Phụ huynh review chi tiết về trường chuyên duy nhất tại TP.HCM được tổ chức thi tuyển sinh: Đào tạo chất thế này bảo sao học sinh toàn hạng "siêu khủng"
Đa số các bạn đều có khả năng chơi nhạc cụ hoặc vẽ. Điều này sẽ được phô bày ở các buổi biểu diễn âm nhạc tại lớp hoặc ở môn mỹ thuật. Chơi như nhạc sĩ và vẽ như hoạ sĩ.
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (tiền thân là trường Trung học La San Taberd), là trường trung học công lập duy nhất ở TP.HCM được tổ chức kỳ khảo sát đầu vào lớp 6, tất cả các trường THCS công lập còn lại trên địa bàn đều tuyển sinh lớp 6 bằng cách xét tuyển.
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 không tăng, dao động từ 525 -535 học sinh nhưng hàng năm, trường chuyên Trần Đại Nghĩa thu hút tới hơn 4.000 hồ sơ tham dự khảo sát vào trường, tương đương 1 chọi 8.
Theo đánh giá, tỉ lệ này còn căng thẳng hơn thi tuyển sinh 10, hơn thi đại học. Sức hút vào trường là có thật vì chất lượng giáo dục được khẳng định qua nhiều thế hệ học sinh, ở thành tích trong các kỳ thi cấp TP, quốc gia, quốc tế. Trong cả việc giáo dục phẩm chất, kỹ năng chứ không đơn thuần chỉ là học kiến thức.
Là phụ huynh của bé Nguyễn Tuệ Tâm đang học lớp 9 tại đây, chị Phạm Thị Trà (TP. HCM) đã có những review chi tiết về ngôi trường chuyên danh giá này, từ địa chỉ ôn luyện đến thực đơn, chương trình và áp lực học tập...
Theo chị Trà, trường chuyên Trần Đại Nghĩa giảng dạy cả 2 khối THCS và THPT. Tuy nhiên cấp 3 sẽ có các lớp chuyên đúng nghĩa của trường chuyên. Riêng cấp 2 gọi là chuyên nhưng không phân môn chuyên mà học như nhau ở các lớp.
Để vào được cấp 2, học sinh sẽ trải qua bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm 2 phần tự luận và trắc nghiệm. Kiến thức trong bài thi là kiến thức tổng hợp gồm Văn, Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Hiểu biết xã hội. Điều kiện dự thi là hai môn Văn, Toán phải đạt điểm từ 9 trở lên ở lớp 5. Tỷ lệ chọi là lấy 525 trên số dự thi khoảng hơn 4000. Lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ 525 bạn. Mỗi lớp học là 35 học sinh, có 15 lớp.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã tồn tại 146 năm.
Về chương trình học
Học theo chương trình của Bộ GD-ĐT, học phí công lập, bán trú. Trong 15 lớp này sẽ có 2 lớp tiếng Đức, còn lại sẽ học tăng cường tiếng Anh hoặc tích hợp. Từ năm 2019, học sinh sẽ học 2 ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh sẽ được chọn tiếng Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Trung.
Giáo trình học là sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT và đề cương do Bộ môn biên soạn. Bộ đề cương này thường dùng làm bài tập để nâng cao kiến thức hơn so với học sinh các trường không chuyên.
Cách thức dạy học
Trên lớp, học sinh thuyết trình ở hầu hết môn học. Thông qua thuyết trình sẽ giúp học sinh biết cách làm việc theo nhóm, phân công trong nhóm, nói trước đám đông. Thuyết trình thường bằng power point, làm video, diễn kịch. Đối với môn Âm nhạc thì học sinh phải biểu diễn, có thể hát kết hợp sử dụng nhạc cụ, tổ chức một tiết mục tổng hợp hoặc thuyết trình về tác giả, một thể loại âm nhạc hoặc nhạc cụ.
Nội dung thuyết trình thường lấy kiến thức giáo khoa làm cơ bản, học sinh cần có kiến thức sâu và rộng bằng cách tự tìm hiểu để đạt điểm tốt. Điểm này dùng làm điểm miệng và 15 phút. Thi viết để lấy điểm 15 phút và một tiết, điểm học kỳ.
Hoạt động ngoại khóa
Có rất nhiều câu lạc bộ trong trường như câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ sách, quan hệ công chúng... Để tham dự câu lạc bộ, học sinh đăng ký tham gia, trả lời các câu hỏi và được phỏng vấn. Nếu đủ điều kiện mới được nhận. Các câu lạc bộ hoạt động có tổ chức, phải đóng lệ phí, việc tổ chức các sự kiện phải đăng ký với nhà trường. Học sinh là người đứng đầu câu lạc bộ.
Ngoài ra, tại trường có giao lưu với học sinh quốc tế.
Trường Trần Đại Nghĩa có nhiều hoạt động ngoại khóa.
Hằng năm tổ chức các chuyến du lịch cấp trường kết hợp học kỹ năng ở các địa điểm như Đà Lạt, đi Phan Thiết, Buôn Mê Thuột... Ở phạm vi lớp, phụ huynh thường tổ chức đi chơi 2 lần/năm.
