Phòng riêng của con gái Cường Đô la: Loạt đồ chơi đắt đỏ kết hợp phương pháp giáo dục Montessori
Khắp phòng của Suchin là những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của bé.
Là một trong những nhóc tỳ nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng, cô bé Suchin sở hữu khuôn mặt thanh tú, lúc nào cũng xinh xắn và vô cùng đáng yêu. Con gái vợ chồng doanh nhân phố núi được bố mẹ yêu chiều, sắm sửa cho rất nhiều đồ sang, xịn ngay từ khi mới chào đời. Không chỉ vậy, Suchin cũng được bố mẹ nuôi dạy rất chu đáo như dành toàn bộ thời gian cho con dù bận rộn, ở bên bé nhiều nhất có thể... Cũng chính vì vậy mà Suchin càng lớn càng ngoan ngoãn, hiểu chuyện và rất thông minh.
Mới đây, Đàm Thu Trang vừa khoe một loạt khoảnh khắc của con gái nhỏ trong phòng riêng của mình. Có thể thấy, cô bé được sắm cho rất nhiều đồ chơi với tông màu nữ tính, đáng yêu. Đặc biệt, Suchin được mẹ dạy đọc sách cùng các trò chơi rèn luyện theo phương pháp giáo dục Montessori ngay tại nhà. Đây là cách để trẻ vừa chơi vừa học, tiếp thu một cách thụ động mà không cần quá gượng ép.
Không gian phòng rộng rãi, khắp nơi để rất nhiều đồ chơi.
Giá sách, bộ dụng cụ gỗ theo phương pháp giáo dục Montessori được trưng bày trong nhà.
Xung quanh phòng Suchin đều có rất nhiều đồ chơi đắt đỏ.
Có thể để ý giá sách nhỏ và bảng học phía sau Suchin, là nơi cô bé rất yêu thích.
Những yếu tố cần thiết để có thiết kế phòng Montessori đúng chuẩn
Thiết kế phòng cho bé theo phương pháp Montessori được ra đời với mục đích khuyến khích sự ngăn nắp, tính tự lập tự chăm sóc bản thân và môi trường xung quanh của bé ngay từ khi còn nhỏ. Theo đó những nguyên tắc cần thiết trong để tạo nên không gian Montessori cho bé bao gồm:
Thiết kế phòng Montessori cho không gian tri thức
Ngay từ khi 6 tháng tuổi bé đã có thể bắt đầu làm quen với "thế giới hình ảnh và chữ cái" thông qua hình ảnh của các cuốn sách mà ba mẹ đặt trong phòng. Bởi vậy thiết kế phòng Montessori cho bé không thể thiếu những chiếc kệ để ba mẹ có thể trưng bày những cuốn sách, những vật dụng phục vụ hoạt động học tập cho bé. Đặc biệt khi con lớn lên, con có thể chủ động sắp xếp các cuốn sách, thu dọn ngăn nắp các món đồ chơi lên kệ, hình thành thói quen gọn gàng cho bé ngay từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, kệ sách khi được đặt trong phòng của bé cần phải đạt kích thước vừa với tầm với của bé, để con có thể quan sát được tất cả những món đồ có trên kệ và dễ dàng cất chúng sau khi đọc, sau khi chơi xong.
Bên cạnh kệ sách, trong không gian tri thức cần có những vật dụng cần thiết để phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu tri thức của bé con. Mẹ hãy sắm cho con của mình một tấm thảm êm ái cùng bộ bàn ghế đọc sách, giá vẽ tranh cùng hệ thống ánh sáng đầy đủ để con có thể đọc những cuốn sách thú vị, vẽ những bức tranh ngập tràn màu sắc mỗi ngày. Tuy nhiên, với những thiết bị này ba mẹ cần chú ý về kích thước và kiểu dáng để con không bị cận thị hay ảnh hưởng đến cột sống lưng khi học hay chơi.
Thiết kế phòng Montessori không gian vận động cho bé
Phương pháp Montessori hướng tới sự phát triển tự nhiên, khuyến khích bé con thực hiện những hoạt động mà con yêu thích, phát huy tối đa những khả năng mà bé có được. Bởi vậy, góc vận động là một trong những không gian không thể thiếu trong thiết kế phòng Montessori cho bé. Vận động trong phương pháp Montessori được chia thành hai hình thức vận động tinh và vận động thô:
Vận động thô là nhóm vận động liên quan đến các nhóm cơ thân, tay, chân, ở nhóm hoạt động này bé sẽ thực hiện các hoạt động như lăn, lê, bò trườn, ném,... giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp, sự thăng bằng và khả năng tập trung cho bé. Ở nhóm này, trong phòng của bé cần trang bị những giáo cụ như thang đi bộ, thang leo trèo, bập bênh, ván thăng bằng, lều khung gỗ,... để bé có thể chơi các trò chơi vận động chân tay một cách an toàn nhất.
Vận động tinh là nhóm vận động điều khiển chủ yếu ở các bộ phận bàn tay và ngón tay. Ở nhóm vận động này bé sẽ thực hiện các hoạt động như viết, đánh răng, tự đút ăn, tự thay quần áo,… Ở nhóm này, tùy thuộc vào từng không gian ba mẹ nên chuẩn bị cho bé những thiết bị nội thất cần thiết bổ trợ cho quá trình vận động tinh của bé. Ví dụ, để bé học cách tự đánh răng, ba mẹ có thể sắm sửa chọn những chiếc bệ kê chân để bé có thể chủ động vệ sinh răng mỗi ngày. Để bé học cách viết chữ, ba mẹ nên chuẩn bị cho con những bộ bàn ghế học tập có kích thước phù hợp với vóc dáng của con, để con chủ động và hứng thú trong mỗi giờ học, luyện chữ.
Thiết kế phòng Montessori không gian ngủ nghỉ cho bé
Theo phương pháp giáo dục Montessori, không gian phòng ngủ dành cho bé nên có 3 món đồ không thể thiếu: một chiếc giường sát mặt sàn, chiếc gương lớn bên cạnh giường và những bức tranh treo tầm thấp trên tường. Những vật dụng này sẽ đáp ứng nhu cầu cảm xúc tự nhiên của trẻ nhỏ, kích thích tính khám phá và hơn hết mang đến cho con yêu những giấc ngủ ngon mỗi ngày.
Theo đó, khi thiết kế phòng Montessori cho bé, ba mẹ nên chuẩn bị cho bé nhà mình một chiếc giường kê sát mặt sàn hoặc 1 tấm nệm thay vì những chiếc cũi bó hẹp, vì như thế những em bé sơ sinh có thể quan sát thế giới xung quanh một cách thoải mái và trực quan hơn. Khi bé lên 3 tuổi, ba mẹ có thể sắm sửa cho bé những chiếc giường lều theo dạng ngôi nhà để cho con một không gian riêng tư, kích thích tính tự lập trong mỗi giấc ngủ của bé.
Sẽ rất tuyệt vời nếu ngay bên cạnh giường ba mẹ có thể trang bị thêm 1 chiếc gương lớn. Em bé nhà bạn sẽ nằm trên giường và quan sát mình ở trong gương. Đây là một trong những phương pháp giúp phát triển trí thông minh của bé thông qua quá trình tự nhận biết bản thân.
Cuối cùng, thiết kế phòng Montessori không thể thiếu những bức tranh treo tường, những bức ảnh nghệ thuật được đặt trên vị trí vừa với tầm quan sát của bé. Bởi ngay từ nhỏ bé được nhìn ngắm, được tiếp xúc với những bức tranh nghệ thuật sẽ rất có lợi.
Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessori phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em. Phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi do các bản năng và sự nhạy cảm duy nhất của trẻ nhỏ đối với các điều kiện trong môi trường.
Về cơ bản, phương pháp này xây dựng mô hình phát triển của con người, và các cách tiếp cận giáo dục đều dựa trên mô hình đó. Mô hình này bao gồm hai thành tố. Trước hết là trẻ và người lớn tham gia vào quá trình xây dựng tâm lý thông qua tương tác với môi trường xung quanh. Thứ hai là trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi – đối tượng có sự phát triển tâm lý bẩm sinh. Dựa trên những gì quan sát được, Montessori cho rằng trẻ nếu được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.