị nghĩ sao? 

Thực ra nếu nhìn nhận khách quan thì dù bạn ở đâu bạn cũng phải tuân theo những luật lệ nhất định. Và bởi thế thì dù độc thân hay đã lập gia đình thì bạn đều có những “nhà tù” theo cách nhìn nhận của riêng mình. “Nhà tù” hôn nhân mà bạn nói nhiều chị em nhắc đến có thể là những ràng buộc mà các chị ấy phải trải qua như: quan niệm sống, mối quan hệ với nhà chồng, lễ nghĩa hiếu đạo… khiến cuộc sống của họ nặng nề. Và người chồng mà họ nguyện đồng cam cộng khổ bỗng chỉ mang đến cho họ những mệt mỏi, phiền toái. Lâu dần cảm giác hạnh phúc, vui vẻ sẽ thay bằng sự ngột ngạt, khó chịu. 

Khi cuộc sống đã có nhiều áp lực chĩa về phía mình, người phụ nữ lại hết luôn cả hi vọng vào người đàn ông vì anh ta đang mải mê với công việc, vui thú cùng bạn bè, mà quên đi sự có mặt của người vợ… Chắc chắn cuộc sống hôn nhân khi đó sẽ khiến họ nhớ thuở còn con gái sống ở nhà với bố mẹ đẻ. Và khái niệm “nhà tù”; “địa ngục” cứ thế mà hình thành thôi.

Vậy đứng ở góc độ là một người đã có gia đình, theo chị phụ nữ thường mong muốn gì khi đã lập gia đình?

Hầu hết chị em trước khi kết hôn đều có những ảo tưởng về cuộc sống hôn nhân của mình sau khi làm đám cưới. Mà suy cho cùng thì những ảo tưởng đó đều xuất phát từ những kỳ vọng. Có người vẽ ra cho mình một hình tượng anh chồng hoàn hảo, một cuộc sống hôn nhân không mâu thuẫn, trục trặc… Chính bởi những điều đó đã khiến chị em phải sự thất vọng khi cuộc sống hôn nhân diễn ra không theo ý mình. Và khi đó hôn nhân là ngục tù tối tăm. Chồng tồi sẽ biến thành cai ngục xấu xa.

Nếu vin vào quan niệm coi hôn nhân là nhà tù bởi những ràng buộc và trách nhiệm thì người phụ nữ nào cũng mong muốn được "ngồi tù" kiểu đặc biệt. Vì sao ư?! Bởi vì một khi đã phải gánh những trách nhiệm thì điều đặc biệt của "nhà tù" đó là sự hiện diện, sự chia sẻ, cảm thông... từ người chồng. Chính sự hiện diện của người chồng bên cạnh người vợ sẽ giúp cuộc sống của người phụ nữ trở nên nhẹ nhàng, dễ thở hơn. Cảm giác kịp thời nhận được sự thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ từ ngừời chồng sẽ khiến cho người vợ muốn đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực, khó chịu về "nhà tù" hôn nhân. Nếu một 'nhà tù' mà có 'cai ngục' luôn vui vẻ, chăm sóc 'tù nhân'. biết massage thì 'tù nhân' đó sẽ khiến nhà tù đó nở hoa chứ không còn cảm giác lạnh lẽo, nặng nề...

Xin được cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Xin chúc chị mãi hạnh phúc!

Chia sẻ