Học bổng
Trường không có học bổng dành cho học sinh. Tuy nhiên đối với cấp 2, học sinh có thể săn học bổng Asia hoặc A star để đi du học.
Ôn luyện vào trường Trần Đại Nghĩa
Thi vào trường có cần luyện không? Điều này phụ thuộc vào từng học sinh và phụ huynh. Có trường hợp luyện và có trường hợp không. Không luyện cũng chiếm tỷ lệ đậu khá cao. Với cơ cấu bài thi hiện tại, luyện tủ là không thể đậu. Đề thi đòi hỏi học sinh giỏi ngoại ngữ và có kiến thức sâu, đa dạng ở các lĩnh vực.
Bé Tuệ Tâm con chị Trà thì tự học tại nhà mà không học thêm hoặc luyện ở trung tâm.
Nếu luyện, luyện ở đâu?
Có những trung tâm chuyên tổ chức luyện. Ngoài ra có thể luyện ở các thầy cô chuyên dạy để thi vào Trần Đại Nghĩa, học toán ở các giáo viên giỏi trong toàn thành phố. Có thể luyện online ở phần mềm fulllook trên trang Next Nobels.
Các cơ sở của trường
Trường có cơ sở 1 ở Lý Tự Trọng, dành cho học sinh khối 8 - 12. Cơ sở 2 tại quận 2.
Xe đưa đón: Có xe ở tất cả các quận. Chi phí tầm 1,5 triệu từ Gò Vấp - Q.2, 1.2 triệu từ Gò Vấp - Q.1. Tuỳ khoảng cách mà chi phí này được nhà xe thoả thuận với phụ huynh. Đi xe đưa đón khá mất thời gian, học sinh thường tận dụng để ngủ.
Ăn, ngủ bán trú
Có thể đăng ký hoặc không đăng ký. Học sinh được chọn món ăn cho từng ngày trong tuần ở tuần trước đó. Có thể ăn trong căn-tin của trường mà không cần đăng ký ăn bán trú hoặc mang theo đồ ăn trưa. Đồ ăn khá đa dạng.
Ngủ bán trú có máy lạnh, phụ huynh trang bị máy lạnh và đóng tiền điện. Nếu phòng đã có máy lạnh thì chỉ cần đóng tiền điện. Ngủ riêng nam nữ và có giường.
Về lực học của học sinh
Theo nhận xét của bé Tuệ Tâm là cực kỳ xuất sắc. Có bạn giỏi toàn diện, có bạn giỏi từng môn. Nhưng nếu đã giỏi có nghĩa là cực kỳ giỏi. Đáng kinh ngạc và các bạn khiến con thấy mình thật nhỏ bé (trích nhận xét của con mình).
Đa số các bạn đều có khả năng chơi nhạc cụ hoặc vẽ. Điều này sẽ được phô bày ở các buổi biểu diễn âm nhạc tại lớp hoặc ở môn mỹ thuật. Chơi như nhạc sĩ và vẽ như hoạ sĩ.
Kiến thức xã hội rộng, đa dạng, từ âm nhạc đến mỹ thuật, ẩm thực, và rất nhiều lĩnh vực hàn lâm khác.
Về phụ huynh
Đa số là giỏi từ học thuật đến kinh doanh, quan tâm có định hướng cụ thể cho con cái. Điều kiện kinh tế cũng khá. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ nhưng không nhiều.
Về việc luyện "gà" để thi thố
Ở cấp 2 không rõ nét. Mỗi khối sẽ thi chọn đội tuyển. Bạn nào muốn vô đội tuyển thì đăng ký thi, nếu đậu sẽ được học thêm 1 buổi/tuần. Không áp lực.
Về cơ sở hạ tầng
Tốt, có thư viện trong mơ nhưng hàng tháng phụ huynh phải đóng chi phí xây dựng thư viện khoảng 145 ngàn. Kéo dài cho đến khi đủ. Ở cơ sở 2, phòng học và khuôn viên rộng thênh thang. Cơ sở 1 ít rộng hơn nhưng cũng đáng mơ ước.
Áp lực học tập
Tất nhiên là có nhưng chủ yếu là áp lực cá nhân. Kiểu như bạn giỏi quá, mình phải cố gắng. Đối với lớp 6 mới vào chưa quen có thể áp lực về việc làm việc nhóm, thành lập nhóm và phân chia công việc. Sau khi quen thì việc này cũng nhẹ nhàng và còn thú vị nữa. Áp lực thi cử giống như ở các trường khác sẽ rơi vào các kỳ kiểm tra cuối kỳ.
Con chị Trà không học thêm gì cho đến học kỳ 2 lớp 8 (trừ ngoại ngữ), việc học thêm lúc này cho mục tiêu thi chuyên cấp 3. Nếu học trễ hơn, giáo viên sẽ không nhận vì không theo kịp.
"Về quan điểm cá nhân, mình thấy con vui vẻ, thích học. Có động lực học tập. Kết quả học tập tốt. Và con cũng giúp mình mở mang nhiều điều", chị Trà chia sẻ thêm.
Ảnh: Internet/Fanpage Đoàn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa