Mối tình ngọt ngào hơn nửa đời người của anh cán bộ và cô thanh niên xung phong

,
Chia sẻ

Hôn nhân là dấu mốc lớn trong cuộc đời người phụ nữ. Hạnh phúc hay đắng cay tùy thuộc khả năng gìn giữ hạnh phúc gia đình của hai vợ chồng, chứ không phải nằm trong bàn tay điều khiển của số phận.

Cuộc đời mỗi người phụ nữ là một câu chuyện dài, không chắc sẽ có cái kết đẹp như cổ tích, không lãng mạn như phim, nhưng nó vẫn luôn đẹp trong chính trái tim người phụ nữ đó.

Câu chuyện đã xảy ra cách đây nhiều chục năm về trước …

Ông ngoại tôi vốn là cán bộ vật tư của tỉnh Hà Tĩnh, tham gia nhiều mặt trận những năm chống Mỹ và chống Pháp để vận chuyển súng đạn vào chiến trường miền Nam. Còn bà ngoại là cô thanh niên xung phong đang độ tuổi đôi mươi đầy nhiệt thành với cách mạng. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh chẳng mấy thanh bình, khó khăn có, thử thách có, nhưng rồi vượt qua tất cả, họ đã có một đám cưới hạnh phúc ngọt ngào. Dẫu cách biệt nhau hơn 30 tuổi và ông ngoại tôi từng có hai đời vợ, nhưng suốt 50 năm chung sống giữa đôi vợ chồng ấy chẳng lần nào xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Đó là nhờ sự đảm đang, khéo léo giữ gìn hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, là bà ngoại tôi.

Mối tình ngọt ngào hơn nửa đời người của anh cán bộ và cô thanh niên xung phong 1

Những bức thư là cầu nối duy nhất gắn kết tình cảm giữa ông bà ngoại tôi

Những ngày đầu về sống chung là khoảng thời gian thiếu thốn trăm bề, đời sống lay lắt qua từng bữa, để ông tập trung làm nhiệm vụ, bà cố gắng chu toàn mọi việc, quán xuyến gia đình, một mình nuôi mấy miệng ăn. Nhiều khi nhìn cảnh đàn con nheo nhóc, bà khổ tâm, có lúc khóc thầm vì thương con, bà lên núi hái thuốc về bán, kiếm thêm tiền nuôi con. Ông ngoại và bà ngoại thường động viên, ủng hộ tinh thần cho nhau qua những phong thư viết vội, vậy mà tình cảm giữa hai người vẫn gắn bó, chân thành và sâu đậm biết mấy. Bà kể lại không giấu vẻ mãn nguyện, “thời ấy nghèo khổ nhưng vẫn ấm áp và hạnh phúc lắm”.

Bà ngoại dạy con cái theo phương pháp “mềm nắn rắn buông” nên ai cũng nể phục, nghe lời bà một phép. Khi dì thứ ba đến tuổi lấy chồng, dì quen một anh chàng lành tính nhưng nghiện rượu, dì nói rằng ngoài tật xấu này ra anh ấy là một người tốt, rất yêu thương và sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì dì. Ông ngoại vốn làm trong quân đội nên cực kỳ kỷ cương và nghiêm khắc, ông khuyên dì suy nghĩ lại vì sau này anh ta sẽ làm dì khổ cả đời. Dì bướng không nghe lời, ông lấy roi mây đánh dì liên tiếp khiến các vết đánh sưng phù hết cả lên, anh người yêu thấy thế vội lao vào đỡ, chịu đòn thay cho dì, ông càng đánh cả hai dữ dội. Bà ngoại vừa lên núi hái thuốc về thấy cảnh đấy vội can ngăn ông, mời dì và người yêu vào nhà khách nói chuyện. Nghe ông kể lại sự việc, bà hỏi dì: “Con có chắc cậu T dám làm tất cả vì con?” Dì đáp: “Dạ, có”, bà quay sang hỏi anh người yêu của dì: “Tôi muốn nghe lời khẳng định từ cậu.” Anh người yêu trả lời: “Con yêu cô ấy, con sẽ làm mọi thứ vì cô ấy”. Bà nói tiếp: “Tôi có một đề nghị, không biết cậu có làm được không?”. “Dạ, cô cứ nói.” Bà từ tốn: “Cậu nói rằng cậu yêu V nhà tôi và muốn lấy nó làm vợ. Tôi sẽ đồng ý với một điều kiện. Nhà dưới chúng tôi còn một phòng trống, dù sao cậu cũng là dân phương xa tới đây, cậu có thể ở nhà chúng tôi 3 tháng, sau 3 tháng nếu mọi chuyện đều tốt đẹp, tôi sẽ chuẩn bị đám cưới cho cô cậu. Ý kiến của cậu như thế nào?” Lúc này, anh người yêu suy nghĩ lâu lắm, còn dì thì hồi hộp, ức chế như ngồi đống lửa, định cãi lại vì điều kiện vô lý nhưng bắt gặp ánh mắt “hình viên đạn” của ông ngoại thì im bặt. Cuối cùng, anh người yêu từ chối, còn dì rất thất vọng và khóc suốt mấy tuần liền, bà chỉ nhẹ nhàng an ủi một câu: “Mẹ chỉ thử cậu ta thôi, con nhìn xem, cậu ta còn chưa dám nói, sao đủ can đảm dám làm. Những người như thế không đáng để con gửi gắm thân phận cả đời đâu, con ạ”

Con cái dần lớn, có người vào nam lập nghiệp, có người ở lại quê hương, cả căn nhà rộng thênh thang chỉ hai con người già cả ở cùng nhau nhưng không khi nào thiếu vắng tiếng cười. Tôi vẫn nhớ kí ức về hình ảnh hai ông bà lụi cụi ở dưới bếp sưởi ấm, vừa xem ti vi, vừa nói chuyện trong những ngày đông rét mướt.

Mối tình ngọt ngào hơn nửa đời người của anh cán bộ và cô thanh niên xung phong 2

Ông bà luôn biết cách quan tâm, yêu thương và giữ lửa cho hạnh phúc gia đình

Dù đã 100 tuổi, ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, có thể nhắn tin với chiếc điện thoại “đập đá” và trò chuyện sôi nổi, kể lại chiến tích thời xưa cũ cho con cháu nghe. Hai năm trước, ông vào Sài Gòn thăm con cháu, sợ bà ở nhà một mình buồn, ông siêng năng gọi điện “hàn huyên” tâm sự, nhắc nhở bà ăn uống đầy đủ kẻo bệnh, “báo cáo” tình hình cho bà khỏi mong. Không chỉ biết cách quan tâm bà, tôi còn ấn tượng bởi ông ngoại nấu ăn rất khéo, mỗi lần con cháu về thăm quê, ông đều nấu ăn đãi cả nhà, ai cũng tấm tắc khen ngon. Tất cả những điều đó đều nhờ vào “công lao hướng dẫn” của bà. Bà luôn tìm "cơ hội" “nhờ vả” và san phần công việc cho ông để hai người cùng nhau làm việc, chăm lo cuộc sống, nhất là vào độ tuổi gần đất xa trời, cuộc sống chẳng còn bao lâu nữa.

Mối tình ngọt ngào hơn nửa đời người của anh cán bộ và cô thanh niên xung phong 3Tình yêu đẹp kéo dài hơn 50 năm mà vẫn chưa một lần cãi vã là điều mà tôi hằng ngưỡng mộ nhất khi nhắc đến ông bà ngoại của tôi

Bà tôi già nhưng không hề cổ hủ, phong cách nói chuyện phóng khoáng, cởi mở, thực tế luôn cuốn hút tôi, tôi hay kể chuyện, tâm sự với bà hơn là mẹ. Tôi nghĩ đó cũng là điểm khiến ông luôn tôn trọng ý kiến của bà nếu trong nhà xảy ra chuyện. Khi ông ngoại mất hưởng thọ 102 tuổi vào hồi tháng 10, tôi gọi điện về, hỏi thăm bà: “Bà đang làm gì đó?” Bà trả lời bình thản: “Ông ngoại bay mất, bà ngồi chơi một mình chứ làm gì đâu.” Nghe câu ấy, không hiểu sao tôi thấy cay cay mắt rồi bật khóc bù lu bù loa, tiếng được tiếng mất trong điện thoại, còn bà vẫn mạnh mẽ nói chuyện với tôi, kể lại câu chuyện một cách bình thường. Mất đi một người gắn bó với mình hơn 50 năm trời mà sao bà vẫn vững vàng đến thế, tinh thần ấy làm tôi khâm phục biết bao nhiêu.

Bây giờ bà sống một mình, lấy cây cảnh làm bạn, mấy cháu con dì ở ngoài quê thường xuyên qua thăm và chơi cùng bà để bà đỡ buồn. Thỉnh thoảng tôi cũng gọi điện về, ôn lại vài kỷ niệm đáng nhớ. Thời gian dần trôi qua, mọi chuyện chỉ còn là quá khứ, nhưng tất cả đều đẹp trong lòng bà và cả thế hệ con cháu chúng tôi. Tôi ước sau này tôi cũng có được cuộc sống hôn nhân như ông bà ngày xưa bởi tôi hiểu rằng hạnh phúc luôn đến từ những điều giản dị nhất.


Chia sẻ